Mất kinh nguyệt có lẽ là một trong những vấn đề gây đau đầu cho nhiều chị em phụ nữ. Đây tưởng chừng là bệnh lý đơn giản nhưng để lại nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nữ giới. Vậy mất kinh nguyệt là gì? Đâu là nguyên nhân gây lên mất kinh nguyệt? Bài viết sau đây của Chuyên gia phụ khoa sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về mất kinh nguyệt.
Mục lục
1. Mất kinh nguyệt là gì?
Mất kinh nguyệt còn có tên gọi khác là vô kinh. Đây là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt ở nữ giới từ một cho đến nhiều chu kỳ nguyệt san. Do đó, hiện tượng mất kinh nguyệt được chia thành 2 loại chính sau:
- Mất kinh nguyệt nguyên phát: đây là trường hợp xuất hiện ở những cô gái ở độ tuổi 16 đã có dấu hiệu dậy thì khác nhưng lại chưa có kinh nguyệt.
- Mất kinh nguyệt thứ phát: là hiện tượng người phụ nữ đã từng có kinh nguyệt bình thường nhưng lại đột nhiên bị mất 3 kỳ kinh liên tiếp. Do đó, mất kinh nguyệt có thể tạm thời hoặc kéo dài liên tục. Một số trường hợp có thể dẫn đến mất kinh vĩnh viễn.
Xem thêm: Bật mí cách chữa rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc nam hiệu quả.
2. Nguyên nhân dẫn đến mất kinh nguyệt
2.1. Nguyên nhân dẫn đến vô kinh nguyên phát
Nguyên nhân chính gây lên vô kinh nguyên phát là do tiền sử gia đình bị chậm kinh hoặc gặp các vấn đề về gen. Bên cạnh đó, các bộ phận sản sinh ra hormone liên quan đến kinh nguyệt như: buồng trứng, tuyến yên bị vấn đề gì cũng có thể gây lên hiện tượng này. Điển hình là:
- Buồng trứng của người phụ nữ bị tổn thương.
- Bất thường trong vấn đề tiết hormone ở khu vực dưới đồi và tuyến yên.
- Bất thường ở cơ quan sinh dục như: không có tử cung, không có buồng trứng. Một số trường hợp còn có buồng trứng nhưng bản thân người đó lại không có âm đạo hoặc màng trinh bịt kín âm đạo.
2.2. Nguyên nhân dẫn đến vô kinh thứ phát
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vô kinh thứ phát. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
Thai kỳ
Mang thai là nguyên nhân gây mất kinh thường gặp nhất với nữ giới trước tuổi mãn kinh. Với những chị em đang có sinh hoạt tình dục gần đây, đột nhiên mất kinh có thể là dấu hiệu báo có thai.
Lúc này hãy chờ một vài ngày để xem đó là một kỳ kinh đến trễ hay là mất kinh. Nếu nghi ngờ, bạn có thể dùng que thử thai để xác nhận.
Do căng thẳng, stress thường xuyên: nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng, stress kéo dài dẫn đến cơ thể tăng tiết cortisol. Việc này ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của các insulin. Các chất này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như làm gián đoạn quá trình rụng trứng, gây lên mất kinh nguyệt.
Do sử dụng thuốc tránh thai: việc sử dụng thuốc tránh thai có thể dẫn đến tình trạng mất kinh. Tuy nhiên, tình trạng này thường không đáng lo ngại, khi ngừng sử dụng, chu kỳ kinh sẽ quay trở lại như bình thường.
Do bị mãn kinh: trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh, những lần kinh nguyệt sẽ dần thay đổi về thời gian và tính chất máu. Kỳ kinh nguyệt sẽ thưa dần cho đến khi mất hẳn. Thông thường các chị em sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh trong độ tuổi từ 45 – 55. Có một số trường hợp mãn kinh trước tuổi 40 thì đây có thể là báo hiệu một sức khỏe tiềm ẩn khác.
Triệu chứng của đa nang buồng trứng
Buồng trứng đa nang là sự mất cân bằng của hormone dẫn đến thiếu hụt trứng rụng. Từ đó, hàm lượng estrogen, progesteron và testosterone sẽ bị thay đổi ở các mức độ khác nhau.
Đa nang buồng trứng có thể khiến cho bạn bị mất kinh hoàn toàn hoặc không có kinh thường xuyên.
Do tác dụng phụ của một số thuốc: một số loại thuốc có thể gây lên mất kinh như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng,…
Cơ thể bị thiếu dinh dưỡng hay giảm cân quá mức: cơ thể thiếu chất dinh dưỡng hoặc nhẹ cân sẽ làm gián đoạn những chức năng nội tiết tố trong cơ thể, khiến quá trình rụng trứng dừng lại dẫn đến vô kinh.
Do thừa cân: tăng cân đột ngột hoặc béo phì cũng gây ảnh hưởng đến các hormone và insulin, dẫn đến bị mất kinh.
3. Dấu hiệu của mất kinh nguyệt
Dấu hiệu chính để nhận biết mất kinh nguyệt là sự vắng bóng của một hay nhiều chu kỳ kinh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây lên vô kinh mà cơ thể người phụ nữ có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau cùng với việc không có kinh như:
- Lông trên cơ thể phát triển.
- Núm vú tiết dịch bất thường.
- Rụng tóc nhiều.
- Đau đầu, cơ thể mệt mỏi, thị lực bị suy giảm.
- Đau vùng xương chậu.
- Mụn trứng cá mọc nhiều và khó điều trị dứt điểm.
Khi các chị em thấy có dấu hiệu bất thường như ba chu kỳ kinh liên tiếp không xuất hiện, đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt thì hãy đến ngay các cơ sở y tế thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Các biến chứng của mất kinh
Với những chị em phụ nữ bị mất kinh nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe như:
- Hiếm muộn
- Vô sinh
- Loãng xương
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh mất kinh
4.1. Chẩn đoán mất kinh nguyên phát
Khai thác thông tin từ bệnh nhân: tại đây bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi nhằm khai thác các thông tin về bệnh nhân như: Gia đình bệnh nhân có người nào dậy thì muộn hay không? Bệnh nhân đã dậy thì hoàn toàn chưa? Trong thời gian gần đây có thay đổi về chế độ ăn uống, tập luyện hay sử dụng thuốc gì không?
Khám lâm sàng trên người bệnh nhân: sau khi khai thác một số thông tin từ phía bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng trên người bệnh nhân như:
- Khám những bất thường trong sự phát triển của vú.
- Bộ phận sinh dục của bạn có gặp vấn đề gì không như: sự phát triển của lông mu, màng trinh có lỗ thủng không, có tử cung và buồng trứng không?
- Xem trên mặt có xuất hiện mụn trứng cá không?
Làm một số xét nghiệm: bác sĩ chỉ định bệnh nhân đi làm một số xét nghiệm sau:
- Đi siêu âm để phát hiện xem có bị tắc nghẽn đường đi của kinh nguyệt không.
- Nếu bệnh nhân không có tử cung sẽ đi làm định lượng testosterone và karyotype để giúp phân biệt loạn sản ống Muller và những bất thường của nhiễm sắc thể.
- Với những bệnh nhân có tử cung sẽ tìm những dấu hiệu loạn sản của ống Muller và màng trinh kín, có hay không vách âm đạo.
4.2. Chẩn đoán mất kinh nguyên phát
Đầu tiên cần loại trừ khả năng mang thai bằng cách xét nghiệm HCG nước tiểu hoặc beta HCG huyết thanh.
Khai thác các thông tin về bệnh nhân để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mất kinh như: bệnh nhân có đang bị stress, thay đổi về cân nặng, ăn uống thiếu chất, tập luyện thể thao quá mức không? Hoặc bệnh nhân có tiền sử nạo phá thai, có bị viêm niêm mạc tử cung không?
Qua khám lâm sàng, nếu bệnh nhân mắc chứng mất kinh thứ phát sẽ có những đặc điểm như:
- Chỉ số BMI < 18.5kg/m² kèm theo thay đổi bất thường trong chế độ ăn uống và bệnh nhân có biểu hiện sút cân nhanh chóng thì mất kinh do nguyên nhân vùng đồi dưới gây lên.
- Chỉ số BMI > 30 kg/m thì nguyên nhân dẫn đến vô kinh là do buồng trứng đa nang.
- Bệnh nhân có các dấu hiệu như âm đạo bị khô, thường xuyên bị bốc hỏa thì nguyên nhân gây lên hiện tượng vô kinh là suy buồng trứng.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm sau để củng cố chẩn đoán vô kinh thứ phát:
- Nồng độ prolactin trong máu: nếu nồng độ này cao thì nguyên nhân do suy giáp. Lúc này bạn cần chụp thêm MRI hố yên để tìm các u tuyến yên và u vùng hố yên.
- Nồng độ FSH: nếu bạn có nồng độ này cao thì nguyên nhân gây mất kinh là do suy buồng trứng sớm. Còn nếu nồng độ FSH trong giới hạn bình thường hoặc thấp kèm theo estrogen thấp thì nghĩ nhiều đến nguyên nhân suy vùng dưới đồi thứ phát.
- Nồng độ androgen trong máu cao cùng với các biểu hiện lâm sàng giúp chẩn đoán buồng đa nang ở bệnh nhân hoặc khối u tiết androgen từ tuyến thượng thận và buồng trứng.
5. Cách điều trị mất kinh nguyệt
Cách điều trị mất kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây lên hiện tượng này. Vô kinh nguyên phát và thứ phát sẽ có cách điều trị khác nhau.
5.1. Cách điều trị mất kinh nguyên phát
Việc điều trị vô kinh nguyên phát có thể bắt đầu bằng việc chờ đợi đến thời điểm cơ thể sẵn sàng, tùy thuộc vào tuổi của người bệnh và các kết quả xét nghiệm của chức năng buồng trứng.
Nếu hiện tượng này là do các vấn đề về di truyền hoặc thể chất liên quan đến cơ quan sinh sản thì có thể phẫu thuật nhằm phục hồi hoặc tạo hình âm đạo để máu kinh thoát ra ngoài.
5.2. Cách điều trị mất kinh thứ phát
Để điều trị vô kinh thứ phát sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây lên bệnh như:
- Với những người thừa cân và béo phì cần ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân.
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cân với những người bị mất kinh do giảm cân quá mức.
- Giảm buồn phiền, stress và căng thẳng.
- Có chế độ tập luyện hợp lý, không quá mức.
- Điều trị hormone thay thế theo sự chỉ định của bác sĩ với những bệnh nhân bị mất kinh do suy buồng trứng sớm.
- Với những bệnh nhân bị vô kinh do buồng trứng đa nang, việc điều trị phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và cần ngăn ngừa các biến chứng về sau như: béo phì, rối loạn chuyển hóa, quá sản nội mạc tử cung,…
- Phẫu thuật với những bệnh nhân có nhiễm sắc thể Y hoặc có khối u trong tử cung,…
- Ngoài ra, các chị em phụ nữ nên đi khám sức khỏe theo định kỳ, đặc biệt là khám phụ khoa để kịp thời phát hiện ra bệnh.
Mất kinh nguyệt là tình trạng hết sức nghiêm trọng nếu như kéo dài và không có biện pháp điều trị kịp thời. Nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của các chị em phụ nữ, thậm chí mất kinh nguyệt có thể dẫn đến bị vô sinh. Vì vậy, khi có các triệu chứng bất thường của chu kỳ nguyệt san các chị em lên đến các cơ sở khám phụ khoa y tín để được các bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu của bệnh gì?