Bạn bị mất kinh nguyệt 3 tháng nhưng không có thai? Bạn lo lắng không biết nguyên nhân do đâu? Bạn cảm thấy băn khoăn về tình trạng này? Vậy thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Hãy theo dõi những nội dung dưới đây để có câu trả lời nhé!
Mục lục
Mất kinh nguyệt 3 tháng có sao không?
Thông thường tình trạng mất kinh nguyệt thường khiến nhiều người liên tưởng đến việc mang thai, đặc biệt với những người có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai.
Tuy nhiên, mất kinh nguyệt 3 tháng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu có thai. Nếu bạn đang có kinh nguyệt bình thường và bị mất kinh liên tục trong 3 tháng (không mang thai) thì được coi là hiện tượng vô kinh, tắt kinh hoặc bế kinh. Ngoài ra, đây cũng là một trong những biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn kinh nguyệt.
Hiện tượng mất kinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của chị em. Cụ thể, khi bị rối loạn kinh nguyệt, quá trình rụng trứng sẽ diễn ra thất thường, khiến việc thụ thai gặp nhiều khó khăn, làm tỷ lệ mang thai giảm sút.
Bên cạnh đó, nếu không có thai mà lại bị mất kinh nguyệt 3 tháng thì bạn nên quan tâm hơn nữa tới tình hình sức khỏe. Bởi đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như viêm nội mạc tử cung, viêm tắc vòi trứng, đa nang buồng trứng.
Nguyên nhân gây mất kinh nguyệt 3 tháng
Trường hợp bạn bị mất kinh 3 tháng mặc dù không mang thai có thể xảy ra bởi những nguyên nhân dưới đây:
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai là biện pháp phổ biến được dùng để ngăn thai kỳ xảy ra, một số chị em có thể bị mất kinh trong thời gian sử dụng thuốc. Kể cả khi đã ngưng dùng thì vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để kinh nguyệt quay trở lại. Ngoài ra, các biện pháp tránh thai khác như cấy que, tiêm thuốc, đặt vòng cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của chị em bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc huyết áp, hóa trị liệu ung thư,… Nếu bạn đang trong thời gian sử dụng các loại thuốc kể trên mà gặp phải tình trạng mất kinh nguyệt 3 tháng, hãy chủ động trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để có giải pháp khắc phục và xử lý hiệu quả.
☛ Xem thêm: Rối loạn kinh nguyệt do thuốc tránh thai
Vận động, tập luyện thể thao quá sức
Tập luyện thể dục thể thao luôn được đánh giá cao bởi khả năng cải thiện sức khỏe, vóc dáng. Tuy nhiên, nếu vận động, tập luyện quá sức có thể khiến ảnh hưởng đến hormone, làm cho lượng estrogen bị giảm sút, dẫn tới trễ kinh, mất kinh.
Tình trạng này thường xảy ra ở những vận động viên chuyên nghiệp như marathon, vũ công, vận động viên thể hình,…
Tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi
Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng căng thẳng, mệt mỏi (stress) có thể gây tác động không tốt đến vùng dưới đồi – vùng não quan trọng kiểm soát các hormone sinh sản. Chức năng của vùng dưới đồi bị ảnh hưởng, sẽ kéo theo sự suy yếu của buồng trứng, khiến quá trình giải phóng hormone không được diễn ra bình thường, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ.
Bên cạnh đó, các hormone gây ra stress như adrenaline và cortisol cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo ra estrogen, khiến kinh nguyệt bị rối loạn và tạm biến mất một thời gian. Sau khi những căng thẳng qua đi, tinh thần bạn thoải mái, lạc quan và tích cực hơn, kinh nguyệt sẽ dần quay trở lại bình thường.
☛ Xem thêm: Stress gây rối loạn kinh nguyệt
Thay đổi cân nặng đột ngột
Việc tăng hoặc giảm cân quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ khiến bạn bị trễ kinh hoặc thậm chí là mất kinh. Khi chị em giảm cân quá mức, có thể khiến vùng dưới đồi bị ảnh hưởng, làm cho lượng estrogen giảm sút mạnh, gây ra tình trạng chậm kinh. Bên cạnh đó, những người tăng cân quá nhanh lại khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn estrogen, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức, mất đi tính ổn định, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt.
Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh sớm
Các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc, suy giảm ham muốn tình dục,… thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 – 55. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này, các chức năng của buồng trứng sẽ suy giảm, làm cho nồng độ estrogen giảm mạnh, khiến sức khỏe, sinh lý và sắc đẹp của phụ nữ trung niên bị ảnh hưởng.
Ở thời kỳ tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị ảnh hưởng từ vài tháng đến vài năm với các biểu hiện khác nhau tùy theo từng cơ địa. Cụ thể, có người sẽ gặp phải tình trạng vòng kinh thưa hơn, lượng máu kinh ít đi, bên cạnh đó có những người thì vòng kinh bị rút ngắn, kèm theo triệu chứng rong kinh.
Bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa như viêm vùng chậu, u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, viêm buồng trứng, suy buồng trứng,… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm kinh 3 tháng.
Trường hợp chậm kinh do mắc bệnh phụ khoa có thể kèm theo một trong các triệu chứng như: đau âm ỉ tại vùng bụng dưới, dịch tiết âm đạo có màu sắc bất thường hoặc vùng kín có mùi hôi,…
Chị em hãy chú ý quan sát và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Bất thường tuyến giáp
Tuyến giáp có vai trò sản xuất hormon thyroxin và triiodothyronin, chịu trách nhiệm kiểm soát, chi phối quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Việc tiết quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp sẽ gây những ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Theo đó, nếu tuyến giáp hoạt động kém (suy tuyến giáp) có thể gây ra tình trạng rong kinh, rong huyết. Ngược lại, nếu tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) thì sẽ làm xảy ra tình trạng chậm kinh, ít kinh, vô kinh.
Khối u tuyến yên
U tuyến yên là một trong những bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Với chị em phụ nữ, căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bị u tuyến yên, cơ thể thường sản sinh prolactin trong máu quá mức, khiến hormone tự nhiên trong cơ thể suy giảm, gây rối loạn kinh nguyệt, ức chế quá trình rụng trứng khiến xảy ra tình trạng mất kinh, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
Đa nang buồng trứng
Hiện tượng mất kinh nguyệt 3 tháng cũng có thể là dấu hiệu của chứng bệnh đa nang buồng trứng. Căn bệnh này khiến nội tiết tố của chị em bị rối loạn, làm xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng, gây cản trở quá trình rụng trứng và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.
Đa nang buồng trứng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng hormone, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn sinh sản,… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là chứng bệnh chỉ tình trạng ăn uống bất thường như chán ăn hoặc cuồng ăn. Chị em phụ nữ mắc phải hội chứng này thường có nguy cơ cao bị vô kinh, đặc biệt là những người chán ăn, ăn kiêng hà khắc trong thời gian dài.
Trên thực tế những người bị chán ăn thường có chỉ số khối cơ thể thấp (thiếu cân), đồng thời lượng chất béo quá thấp trong cơ thể sẽ không đủ để sản xuất hormone estrogen và progesterone. Từ đó khiến quá trình rụng trứng bị ức chế, gây ra hiện tượng chậm kinh, mất kinh.
Bị mất kinh nguyệt 3 tháng phải làm sao?
Mất kinh nguyệt 3 tháng nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách có thể khiến sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em bị ảnh hưởng. Do đó, nếu gặp phải tình trạng này hoặc tất cả những bất thường có liên quan đến kinh nguyệt, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.
Điều trị mất kinh nguyệt 3 tháng bằng cách nào?
Tùy từng trường hợp cụ thể, các biện pháp dưới đây sẽ được các bác sĩ cân nhắc chỉ định:
Dùng thuốc
Nếu tình trạng mất kinh nguyệt xảy ra do rối loạn nội tiết tố, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như: thuốc tránh thai nội tiết, thuốc bổ sung estrogen và progesterone.
Phẫu thuật
Khi hiện tượng mất kinh nguyệt được xác định do nguyên nhân bệnh lý như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung hoặc các bệnh về tuyến giáp,… các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh làm phẫu thuật, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt
Ngoài các biện pháp kể trên, một lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn có thể góp phần cải thiện tình trạng mất kinh nguyệt 3 tháng hiệu quả. Bạn nên lưu một số vấn đề:
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
- Nên dành thời gian thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, tránh để xảy ra tình trạng tress quá mức.
- Duy trì thói quen tập luyện thể thao phù hợp với thể trạng, không nên tập luyện quá sức.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh để cơ thể thiếu chất làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng sức khỏe. Tránh xa rượu bia và các chất kích thích. Đọc thêm: Ăn gì để kinh nguyệt ra nhiều?
- Nên đi khám phụ khoa theo định kỳ 6 tháng/1 lần để phát hiện sớm những bất thường (nếu có).
Trên đây là những nguyên nhân chính có thể đẫn đến tình trạng mất kinh nguyệt 3 tháng. Để biết chính xác tình trạng bạn đang gặp phải là do đâu, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có giải pháp trị đúng đắn nhất. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!