Chu kỳ kinh nguyệt đôi khi phản ánh tình trạng của sức khỏe. Do đó, việc theo dõi chu kỳ là rất quan trọng. Nhiều chị em phụ nữ nhận ra họ có chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày, liệu điều này có bình thường không? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là một dấu hiệu sinh lý bình thường của phụ nữ. Phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt từ 9 – 15 tuổi – lứa tuổi dậy thì đánh dấu một người bước vào lứa tuổi trưởng thành.
Chu kỳ kinh nguyệt là những thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại trong cơ thể phụ nữ dưới sự kiểm soát của hệ thống hormone sinh dục và cần thiết cho quá trình sinh sản. Trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ trưởng thành về mặt sinh dục sẽ giải phóng một vài quả trứng (thường là 1 đến 2 trứng). Trước khi rụng trứng, nội mạc tử cung bao phủ bề mặt tử cung hình thành đồng bộ. Sau khi trứng rụng, niêm mạc tử cung thay đổi để chuẩn bị cho trứng đã thụ tinh làm tổ và thụ thai.
Nếu quá trình thụ tinh và mang thai không xảy ra, nội mạc tử cung sẽ bong ra và một chu kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài từ 25 đến 35 ngày.
Chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày có bình thường không?
Theo những thông tin trên đây, chu kỳ kinh nguyệt bình thường ngắn hơn mức 35-40 ngày. Vậy chu kỳ kinh nguyệt 35-40 có bình thường hay không? Để trả lời cho câu hỏi này cần phải dựa vào nhiều yếu tố để nhận định, trong đó là độ tuổi:
- Nếu bạn đang trong tuổi dậy thì đây có thể là một hiện tượng bình thường do ở độ tuổi này chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa ổn định vì nội tiết tố và các cơ quan trong cơ thể còn đang phát triển.
- Nếu bạn đã bước qua tuổi dậy thì chu kỳ kinh nguyệt dài (35-40 ngày) có thể là một dấu hiệu bất thường.
- Những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh cũng có chu kỳ kinh nguyệt thay đổi so với bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:
- Có nhiều căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống
- Thể dục với cường độ cao
- Tăng hoặc giảm cân đột ngột
- Thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai
- Đang trong giai đoạn tiền mãn kinh
Ngoài những nguyên nhân kể trên, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như: buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, suy buồng trứng sớm, rối loạn tuyến yên,…
Khi có chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường bạn cần phải tìm ra nguyên nhân để sớm khắc phục mà cách tốt nhất là đi khám chuyên khoa. Khi đó, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán như siêu âm, xét nghiệm,… để xác định vấn đề mà bạn đang gặp phải từ đó có những hướng dẫn, chỉ định phù hợp.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường thể hiện như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau, có người chỉ kéo dài 2-3 ngày, có người kéo dài 7-8 ngày, thậm chí một số người có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 10 ngày. Một chu kỳ kinh nguyệt bất thường biểu hiện rất rõ ở số ngày hành kinh, máu kinh nên chị em có thể tự theo dõi tại nhà. Khi nhận thấy có bất kỳ tình trạng bất thường nào sau đây, bạn nên đến cơ sở y tế để được đánh giá và điều trị kịp thời:
– Rong kinh: là hiện tượng kinh nguyệt trùng với chu kỳ kinh nguyệt nhưng kéo dài trên 7 ngày và kèm theo lượng máu kinh vượt quá 80 ml mỗi chu kỳ. Máu kinh thường đóng thành cục lớn, chị em thường bị đau tức vùng bụng dưới. Khi bị rong kinh kèm theo đau bụng kinh kéo dài, chị em thường có các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, thiếu máu.
– Cường kinh: là tình trạng máu kinh ra nhiều, kéo dài nhiều ngày. Kinh nguyệt ra nhiều thường gặp ở phụ nữ trẻ (khi chu kỳ rụng trứng chưa phát triển) và phụ nữ sắp mãn kinh. Ngoài ra, nó còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó, trong trường hợp máu kinh ra nhiều, chị em nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám, xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
– Thiểu kinh: là tình trạng máu kinh ra rất ít, có thể kéo dài vài tháng trong một chu kỳ kinh, hoặc có thể không liên tục trong chu kỳ kinh.
– Vô kinh: là không có kinh nguyệt. Vô kinh có thể xảy ra ở phụ nữ đã qua tuổi dậy thì, chưa mang thai hoặc đang ở độ tuổi tiền mãn kinh. Vô kinh không phải là kinh nguyệt không đều mà là hoàn toàn không có kinh nguyệt. Bạn nên gặp bác sĩ để giải quyết vấn đề này sớm vì nó có thể điều trị được. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt có thể dẫn đến vô sinh.
Các biện pháp theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Như đã nói ở trên, chu kỳ kinh nguyệt phản ánh những vấn đề sức khỏe mà cơ thể muốn nói với bạn. Do đó, chị em phụ nữ nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và cách đơn giản nhất là đánh dấu trên lịch hoặc ghi chép lại để tiện theo dõi. Hiện nay, có nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể giúp bạn ghi lại chu kỳ kinh nguyệt rất thuận tiện. Không chỉ đánh dấu ngày, những ứng dụng này còn phân tích những biểu hiện của bạn trong chu kỳ để đưa ra lời khuyên hữu ích.
Khi theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bạn cần lưu ý một số dấu hiệu như sau:
- Lượng máu trong chu kỳ: Hãy theo dõi lượng kinh nguyệt qua mỗi ngày. Bạn có thể theo dõi thông qua lượng máu trên băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san.
- Màu sắc, kết cấu của máu kinh: Máu kinh bình thường sẽ có màu đỏ hơi đậm và có kết cấu dính, nếu như có màu sắc bất thường như đen, vón cục,…bạn nên chú ý hơn về dấu hiệu này.
- Những dấu hiệu sức khỏe khác: Trong thời kỳ hành kinh có thể kèm theo nhức mỏi người, đau bụng, đau lưng, hay bị chuột rút, chóng mặt,…
Làm gì để chu kỳ kinh nguyệt luôn ổn định?
Thực tế là chu kỳ kinh nguyệt rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan và khách quan. Dưới đây là một số khuyến nghị giúp bạn tránh hiện tượng kinh nguyệt không đều.
- Duy trì lối sống lành mạnh với tập thể dục điều độ và chế độ ăn uống bổ dưỡng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế các chất kích thích và thuốc lá.
- Nếu bạn muốn giảm cân, hãy cố gắng giảm cân từ từ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và hạn chế lượng calo nạp vào hàng ngày. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm cân hoặc dùng các biện pháp giảm cân cấp tốc.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ để cơ thể được tỉnh táo và cân bằng.
- Cố gắng giảm căng thẳng, bạn nên giữ cho mình một sức khỏe tinh thần tốt bằng cách thiền hoặc tập yoga.
- Chỉ sử dụng thuốc tránh thai hoặc các phương pháp ngừa thai khác khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khi trong kỳ king nguyệt, thay băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san sau mỗi 4-6 giờ để tránh hội chứng sốc độc và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trên đây là những thông tin về chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày được khá nhiều chị em quan tâm. Chăm sóc sức khỏe là một điều rất cần thiết, do đó bạn nên theo dõi và chú ý hơn đến những biểu hiện của cơ thể. Có sức khỏe tốt là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn nên hãy khám sức khỏe định kỳ thường xuyên nhé! Cuối cùng, cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!