Chào đón một thiên thần ra đời là niềm hạnh phúc của bất kỳ người phụ nữ nào. Bên cạnh đó, người mẹ cũng phải đối mặt với vô vàn vấn đề thầm kín có thể gặp phải sau khi sinh, trong đó có bệnh viêm vùng chậu sau sinh.
Viêm vùng chậu là bệnh gì? Tại sao phụ nữ sau sinh có thể bị mắc bệnh viêm vùng chậu? Bài viết sau đây chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này một cách tổng quan và chi tiết nhất.
Mục lục
Tại sao phụ nữ sau kỳ sinh nở là một trong những đối tượng dễ bị bệnh viêm vùng chậu nhất?
Nhiễm khuẩn hậu sản
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh viêm vùng chậu ở nữ giới sau khi sinh là tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản.
Trong quá trình sinh sản, âm đạo và cổ tử cung cần phải mở rộng để thai nhi dễ dàng được sinh ra ngoài. Khi đó, vi khuẩn khu trú tại cửa âm đạo của sản phụ, hoặc từ bên ngoài trong trường hợp các dụng cụ y tế dùng đỡ đẻ, lấy thai chưa được vô trùng.
Loại vi khuẩn thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hậu sản gồm:tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, E. Coli và một số nhóm vi khuẩn kỵ khí như Clostridium, Bacteroides.
Các vi khuẩn tấn công gây nhiễm khuẩn dưới các hình thái sau:
– Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo: Hầu hết các chị em khi sinh thường đều bị rạch tầng sinh môn để dễ dàng lấy thai ra ngoài. Khi vết khâu tầng sinh môn không vô trùng, khâu phục hồi tầng sinh môn không đúng kỹ thuật hoặc không khâu, sót gạc trong âm đạo sẽ gây biến chứng nhiễm khuẩn tầng sinh môn.
Biểu hiện nhiễm khuẩn tầng sinh môn: Người bệnh có thể sốt nhẹ, sưng đỏ và đau, mưng mủ tại vết thương, có sản dịch.
– Nhiễm khuẩn gây viêm niêm mạc tử cung: Nguyên nhân dẫn đến viêm niêm mạc tử cung có thể do sót rau, sót màng, nhiễm khuẩn ối, thủ thuật kiểm soát tử cung và bóc rau nhân tạo không vô khuẩn.
Viêm niêm mạc tử cung nặng có nguy cơ dẫn đến viêm tử cung toàn bộ, tạo nên các ổ áp xe trong tử cung, thậm chí nguy hiểm hơn sản phụ có thể bị viêm phúc mạc và nhiễm trùng máu.
Triệu chứng: Sốt trên 38 độ, cơ thể mệt mỏi, cổ tử cung mở và co hồi chậm, ấn thấy đau. Sản dịch ra nhiều, có mùi hôi, có thể lẫn máu và mủ.
– Nhiễm khuẩn huyết là hình thái nặng nhất của nhiễm khuẩn hậu sản. Vi khuẩn thông qua vòi tử cung rồi vào phúc mạc, gây viêm phúc mạc toàn bộ dẫn đến nhiễm trùng máu.
Triệu chứng: Sản phụ sốt cao liên tục, nhiệt độ lên xuống, cảm thấy rét run, có các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như môi khô, lưỡi bẩn, khó thở, da vàng, áp xe.
Sản dịch bất thường gây viêm nhiễm
Sản dịch là một hiện tượng bình thường ở phụ nữ sau sinh. Đó là dịch tử cung chứa máu, mô niêm mạc tử cung và có thể có vi khuẩn, dịch này chảy theo đường âm đạo ra ngoài trong những ngày đầu hậu sản.
Tình trạng sản dịch sau sinh thường kéo dài trong vòng 1 tháng, phụ thuộc vào từng người.
Sản dịch sau sinh thường xuất hiện nhiều hơn sau sinh mổ.
- 3 ngày đầu sau sinh, chị em sẽ thấy sản dịch gồm máu loãng và máu vón cục nhỏ có màu đỏ sẫm.
- Sau đó 4-8 ngày, sản dịch sẽ trở nên lỏng hơn, có chứa chất nhầy, ít máu hơn.
- 9 ngày sau sinh thì sản dịch nhạt màu chuyển sang màu trắng, không có mùi, chứa lượng lớn bạch cầu và mô màng vỏ bị hoại tử.
Tuy nhiên tình trạng sản dịch ở nhiều chị em lại chuyển sang diễn biến bất thường. Nếu sản dịch kéo dài hơn 45 ngày, có màu xanh, có mùi hôi, đã hết huyết đỏ lại tái ra máu, kèm theo bị ngứa là dấu hiệu cơ quan sinh dục đang nhiễm nấm kèm theo bội nhiễm.
Sản dịch bất thường do nguyên nhân:
Quá trình sinh thường khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương ,người mẹ bị suy giảm sức đề kháng sau sinh tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn… tấn công âm đạo.
Ngoài ra, âm đạo có thể bị nhiễm khuẩn cũng có thể do vệ sinh, chăm sóc vùng kín sau sinh không đúng cách, lạm dụng dung dịch vệ sinh, tẩy rửa sâu hoặc quan hệ tình dục quá sớm.
Tình trạng sản dịch bất thường sau khi sinh, nếu không được điều trị, sẽ gây biến chứng nhiễm trùng nội mạc tử cung, lan rộng gây viêm nhiễm toàn bộ tử cung, nguy hiểm hơn có thể bị nhiễm trùng huyết.
Phương pháp điều trị viêm vùng chậu sau sinh
Viêm vùng chậu ở phụ nữ sau kỳ sinh nở gây rất nhiều tác động xấu đến sức khỏe và tâm lý của mẹ, ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ, nguy cơ vô sinh hoặc biến chứng mang thai trong tương lai. Vì thế, nếu phát hiện mình mắc bệnh viêm vùng chậu, chị em nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị bệnh tốt nhất.
Thông thường, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cho từng đối tượng dựa trên nguồn căn gây ra bệnh viêm vùng chậu.
Để phát hiện nguyên nhân gây viêm nhiễm, sản phụ sẽ được kiểm tra xem có bị sót màng rau, sót rau hay không.
Đối với sản phụ bị nhiễm khuẩn tầng sinh môn và âm hộ thì có thể điều trị bằng cách sát trùng âm hộ, tầng sinh môn bằng nước sát khuẩn, cắt chỉ sớm nếu có khâu tầng sinh môn và dùng kháng sinh dạng viên đặt kết hợp với kháng sinh uống.
Đối với sản phụ bị bế sản dịch, cần tiến hành nong cổ tử cung và hút dịch tử cung bằng thiết bị chuyên dụng. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được kê thêm thuốc kích thích co bóp tử cung để đẩy hết các chất còn sót lại ra ngoài.
Các trường hợp phải điều trị bằng thuốc hoặc kháng sinh, nhiều chị em sẽ có tâm lý e ngại sự ảnh hưởng của thuốc đến nguồn sữa mẹ trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo lắng, với phác đồ điều trị phù hợp, em bé sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Vì thế, phụ nữ sau sinh cần điều trị viêm vùng chậu, phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dừng điều trị, uống thuốc không đều hoặc tự mua thuốc thay thế. Điều này sẽ khiến bệnh kéo dài dai dẳng.
Ngoài ra, chị em sau sinh thường phải ở cữ tại nhà. Việc thăm khám tại các cơ sở y tế cũng nhiều bất tiện, nhiều chị em đã lựa chọn cách điều trị tại nhà và các mẹo vặt dân gian. Không thể phủ nhận sự hiệu quả của các phương pháp này. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng cách và đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, các biện pháp này có thể phản tác dụng, khiến tình trạng viêm nhiễm phức tạp hơn.
Hướng dẫn phòng ngừa viêm vùng chậu sau sinh
Giữ vệ sinh sạch sẽ là nguyên tắc đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh dẫn tới viêm vùng chậu. Sau đây là những lưu ý chị em cần biết:
⇒ Dùng nước ấm vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo. Chị em sau khi sinh nên lưu ý, không phải vệ sinh quá nhiều sẽ hiệu quả ngừa bệnh hơn mà ngược lại sẽ làm mất độ cân bằng pH ở vùng kín,tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển hơn. Vệ sinh 3 lần/ ngày trong giai đoạn sản dịch còn ra nhiều sẽ giúp vùng kín khô thoáng, sạch sẽ.
⇒ Nên sử dụng băng vệ sinh để thấm sản dịch thay vì tampon. Những ngày đầu sản dịch, nên thay băng vệ sinh 2 tiếng/lần, những ngày về sau có thể thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần. Tránh để lâu gây viêm nhiễm.
⇒ Chị em không nên thụt rửa âm đạo sâu hoặc dùng khăn ướt, giấy vệ sinh có mùi thơm để lau, rửa vùng kín. Các sản phẩm này chứa hóa chất gây kích ứng, có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn.
⇒ Không quan hệ tình dục sớm khi mới sinh xong. Lúc này, cơ quan sinh sản cần được nghỉ ngơi và hồi phục, tránh các tác động mạnh. Việc quan hệ tình dục sau sinh quá sớm sẽ làm âm đạo tổn thương, đồng thời có thể đưa vi khuẩn gây viêm vùng chậu vào trong cơ thể. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên kiêng cữ việc này.
⇒ Phụ nữ sau sinh nên nghỉ ngơi, ít hoạt động mạnh hay đi lại nhiều. Vết mổ hay vết chỉ khâu tầng sinh môn có thể bị nứt hoặc bung chỉ nếu vận động quá mạnh.
⇒ Sản phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung hoa quả, rau xanh để tăng sức đề kháng chống lại các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay viêm vùng chậu, ngăn ngừa chứng táo bón sau sinh. Ngoài ra, người mẹ cần ăn uống đủ chất để có nguồn sữa chất lượng cho em bé khỏe mạnh.
⇒ Nếu có dấu hiệu bất thường nào liên quan đến phụ khoa, cần báo ngay cho bác sĩ. Thực hiện thăm khám định kỳ sau 2 tuần sinh nở để kiểm soát tình trạng sức khỏe, tránh những biến chứng phức tạp sau sinh.
Các biến chứng thời kỳ hậu sản bao gồm cả bệnh viêm vùng chậu ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chị em. Thông qua bài viết này, hi vọng chị em có thêm kiến thức về giữ gìn sức khỏe sau sinh. Tuy nhiên, tất cả thông tin đưa ra đều mang tính chất tham khảo, chị em vẫn nên thăm khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa để bảo vệ bản thân mình tốt nhất.