Chắc hẳn nhiều người trong số chị em phụ nữ chúng ta đã từng gặp phải các cơn đau vùng bụng dưới phía bên phải và thắc mắc không rõ mình có bị bệnh gì dẫn đến cơn đau đó không? Nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu này, chị em tuyệt đối không được chủ quan vì có thể mình đã bị mắc viêm vùng chậu phải, một bệnh nhiễm trùng phụ khoa phổ biến và nguy hiểm nhất ở phụ nữ hiện nay.
Mục lục
Bệnh viêm vùng chậu thường xuất hiện ở các đối tượng nữ giới có kinh nguyệt và có quan hệ tình dục thường xuyên. Viêm nhiễm thường xảy ra tại một vị trí hoặc đồng thời nhiều vị trí của cơ quan sinh dục trên bao gồm tử cung, ống dẫn trứng, vòi trứng và buồng trứng. Khi viêm nhiễm xảy ra cục bộ tại ống dẫn trứng phải, vòi trứng và buồng trứng phải được gọi chung là bệnh viêm vùng chậu phải. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về bệnh viêm vùng chậu phải, giúp các bạn phát hiện và có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Cơ chế viêm nhiễm vùng chậu phải
Bản chất của bệnh viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các ổ viêm tại thành tử cung, thành ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Vi khuẩn gây bệnh viêm vùng chậu thuộc các nhóm Neisseria gonorrhoeae (bệnh lậu ), Chlamydia trachomatis ( bệnh Chlamydia) hoặc Mycoplasma genitalium.
Các loại vi khuẩn này chủ yếu xâm nhập vào vùng chậu của nữ giới thông qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm các khuẩn trên. Đồng thời, các bệnh lý nhiễm khuẩn phụ khoa khác viêm âm đạo do tạp khuẩn, nấm âm đạo Candida, viêm âm hộ do trùng roi… cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.
Dấu hiệu bị viêm vùng chậu phải và mức độ nguy hiểm
Các cấp độ viêm vùng chậu và mưc độ nguy hiểm
Bệnh viêm vùng chậu gây viêm nhiễm từ cấp độ cấp tính đến mãn tính.
Viêm vùng chậu phải cấp tính gây ra tình trạng kết dính các bộ phận của vùng chậu, làm tắc ống dẫn trứng phải và tích nước gây đa nang buồng trứng. Vi khuẩn gây bệnh viêm tử cung, lạc nội mạc tử cung, nguy hiểm hơn là u xơ tử cung. Biến chứng nghiêm trọng hơn của viêm vùng chậu phải cấp tính là tình trạng xuất huyết thành tử cung, ống dẫn trứng hoặc viêm phúc mạc toàn bộ dẫn đến nhiễm trùng máu.
Triệu chứng của viêm vùng chậu phải cấp tính
- Người bệnh thấy đau căng tức bụng dưới phía bên phải, cơn đau tiếp nối liên tục, đau tăng khi quan hệ tình dục.
- Sốt trên 38 độ C, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
- Dịch âm đạo ra nhiều, ngả màu, có mùi hôi do viêm làm tăng dịch nhầy, thậm chí tụ mủ ở thành cổ tử cung. Tình trạng này cũng gây cản trở sự di chuyển của tinh trùng, làm loãng tinh dịch và giảm sức sống của tinh trùng. Vì vậy, trong những ngày này, khả năng thụ tinh bị giảm đi nhiều.
- Rối loạn kinh nguyệt do viêm vùng chậu ảnh hưởng đến các chức năng của buồng trứng trong việc điều tiết hormone và kỳ rụng trứng.
- Tình trạng viêm lan đến đường tiết niệu gây tiểu buốt, tiểu khó.
Viêm vùng chậu phải mãn tính là giai đoạn biến chứng của viêm vùng chậu phải cấp tính khi bệnh không được điều trị, hoặc điều trị không triệt để. Các ổ viêm có thể phát triển thành các khối áp xe và vỡ ra đe dọa đến tính mạng.
Đặc điểm của viêm vùng chậu mãn tính là sau khi bị tổn thương do viêm, các mô sẹo hình thành và tồn tại ở ống dẫn trứng, tử cung vĩnh viễn. Các mô sẹo dày đặc có thể làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng đến thụ tinh, hoặc cản trở trứng đã thụ tinh về làm tổ ở tử cung.
Quá trình này dẫn đến hậu quả tất yếu là vô sinh, hiếm muộn hoặc thai phát triển ngay tại ống dẫn trứng gây mang thai ngoài tử cung. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm vùng chậu, làm mất chức năng sinh sản của người phụ nữ. Cứ 10 người phụ nữ mắc viêm vùng chậu, đặc biệt là viêm vùng chậu mãn tính thì có 1 người bị vô sinh.
Biểu hiện của viêm cùng chậu mãn tính phía bên phải thường không rõ rệt như viêm cấp tính, các cơn đau diễn ra âm ỉ và dai dẳng quanh vùng bụng dưới phía bên phải, có thể đau lan ra phía thắt lưng. Người bệnh bị rối loạn kinh nguyệt, đau nhiều trong những ngày rụng trứng hoặc hiện tượng chảy máu bất thường dù đang không trong kỳ kinh nguyệt.
Chẩn đoán và phát hiện viêm vùng chậu phải
Tất cả các dấu hiệu trên có thể làm tăng chỉ số nghi ngờ mắc bệnh viêm vùng chậu. Tuy nhiên, các biểu hiện đó cũng dễ nhầm lẫn với rất nhiều bệnh lý phần phụ khác. Vì vậy, chị em cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để có kết luận cụ thể xem mình có bị viêm vùng chậu hay không.
Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kể ra các triệu chứng lâm sàng thường gặp gần đây và tiền sử bệnh tật cũng như thói quen sinh hoạt tình dục. Từ đây, có thể loại trừ một số bệnh lý và chỉ định làm các xét nghiệm thông thường bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi dịch âm đạo để phát hiện tác nhân gây viêm nhiễm.
Một số thủ thuật như siêu âm, nội soi ổ bụng có thể được thực hiện trên các bệnh nhân có lẫn cả những triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu hoặc tiêu hóa. Siêu âm cũng giúp bác sĩ quan sát tổng quan hình thái, kích thước các bộ phận thuộc vùng chậu, có xuất hiện các khối bất thường hay không.
Như đã nói đến ở trên, bệnh viêm vùng chậu có thể diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rầm rộ. Nhiều chị em chỉ đi khám sức khỏe định kỳ mới phát hiện mình mắc bệnh thì không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, bệnh viêm vùng chậu thường nhắm đến các đối tượng nhạy cảm như sau, chị em kiểm tra xem mình có phải là một trong số các đối tượng này không để có biện pháp ngăn ngừa bệnh sớm nhất nhé.
- Phụ nữ sau sinh, mới thực hiện các thủ thuật nạo, hút thai hay các phẫu thuật phụ khoa. Tầng sinh môn và âm đạo đang ở trạng thái bị tổn thương, dễ khiến vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và di chuyển vào trong. Ở thời điểm này, sức đề kháng và miễn dịch tự nhiên của cơ thể rất yếu kém, không có khả năng chống lại sự bùng phát của vi khuẩn.
- Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ, nội tiết tố thay đổi, dịch âm đạo và khí hư ra nhiều, nếu không chú ý vệ sinh sạch sẽ có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn, nấm khu trú sinh sôi và lan rộng.
- Phụ nữ có sinh hoạt tình dục kém an toàn như không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hoạt động tình dục thường xuyên, với nhiều bạn tình, bạn tình mắc các STDs (bệnh lây qua đường tình dục)…hoặc quan hệ tình dục ngay trong thời gian phục hồi sau sinh, phẫu thuật phụ khoa.
- Thói quen vệ sinh vùng kín sai cách cũng tăng nguy cơ mắc viêm vùng chậu: Vệ sinh vùng kín quá nhiều hoặc quá ít, thụt rửa âm đạo, không thay băng vệ sinh thường xuyên trong ngày hành kinh khiến vi khuẩn có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.
Xem thêm: Bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ sau sinh
Điều trị viêm dứt điểm bệnh viêm vùng chậu phải
Điều trị viêm vùng chậu cấp tính
Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh liều cao đặc trị viêm vùng chậu, dùng trong 7-10 ngày kết hợp các loại thuốc giảm sưng, phù, tiêu viêm. Bệnh viêm vùng chậu thường đáp ứng kháng sinh khá tốt nên người dùng thuốc sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng ngay thời gian đầu điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để bệnh không tái phát là bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc.
Các các trường hợp viêm cùng chậu cấp tính mà vùng viêm sưng lớn, có áp xe mủ, kháng sinh không phát huy tác dụng được thì cần có biện pháp chọc hút dịch hoặc mổ dẫn lưu. Nếu tình trạng áp xe diễn biến nặng tại buồng trứng, ống dẫn trứng sẽ gây vỡ các túi mủ khiến dịch viêm lan tràn toàn bộ vùng chậu.
Quá trình này cực kỳ nguy hiểm, có thể gây sốc nhiễm trùng và tử vong cho người bệnh. Lúc này, người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay và khả năng cao sẽ không bảo tồn được toàn bộ cơ quan sinh sản ở vùng chậu do bắt buộc phải cắt bỏ phần tổn thương nặng nề nhất.
Điều trị viêm vùng chậu mãn tính
Trường hợp viêm vùng chậu mãn tính thường khó chữa khỏi hơn, yêu cầu bệnh nhân phải kiên trì theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Phương pháp điều trị bằng thuốc kháng sinh khiến vi khuẩn không tái hoạt động trở lại, kết hợp vật lý trị liệu đang là biện pháp được áp dụng phổ biến.
Bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như vi sóng với bước sóng ngắn và siêu ngắn, điện di, xâm nhập ion, laser…Các kích thích này sẽ nhẹ nhàng đẩy lưu thông máu cục bộ vùng chậu, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của các mô, tăng sự trao đổi chất, thúc đẩy sự hấp thụ dinh dưỡng, phân giải ổ viêm và làm mềm các mô sẹo vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lộ trình chăm sóc sức khỏe bổ trợ trong quá trình điều trị bao gồm:
- Tăng cường chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất với mục đích củng cố hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Các yêu cầu kiêng khem trong sinh hoạt tình dục, thông thường, trong thời gian điều trị, không cho phép quan hệ tình dục.
- Hướng dẫn cách vệ sinh vùng kín để duy trì sự cân bằng độ ẩm âm đạo, giữ vùng kín khô thoáng sạch sẽ có thể ngăn ngừa phần lớn nguy cơ gây viêm vùng chậu phải.
Hi vọng bài viết đã mang lại nhiều thông tin bổ ích giúp chị em phụ nữ duy trì một cơ thể khỏe mạnh từ trong ra ngoài, có thể thực hiện tốt vai trò làm mẹ của mình.