Có thể bạn đã nghe nói về bệnh viêm vùng chậu (PID). Nhưng bạn có biết rằng nó ảnh hưởng đến gần 1 triệu phụ nữ mỗi năm. Viêm vùng chậu có thể gây khó khăn cho vấn đề thụ thai của các cặp vợ chồng, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Dưới đây là mọi điều chị em cần biết về viêm vùng chậu khi mang thai.
Mục lục
Viêm vùng chậu là gì?
Viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản, chỉ chung sự viêm nhiễm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung. Bệnh là biến chứng nghiêm trọng của các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) và sự nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài môi trường vào trong cơ quan sinh sản thông qua âm đạo. Vì vậy, mọi đối tượng phụ nữ đều có thể dễ dàng mắc viêm vùng chậu, nếu như không phòng ngừa bệnh đúng cách.
Bệnh viêm vùng chậu không thể coi thường bởi nó có nguy cơ gây ra các biến chứng cực nguy hiểm như vô sinh, mang thai ngoài dạ con hay áp xe gây xuất huyết, vỡ thành ống dẫn trứng và buồng trứng.
Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và là nỗi lo của rất nhiều mẹ bầu. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu làm rõ các ảnh hưởng của bệnh viêm vùng chậu với trường hợp phụ nữ đang mang thai
Nguyên nhân phụ nữ trong thời kỳ mang thai dễ bị mắc viêm vùng chậu
Cơ thể người phụ nữ trong thời kỳ mang thai có rất nhiều biến đổi, trong đó có sự tăng tiết hormone Estrogen và progesterone. Sự thay đổi nội tiết tố này khiến cho các vi khuẩn khu trú trong âm đạo hoạt động quá mức phá vỡ hệ cân bằng vi khuẩn trong âm đạo gây viêm nhiễm trong âm đạo. Nếu không được chữa trị, vi khuẩn trong âm đạo sẽ di chuyển lên tử cung và các bộ phận khác của cơ quan sinh sản như buồng trứng, ống dẫn trứng, vòi trứng…để gây viêm nhiễm tại đây, gọi là viêm vùng chậu.
Cũng do sự gia tăng nội tiết tố khiến dịch âm đạo, khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây viêm nhiễm âm đạo.
Nấm Candida tồn tại trong âm đạo và không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe ở điều kiện PH âm đạo bình thường. Tuy nhiên, khi mang thai, nội tiết tố tăng dẫn đến mất cân bằng PH, tạo điều kiện cho nấm Candida sinh sôi, phát triển. Nấm candida là một trong những nguyên nhân gây viêm âm đạo, có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm vòi trứng, ống dẫn trứng…
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi vi khuẩn song cầu lậu khuẩn (vi khuẩn gram âm). Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm khuẩn lậu qua chồng, bạn tình đang mắc bệnh và thực hiện quan hệ tình dục đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Bệnh lậu rất nguy hiểm đối với phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ, gây viêm nhiễm đường sinh dục, áp-xe vòi trứng lâu ngày biến chứng xơ hóa làm tắc vòi trứng. Đây là một trong những dạng bệnh lý viêm vùng chậu.
Mang thai là thời kỳ nhạy cảm đối với phụ nữ, đặc biệt giai đoạn đầu thai kỳ, chị em có thể bị ốm nghén, cơ thể mệt mỏi, nôn ói, chán ăn…dẫn đến cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. Các vi chất này có vai trò điều hòa phản ứng kháng thể. Vì thế, thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây suy giảm sức đề kháng, rối loạn cơ chế chống lại vi khuẩn, virus của cơ thể, khiến cho các bệnh viêm nhiễm vùng chậu diễn biến nặng hơn.
Phụ nữ mang thai thường tiết nhiều dịch âm đạo và khí hư hơn bình thường. Nếu không vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách cũng có thể đưa đến viêm vùng chậu.
Hậu quả của viêm vùng chậu trong thời kỳ mang thai
Bệnh viêm vùng chậu có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm chậu mãn tính gây vô sinh, mang thai ngoài tử cung…Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, bệnh có thể ảnh hưởng tới cả mẹ bầu và thai nhi. Những ảnh hưởng do viêm vùng chậu gây ra khi bà bầu bị viêm vùng chậu gồm:
Mang thai ngoài tử cung
Viêm vùng chậu kéo dài hay tái phát nhiều lần sẽ gây ra các tổn thương vĩnh viễn tại ống dẫn trứng, hoặc buồng trứng có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh về làm tổ ở tử cung. Khi đó trứng đã thụ tinh sẽ phát triển thành thai ngay tại buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
Tình trạng này gọi là mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm. Bởi thai ngoài tử cung càng phát triển thì nguy cơ chèn ép gây xuất huyết hoặc vỡ ống dẫn trứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhiều trường hợp phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Bệnh viêm vùng chậu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Viêm vùng chậu có nguy cơ dẫn đến viêm màng ối, nhiễm trùng ối hoặc vỡ ối sớm dẫn tới sinh non, sảy thai..
Người mẹ bị viêm vùng chậu có thể truyền nhiễm vi khuẩn, nấm men sang cho thai nhi qua đường âm đạo khi sinh thường. Ví dụ, lậu cầu khuẩn có nguy cơ gây viêm kết mạc, thậm chí là mù lòa ở trẻ mới sinh. Đồng thời, mẹ bị viêm vùng chậu thì trẻ sinh ra sẽ yếu ớt, sức đề kháng kém do suy dinh dưỡng bẩm sinh, dễ mắc các bệnh hô hấp, bệnh về mắt và da.
Viêm vùng chậu mãn tính
Viêm vùng chậu không được điều trị dứt điểm có thể chuyển sang viêm vùng chậu mãn tính. Bệnh ảnh hưởng nhiều tới chức năng sinh sản do các vết sẹo tồn tại vĩnh viễn làm cản trở sự thụ tinh, dẫn đến lần thụ thai tiếp theo khó khăn hơn, thậm chí có thể bị vô sinh thứ phát.
Ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống sinh hoạt
Phụ nữ mang thai mắc viêm vùng chậu thường có tâm lý lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, lại bị hạn chế sử dụng nhiều loại thuốc. Điều này khiến bệnh lâu khỏi hơn, mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, đau đớn. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh cũng gây đau rát, không thoải mái cho phụ nữ.Chính vì vậy, tâm lý người mẹ bị ảnh hưởng nhiều sẽ gây tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Viêm vùng chậu khi mang thai điều trị thế nào?
Bất cứ bệnh lý nào mắc phải trong thời kỳ mang thai đều khiến việc điều trị trở nên rất phức tạp, bệnh viêm vùng chậu cũng không ngoại trừ.
Khi phát hiện mình mắc bệnh viêm vùng chậu, mẹ bầu phải tìm đến ngay bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và điều trị.
Đối với bệnh viêm vùng chậu nhẹ, bạn vẫn có thể được chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm… Bác sĩ sẽ có với phương án điều trị phù hợp với phụ nữ mang thai, đảm bảo thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng do tá dược của thuốc và tác dụng phụ.
Đối với trường hợp viêm vùng chậu nặng, thai phụ có thể được yêu cầu nhập viện để điều trị và theo dõi thai.
Người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị, không bỏ dở giữa chừng khiến bệnh tái phát nhiều lần. Phụ nữ mang thai không được tự ý dùng thuốc hoặc thay thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài điều trị Tây y, chị em đang mang thai cũng có thể tìm hiểu và áp dụng một số biện pháp chữa trị theo hướng Đông y kết hợp điều trị tại nhà.
Các biện pháp này tuy lành tính với phụ nữ mang thai nhưng mức độ hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cơ địa bệnh nhân, thể trạng… Vì vậy, không nên tự ý điều trị Đông y hoặc chữa tại nhà.
⇒ Xem thêm: Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm vùng chậu tại nhà – mẹ bầu nên tham khảo
Phòng ngừa mắc bệnh viêm vùng chậu khi mang thai
Viêm vùng chậu khi đang mang thai có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi, vì thế ngoài phát hiện và điều trị sớm. Chị em đang mang bầu hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh theo các lưu ý sau:
- Khám thai định kỳ, kiểm tra phụ khoa thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất.
- Cần xác định được đối tượng quan hệ tình dục có bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không. Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ. Nếu bạn tình của bạn có mắc bệnh, cần ngưng quan hệ tình dục và cùng điều trị cho dứt điểm, tránh lây lan.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách sẽ ngăn ngừa và loại bỏ vi khuẩn, nấm phát triển, xâm nhập. Vệ sinh khu vực bên ngoài vùng kín hơn 1 lần/ngày, chú ý làm sạch cả phần giữa âm đạo và hậu môn. Dùng sản phẩm vệ sinh vùng kín có nồng độ PH cân bằng từ 3.5-4.0, không mùi để tránh kích ứng và tạo môi trường ẩm vừa phải cho vùng kín.
- Tránh thụt rửa âm đạo: Thụt rửa âm đạo có thể khiến bạn cảm thấy sạch sẽ hơn, nhưng nó mang theo rất nhiều rủi ro, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh phụ khoa. Vì vậy, nên tránh thụt rửa âm đạo là tốt nhất.
- Chị em nên sử dụng quần lót có chất liệu mềm, thoáng, thấm hút tốt tránh tình trạng bí bách, ẩm ướt khiến vi khuẩn và nấm sinh sôi
- Quan tâm đến chế độ ăn uống, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể, cũng như chống viêm, chống oxy hóa.
Trên đây, chúng tôi đã đưa ra các thông tin tham khảo về viêm vùng chậu ở phụ nữ đang mang thai. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho chị em hiểu thêm về bệnh viêm vùng chậu và cách điều trị, phòng tránh phù hợp khi đang trong thời gian thai kỳ. Chúc bạn nhiều sức khỏe!