Đau lưng là tình trạng thường gặp phổ biến, ai trong chúng ta có lẽ cũng từng thấy triệu chứng đau lưng một lần trong đời. Đau lưng biểu hiện ở nhiều vị trí, có thể đau dọc cột sống, đau lan 2 bên mạn sườn. Đặc biệt đối với nữ giới, các cơn đau ngang thắt lưng, lan rộng ra hai bên hông không đơn thuần chỉ liên quan đến xương khớp mà còn do ảnh hưởng của các bệnh lý phụ khoa, phổ biến nhất là viêm vùng chậu.
Nhận biết triệu chứng đau lưng do viêm vùng chậu
Vùng chậu có cấu trúc bao gồm khung xương chậu với xương chậu, xương mu, ụ ngồi, xương cùng và xương cụt kết nối với nhau bởi các khớp, hợp nhất thành hình vòng cung, ở giữa được gọi là vùng khoang chậu. Bên trong khoang chậu là các cơ quan bài tiết: bàng quang, niệu đạo, một phần cơ quan tiêu hóa: trực tràng, manh tràng, hậu môn và cơ quan sinh sản: tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và phía dưới là cổ tử cung và âm đạo.
Viêm vùng chậu là một bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục trên bao gồm viêm tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng và vòi trứng.
- Các triệu chứng viêm vùng chậu có thể khá mờ nhạt tùy vào từng cơ thể, giai đoạn viêm vùng chậu nhẹ thường chỉ gây ra các biểu hiện thoáng qua như sốt nhẹ, mệt mỏi, mất ngủ hay đau trằn bụng dưới.
- Khi viêm nhiễm diễn biến nặng hơn, người bệnh dễ thấy các cơn đau xuất hiện bất chợt hoặc liên tục ở phần dưới thắt lưng ở giữa 2 mông, hay vùng xương cụt.
- Đau lưng nhiều hơn khi quan hệ tình dục.
- Dịch âm đạo và khí hư xuất hiện nhiều, có mùi khó chịu.
Nếu không được chữa trị kịp thời chúng sẽ tiến triển thành viêm vùng chậu mãn tính ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản.
Tại sao viêm vùng chậu gây đau lưng?
Viêm vùng chậu có thể gây đau lưng được giải thích là do hội chứng viêm gây co thắt tử cung hoặc các khối áp xe tại vùng chậu phát triển gây kích thích lên vùng xương chậu hoặc chèn ép các dây thần kinh lan truyền gây đau.
Các nguyên nhân khác có thể gây đau lưng dưới
- Đau lưng trong kỳ kinh nguyệt: Sự thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt có thể gây đau lưng. Hormone Prostaglandin sản sinh trong chu kỳ kinh nguyệt có tác dụng thúc đẩy tử cung co bóp, tử cung co bóp nhiều ảnh hưởng tới cơ ở vùng thắt lưng. Càng nhiều Prostaglandin sẽ gây ra các cơn đau càng nhiều, cơn đau lan từ vùng bụng dưới ra sau lưng.
- Lạc nội mạc tử cung: Các mô niêm mạc trong kỳ hành kinh sau khi dày lên và bong ra lại không thoát ra ngoài cơ thể theo đường âm đạo, mà vẫn ở trong ổ bụng hoặc rải rác ở nhiều cơ quan khác, sau một thời gian sẽ tích tục thành mô sẹo và các u nang.
- Vấn đề về cơ xương khớp: Đau khớp, viêm xương, viêm, căng cơ hoặc viêm dây thần kinh, thoát vị, đều có thể dẫn đến đau lưng. Các cơn này nhức nhối và vô cùng khó chịu.
- Đau lưng là một trong các triệu chứng điển hình của các bệnh khối u cơ quan sinh sản. Các khối u phần phụ như u xơ tử cung, u nang buồng trứng phát triển gây áp lực tại vùng chậu dẫn tới đau lưng.
- Viêm bàng quang hoặc tiết niệu cũng dẫn đến đau lưng.
Viêm vùng chậu có thể gây ra mối nguy gì?
Viêm vùng chậu là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến và nghiêm trọng nhất. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các di chứng đáng tiếc.
- Vô sinh: Viêm vùng chậu ở phụ nữ có thể bị tái đi tái lại nhiều lần, khiến ống dẫn trứng bị tổn thương và để lại sẹo. Vết sẹo nghiêm trọng có thể làm tắc ống dẫn trứng khiến trứng và tinh trùng không thể thụ tinh. Biến chứng này rất phổ biến. Càng chậm điều trị bệnh, nguy cơ vô sinh cào cao.
- Mang thai ngoài tử cung: Các vết sẹo trên ống dẫn trứng hoặc buồng trứng có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh về làm tổ ở tử cung. Khi đó trứng đã thụ tinh sẽ phát triển thành thai ngay tại buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Tình trạng này gọi là mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm. Bởi thai ngoài tử cung càng phát triển thì nguy cơ chảy máu hoặc vỡ ống dẫn trứng càng cao, có thể đe dọa đến tính mạng. Các trường hợp nguy kịch thường phải thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
- Đau vùng chậu mãn tính: Bệnh viêm vùng chậu tạo ra các vết sẹo tồn tại vĩnh viễn trong vùng chậu, gây đau mỗi lần đến kỳ rụng trứng hoặc kinh nguyệt, kéo dài trong nhiều năm.
- Áp xe buồng trứng, vòi trứng: Tình trạng áp xe thường xảy ra ở vòi trứng và buồng trứng, các ổ viêm nặng có các túi mủ phát triển thành khối áp xe, các khối này có nguy cơ vỡ ra gây nhiễm trùng toàn bộ vùng chậu, lan đến phúc mạc, thậm chí nhiễm trùng huyết.
Các biến chứng của bệnh viêm vùng chậu đều cực kỳ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ, nguy kịch có thể gây tử vong.
Biện pháp điều trị viêm vùng chậu, giảm nguy cơ đau lưng
Chính bởi mức độ nguy hiểm của những biến chứng trên, chị em phụ nữ khi thấy xuất hiện triệu chứng đau lưng kết hợp đau bụng dưới, nghi ngờ mắc viêm vùng chậu, cần tìm đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám chữa và điều trị.
Tại đây, bạn sẽ được chẩn đoán và kết luận cơn đau lưng có phải do viêm vùng chậu hay không và được bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp. Các cơn đau lưng sẽ được loại bỏ dựa trên nguyên nhân sinh ra chúng.
Thông thường, đối với trường hợp viêm vùng chậu gây đau lưng, cần chữa dứt điểm bệnh lý viêm vùng chậu thông qua các phương pháp sau:
– Điều trị nội khoa: Các trường hợp viêm vùng chậu nhẹ, giai đoạn cấp tính, bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc kháng sinh liều cao, kết hợp giảm đau và tiêu viêm. Thuốc được sử dụng dưới dạng uống, tiêm bắp hoặc truyền dịch tùy vào đối tượng. Liệu trình dùng thuốc kháng sinh thường kéo dài 7-14 ngày.
Các nhóm kháng sinh được dùng để điều trị viêm vùng chậu thường là kháng sinh phổ rộng, bao phủ C trachomatis và N gonorrhoeae, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn yếm khí, và liên cầu khuẩn.
Cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ với việc sử dụng các thuốc này, sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.
– Điều trị ngoại khoa: Một số trường hợp viêm cấp tính nặng, vùng chậu bị tổn thương nặng, sưng, viêm và các khối áp xe gây xuất huyết, tràn dịch tử cung. Người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay và can thiệp bằng các biện pháp ngoại khoa như chọc hút dịch, phẫu thuật nội soi để loại bỏ ổ viêm, thậm chí là cắt bỏ một phần hoặc toàn phần của cơ quan sinh sản.
Sau khi thực hiện các thủ thuật, bệnh nhân cần nằm viện điều trị và theo dõi, kết hợp dùng thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm bội nhiễm.
– Vật lý trị liệu: Hiện nay, để điều trị viêm vùng chậu đặc biệt là các trường hợp mãn tính, bác sĩ có thể áp dụng các kỹ thuật vật lý trị liệu như dùng các thiết bị phát sóng ngắn và cực ngắn, có tác dụng lưu thông máu, tái tạo tế bào mới để thay thế các tế bào hỏng. Các biện pháp điện di, laser làm mềm mô sẹo, hồi phục các tổn thương sau quá trình viêm nhiễm. Đồng thời, người bệnh cũng được hướng dẫn các bài tập nhẹ với vùng khớp chậu, có tác dụng giãn cơ, giảm đau mỏi lưng và bụng dưới.
Xem thêm: Điều trị viêm vùng chậu bằng Đông y
Những cách để giảm đau lưng do viêm vùng chậu tại nhà
Nếu các cơn đau thắt lưng vẫn xuất hiện nhiều và liên tục trong quá trình điều trị, chị em có thể tham khảo một số biện pháp giảm đau đơn giản có thể thực hiện tại nhà sau:
Massage với tinh dầu nóng
1. Thoa dầu ra lòng bàn tay, rồi dùng tay thoa lên vùng thắt lưng, cho dầu thấm đều.
2. Đặt hai bàn tay lên hai bên hông, hướng lên trên, xoa theo hướng vòng tròn, kết hợp ấn nhẹ. Lặp lại việc này trong vòng 5-7 phút khiến lưng ấm dần và cảm giác các cơ giãn ra.
4. Khum bàn tay, dùng lực cổ tay vỗ dọc hai bên lưng, vỗ nhẹ nhàng lúc ban đầu rồi tăng dần tốc độ, lưu ý không nên sử dụng lực quá mạnh. Làm liên tục trong 3 phút
Các động tác này giúp lưu thông máu,giãn nở sự căng cứng của cơ, giảm đau lưng hiệu quả với các trường hợp viêm vùng chậu chèn ép gây căng cơ và đau lưng dưới.
Chườm nóng
Dùng túi chườm hoặc chai nước nóng chườm lên vùng thắt lưng và bụng dưới trong vòng 10-15 phút sẽ giúp giảm cảm giác đau đáng kể đối với trường hợp đau lưng co thắt do viêm vùng chậu.
Một số lời khuyên để đảm bảo sức khỏe vùng chậu của phụ nữ
- Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát sức khỏe sinh sản, phát hiện sớm các vấn đề bất thường về phụ khoa
- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, sử dụng bao cao su và hạn chế số bạn tình để giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, đặc biệt là trong những ngày hành kinh, giữ cho vùng kín luôn khô thoáng sạch sẽ để tránh cho vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển.
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập luyện thể dục để có một thể trạng tốt, sức đề kháng khỏe mạnh, có khả năng chống lại những tấn công của vi khuẩn, virus.
Vùng chậu là cơ quan đặc biệt quan trọng với người phụ nữ, giúp chị em thực hiện được chức năng sinh sản. Quan tâm sức khỏe vùng chậu là vấn đề cần được chị em đặt lên hàng đầu. Chị em tuyệt đối không được bỏ quan bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến vùng chậu, đừng ngại ngần tới gặp bác sĩ để được tư vấn, chăm sóc. Hi vọng bài viết hữu ích với tất cả chị em.