Viêm vùng chậu là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Bệnh gây nhiều phiền toái đến đời sống của chị em phụ nữ. Vậy viêm vùng chậu là bệnh gì? Đây có phải là một bệnh nghiêm trọng không? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bệnh viêm vùng chậu là một thuật ngữ chỉ chung sự viêm nhiễm xảy ra tại các cơ quan sinh dục trên bao gồm: cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và ống dẫn trứng. Bản chất bệnh viêm vùng chậu là sự nhiễm trùng hệ thống sinh sản gây ra do vi khuẩn. Vi khuẩn có thể bắt nguồn từ các căn bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae.., hoặc vi khuẩn khu trú trong âm đạo như gardnerella vaginalis, mycoplasma vaginalis…
Mục lục
Nguyên nhân gây bệnh viêm vùng chậu đến từ đâu?
Quan hệ tình dục không an toàn: Việc quan hệ tình dục với quá nhiều người, bạn tình mắc các bệnh lây qua đường tình dục, quan hệ tình dục ngay sau kỳ kinh nguyệt, sau sinh nở hoặc sau khi làm các phẫu thuật phụ khoa. Các hành vi này khiến vi khuẩn gây bệnh xâm nhập gây ra bệnh viêm vùng chậu.
Các chị em có thói quen vệ sinh vùng kín không khoa học cũng dễ mắc bệnh viêm vùng chậu. Việc vệ sinh âm đạo quá nhiều hay quá ít hoặc thụt rửa âm đạo thường xuyên cũng có nguy cơ dẫn đến viêm nhiễm.
Phụ nữ sau sinh hoặc mới nạo hút thai là những đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm vùng chậu nhất. Lý do là vì lúc này cơ thể phụ nữ rất yếu, miễn dịch bị suy giảm. Tử cung lại ở trạng thái mở rộng, dẫn đến vi khuẩn từ bên ngoài dễ dàng xâm nhập và bùng phát gây nhiễm trùng tại các vị trí của vùng chậu.
Những ảnh hưởng của bệnh viêm vùng chậu
Khi phát hiện bản thân mắc bệnh viêm vùng chậu, chắc hẳn chị em phụ nữ sẽ rất hoang mang, lo lắng. Bởi bệnh viêm vùng chậu cũng như các bệnh lý phụ khoa khác không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, đời sống tâm lý mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng đối với hệ thống sinh sản.Vì thế tuyệt đối không thể coi thường căn bệnh này.
Vậy những hậu quả gây ra bởi bệnh viêm vùng chậu là gì?
1. Ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt
Viêm vùng chậu có hai mức độ: cấp tính và mãn tính. Người mới mắc bệnh viêm vùng chậu sẽ thường xuyên thấy xuất hiện các cơn đau âm ỉ ở bụng dưới, khi quan hệ tình dục sẽ thấy đau nhiều hơn. Khi tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, người bệnh thấy sốt nhẹ, người mệt mỏi, chán ăn. Âm đạo có nhiều dịch và khí hư, có mùi khó chịu.
Như vậy, ảnh hưởng đầu tiên đến sức khỏe của người phụ nữ khi bị viêm vùng chậu là các cơn đau đeo bám cả ngày, tâm lý e ngại khi quan hệ tình dục ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng.
2. Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
Nguy cơ vô sinh do viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu thường bị nhầm với các bệnh lý viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nấm thông thường. Không nhiều người ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh này. Tình trạng viêm nhiễm này không đơn giản như nhiễm khuẩn âm đạo thông thường, các ổ viêm xảy ra tại ống dẫn trứng và buồng trứng.
Viêm vùng chậu lâu ngày không chữa trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, thành ống dẫn trứng bị viêm gây ứ mủ hay còn gọi là áp xe ống dẫn trứng, khiến tinh trùng không thể bơi về phía trứng để thụ tinh, cũng như trứng không được đưa về phía tử cung, trứng và tinh trùng không gặp được nhau gây vô sinh.
Theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, hàng năm có khoảng 800.000 phụ nữ Mỹ mắc bệnh viêm vùng chậu và 1/10 trong số đó bị vô sinh.
Mang thai ngoài tử cung
Thông thường, trứng được thụ tinh tại ống dẫn trứng và di chuyển về làm tổ tại thành tử cung. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh viêm vùng chậu mãn tính, ống dẫn trứng có thể bị xơ cứng, các mô sẹo dày đặc khiến ống dẫn trứng bị tắc nghẽn. Như vậy, trứng đã thụ tinh sẽ không thể về tử cung mà làm tổ ngay tại ống dẫn trứng và phát triển thành bào thai.
Các bào thai này phát triển càng lớn càng gây nhiều nguy hiểm. Lúc này, người mẹ sẽ đối diện với nguy cơ bị vỡ ống dẫn trứng đe dọa đến tính mạng, thường phải can thiệp bằng phẫu thuật và thai nhi không thể giữ được.
Mang thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm vùng chậu mãn tính, chị em nên lưu ý theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh sớm nhất có thể, tránh để bệnh bước sang giai đoạn mãn tính, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
3. Ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể
Viêm phúc mạc ổ bụng
Màng phúc mạc bao bọc nội tạng vùng ổ bụng. Khi cơ thể bị bệnh viêm vùng chậu, sự nhiễm khuẩn có thể lây lan từ cơ quan sinh dục dưới lên màng phúc mạc vùng chậu, khiến các màng này bị nhiễm trùng. Từ đây các vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu. Nếu tình trạng này không được cấp cứu, khả năng bị tử vong sẽ rất cao.
Viêm bàng quang, viêm niệu đạo
Trong quá trình viêm nhiễm tại các vị trí của vùng chậu, vi khuẩn có thể lan tỏa đến các bộ phận xung quanh cơ quan sinh sản như màng bàng quang, niệu đạo và gây nhiễm trùng tại đây. Ngoài ra, tình trạng áp xe vùng chậu cũng gây chèn ép đến bàng quang, niệu đạo, đại tràng.. kích thích gây tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, táo bón hoặc tiêu chảy…
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm vùng chậu
Cũng giống như các bệnh khác, người mắc bệnh viêm vùng chậu càng kéo dài không chữa trị thì mức độ nghiêm trọng của biến chứng càng cao. Tuy nhiên, bệnh viêm vùng chậu trong giai đoạn đầu thường có biểu hiện mờ nhạt. Bệnh rất khó phân biệt bằng triệu chứng bên ngoài với các bệnh phụ khoa khác. Vì vậy, chúng tôi sẽ liệt kê các dấu hiệu tiêu biểu dự đoán người mắc bệnh viêm vùng chậu.
- Đau bụng dưới: Hiện tượng đau bụng dưới ở nữ thường xuất hiện khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu đang không trong kỳ kinh nguyệt mà bạn vẫn cảm thấy đau. Cơn đau có thể âm ỉ, hoặc đau tăng dần, dữ dội, đau nhiều hai bên hông thì bạn cần đi kiểm tra.
- Bị sốt: Viêm cùng chậu là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn, vì vậy bệnh sẽ gây sốt nhẹ.
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường là 28 ngày sẽ lặp lại, thời gian kinh nguyệt kéo dài từ 4-7 ngày. Tuy nhiên tùy từng cơ địa, chu kỳ kinh nguyệt có thể ngắn hoặc dài hơn, khoảng 21-25 ngày. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là chu kỳ kinh nguyệt không đều, có thể bị mất kinh, bị rong kinh hoặc đau bụng kinh. Rối loạn kinh nguyệt có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, và một trong số đó là bệnh viêm vùng chậu.
- Khí hư và dịch âm đạo: Âm đạo tiết nhiều dịch và khí hư có mùi hôi, chất dịch có màu khác thường hoặc có máu. Hầu hết các bệnh phụ khoa đều có triệu chứng này.
- Buồn nôn: Cơ thể mệt mỏi, ớn lạnh, đôi khi cảm thấy buồn nôn, giống dấu hiệu của phụ nữ mang thai.
- Đau rát: Đi tiểu nhiều lần, đau khi đi tiểu và đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo: Âm đạo có máu bất thường khi không ở trong chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu do xuất huyết âm đạo không nhiều, ồ ạt. Đây cũng là một triệu chứng tiêu biểu của bệnh viêm vùng chậu.
Nếu bạn nhận thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu nào bên trên, bạn hãy đến bác sĩ để thăm khám ngay. Bằng những chẩn đoán chuyên môn, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện bạn có đang mắc bệnh viêm vùng chậu hay không?, bệnh đã tiến triển đến mức độ nào? Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Viêm vùng chậu có chữa khỏi hoàn toàn không?
Chị em cũng biết rằng, viêm vùng chậu cũng giống như một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác, có thể bị tái lại nhiều lần. Điều này không chỉ gây phiền toái cho cuộc sống mà còn khiến bệnh trở thành mãn tính, khó chữa và gây biến chứng nghiêm trọng hơn.
Làm thế nào để điều trị dứt điểm bệnh viêm vùng chậu là câu hỏi nhiều chị em phụ nữ băn khoăn. Thông thường với bệnh viêm vùng chậu cấp, hoặc chớm viêm vùng chậu, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh kết hợp chống viêm và giảm đau.
Các dòng kháng sinh có tác dụng các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm vùng chậu thường là Macrolid hay Beta lactam cùng các thuốc kháng viêm phổ biến như Celecoxib, Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam,…
Lưu ý khi điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Mỗi người có khả năng đáp ứng thuốc kháng sinh khác nhau. Thuốc kháng sinh chỉ thực sự có tác dụng khi kiên trì dùng thuốc cho hết liệu trình, không bỏ ngang hoặc tự đổi thuốc.
Bệnh viêm vùng chậu không quá khó chữa, điều trị bằng thuốc hoàn toàn có khả năng khỏi hẳn, kết hợp với duy trì được lối sống khỏe mạnh, tình dục lành mạnh, luôn chú trọng chăm sóc và vệ sinh vùng kín. Bệnh viêm vùng chậu sẽ ít có nguy cơ bị tái phát trở lại.
Bài viết trên đây đã nêu ra các ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh viêm vùng chậu đến sức khỏe và chức năng sinh sản của người phụ nữ. Hi vọng chị em đã có cho mình thêm kiến thức về bệnh và ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe phụ khoa. Chúc chị em luôn khỏe!