Viêm âm đạo do nấm men (nấm Candida) là một bệnh lý phụ khoa hay gặp ở chị em. Vậy viêm âm đạo do nấm men là gì, nguyên nhân, dấu hiệu bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Tổng quan bệnh Nhiễm nấm Candida
Nhiễm nấm âm đạo là như thế nào?
Nấm Candida là loại nấm men đơn bào tồn tại tự nhiên trong cơ thể con người, kí sinh chủ yếu trên da, trong miệng, âm đạo hay đường ruột. Nấm Candida có tới 20 loại khác nhau, trong số đó, Candida albicans là loại nấm phổ biến nhất.
Âm đạo chị em có sự cân bằng giữa vi khuẩn và nấm men. Hormone estrogen giúp vi khuẩn (lactobacilli) phát triển, những vi khuẩn này có tác dụng tiêu diệt các tác nhân gây hại, giữ cho âm đạo khỏe mạnh. Nhưng khi sự cân bằng trên bị xáo trộn, nấm Candida có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây tình trạng nhiễm trùng nấm men. Nhiễm nấm âm đạo là tình trạng nấm Candida albicans phát triển quá mức, sự phát triển quá mức này gây viêm, ngứa, kích ứng, tiết dịch và đau rát. Trên thực tế, có gần 75% chị em đều bị nhiễm trùng nấm men ít nhất 1 lần trong đời.
Một số bệnh do nhiễm trùng nấm candida gây ra
Tùy vào từng vị trí, từng vùng bị nhiễm nấm mà có các biểu hiện bệnh khác nhau. Những bệnh do nhiễm trùng nấm candida gây ra như:
- Bệnh tưa miệng: Đây là tên gọi chung của bệnh nhiễm trùng miệng do nấm Candida albican gây nên. Nấm Candida albican sẽ ảnh hưởng đến các bề mặt ẩm bên trong má, quanh môi, trên lưỡi và vòm miệng.
- Viêm thực quản: Nấm candida từ miệng có khả năng lây lan sang thực quản, gây tình trạng viêm thực quản.
- Nhiễm nấm Candida ở da: Những vùng da bị nhiễm nấm là những vùng da hay ẩm ướt, ít thông thoáng như: vành da gốc móng tay ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, bàn tay của người thường xuyên đeo găng tay, khu vực da quanh háng, các nếp nhăn ở mông, các nếp da dưới ngực…
- Nhiễm nấm candida âm đạo: Đây là một bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp. Có đến 75% chị em bị nhiễm nấm Candida ít nhất một lần trong đời. Nguy cơ nhiễm nấm âm đạo tăng lên nếu chị em đang có thai hoặc mắc phải bệnh tiểu đường.
- Nhiễm nấm candida toàn thân: Nấm Candida có thể xâm nhập vào máu qua vết thương phẫu thuật, vị trí mở khí quản, ống thông khí làm nhiễm trùng máu. Từ đó, nó sẽ lây lan khắp cơ thể, gây nhiễm trùng nặng. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp, những người suy yếu nghiêm trọng hệ miễn dịch.
Các bệnh do nhiễm nấm candida gây ở vùng miệng, da, thực quản và vùng sinh dục gây ra tuy có các triệu chứng khó chịu nhưng bệnh thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Nếu nấm candida xâm nhập vào máu sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được can thiệp kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: Viêm nhiễm phụ khoa, những điều chị em cần biết.
Nguyên nhân, dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo
Nguyên nhân nhiễm nấm âm đạo
Có nhiều lý do khiến chị em bị nhiễm nấm âm đạo, bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài: Khi chị em sử dụng thuốc kháng sinh liều cao hay quá lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm nấm âm đạo. Bởi vì, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn có lợi, làm cho âm đạo bị mất cân bằng hệ vi sinh tự nhiên, từ đó, tạo điều kiện để nấm men hoạt động mạnh và gây viêm.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Tuy nấm âm đạo là bệnh không lây qua đường tình dục nhưng việc quan hệ không an toàn có khả năng tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh. Một số nghiên cứu còn cho thấy, nhiễm nấm có khả năng do quan hệ tình dục bằng miệng.
- Rối loạn nội tiết tố: Những phụ nữ có nồng độ estrogen cao thường mắc bệnh nấm âm đạo phổ biến hơn, như: chị em đang mang thai, chị em dùng thuốc tránh thai estrogen liều cao hoặc các liệu pháp hormone estrogen… làm giảm đi sức đề kháng, gây cho âm đạo mất cân bằng độ pH, khiến cho khuẩn nấm có cơ hội sinh sôi, phát triển.
- Thói quen vệ sinh vùng kín sai cách: Nếu chị em vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hay quần lót ẩm ướt, nguồn nước bị ô nhiễm… đều tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Ngoài ra, việc thụt rửa sâu âm đạo hoặc vệ sinh vùng kín bằng các loại dung dịch vệ sinh có chứa chất tẩy rửa mạnh cũng khiến cho môi trường âm đạo mất cân bằng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để nấm sinh sôi.
- Không thay đồ lót, băng vệ sinh thường xuyên: Nếu chị em sử dụng đồ lót quá chật, thường xuyên không thay giặt cũng khiến cho nấm hình thành, phát triển mạnh. Do vùng kín bị bí bách, nóng ẩm, mà đây lại là điều kiện lý tưởng để cho nấm candida gây bệnh. Bởi vậy, sau 3 – 4 tiếng, chị em nên thay băng vệ sinh 1 lần.
- Chị em có tiền sử mắc bệnh tiểu đường: Một số chị em có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc khi mang thai hoặc sử dụng các thuốc tránh thai, điều trị bằng steroid lâu ngày cũng sẽ có khả năng cao bị nấm âm đạo.
- Hệ thống miễn dịch suy giảm: Chị em đang sử dụng liệu pháp corticosteroid hoặc nhiễm các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS… đều có khả năng miễn dịch thấp, do đó, khả năng bị nhiễm nấm cũng cao hơn.
Ngoài ra, một số chị em có thói quen sinh hoạt không khoa học, lành mạnh, chế độ ăn uống bị thiếu hụt dinh dưỡng, ngủ không đủ giấc, sức đề kháng kém, cơ thể suy nhược… cũng có nguy cơ cao bị mắc nấm âm đạo.
Dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm âm đạo
Nấm Candida có thể bắt gặp ở nhiều bộ phận trên cơ thể như: móng tay, da, miệng, họng, thực quản… trong đó, ở âm đạo là tình trạng phổ biến nhất. Các triệu chứng lâm sàng sẽ tùy theo mức độ nhiễm và tùy từng tình trạng của mỗi người. Thông thường, những biểu hiện thường gặp nhất như:
- Khí hư ra nhiều bất thường, dịch âm đạo tiết nhiều, có màu trắng, vón cục và bám vào thành từng mảng.
- Âm đạo có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu.
- Vùng kín có cảm giác nóng, bỏng rát, khi đi tiểu bị đau rát, đặc biệt là mỗi khi quan hệ tình dục.
- Một số trường hợp nặng có thể bị sưng tấy, phù nề âm hộ, môi bé, môi lớn, sau đó, lan ra cả vùng bẹn và đùi.
Nếu chị em thấy mình có bất cứ một dấu hiệu nào trong số các biểu hiện trên, chị em hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây ra nhiều nguy hiểm cho cơ thể.
Có thể bạn quan tâm: Chi phí khám phụ khoa tổng quát hết bao nhiêu?
Ảnh hưởng của nấm men âm đạo gây nên
Viêm âm đạo do nấm men Candida thường không gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm, bệnh sẽ tái phát dai dẳng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản của các chị em. Một số ảnh hưởng gây ra như:
- Gây ra một số bệnh phụ khoa khác: Nấm men có thể ngược dòng, gây tình trạng viêm nhiễm trên diện rộng, là căn nguyên dẫn đến nhiều loại bệnh phụ khoa nguy hiểm khác như: viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, viêm phần phụ…
- Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản: Nấm Candida phát triển sẽ làm âm đạo mất cân bằng độ pH, gây trở ngại cho quá trình tinh trùng kết hợp với trứng. Mặt khác, các bệnh phụ khoa cũng làm thay đổi môi trường axit ở trong âm đạo, khiến cho tinh trùng không thể sống sót, làm tăng thêm khả năng bị vô sinh.
- Ảnh hưởng tới thai nhi: Nếu khi đang mang thai mà bị viêm âm đạo có thể gây viêm màng ối dẫn đến tình trạng sảy thai hay sinh non, thậm chí có thể lây mầm bệnh sang cho trẻ nếu sinh tự nhiên, khiến cho trẻ đẻ ra mắc các bệnh về mắt, miệng, hô hấp…
- Tự ti trong giao tiếp: Chị em sẽ thấy thiếu tự tin khi giao tiếp với người khác hoặc e ngại mỗi khi sinh hoạt vợ chồng do cảm giác đau rát vùng kín gây nên.
- Mắc các bệnh truyền nhiễm khác: Khi chị em bị viêm âm đạo, sức đề kháng cơ thể bị suy giảm, nồng độ pH thay đổi là điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác như: giang mai, lậu, HIV/AIDs,…
Biện pháp phòng ngừa viêm đạo do nấm
Bệnh viêm âm đạo do nấm men ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của chị em. Vì vậy, để tránh nhiễm nấm men, chị em cần tuân thủ một số biện pháp như sau:
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên, sạch sẽ, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc thời kỳ kinh nguyệt, điều này sẽ hạn chế sự gia tăng của vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, chị em cũng không nên thụt rửa quá sâu hoặc chà xát mạnh, càng không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính tẩy rửa mạnh.
- Chọn những trang phục thoải mái, thoáng mát, thấm hút tốt, tránh mặc các loại quần bó sát, quần lọt khe. Thường xuyên thay mới quần lót và giặt sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn, nấm ký sinh.
- Sử dụng các nguồn nước sạch, hạn chế tắm, dùng nước bẩn như ao, hồ, kênh rạch…
- Trong thời gian chị em bị bệnh cần kiêng việc “yêu”. Sau khi đã điều trị khỏi, cũng cần áp dụng các biện pháp quan hệ an toàn.
- Thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 – 4 lần một năm. Nhất là khi chị em có tiền sử bị mắc các bệnh phụ khoa.
- Nếu chị em có gia đình mà bị nhiễm nấm thì nên điều trị cả hai vợ chồng để tránh tình trạng lây chéo.
Hi vọng qua những thông tin hữu ích trên đã giúp chị em phụ nữ hiểu rõ thêm về bệnh viêm âm đạo do nấm men. Đồng thời, có thể áp dụng phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả để chăm sóc tốt cho sức khỏe cho bản thân mình và mọi người xung quanh.