Buồng trứng là bộ phận quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của nữ giới. Vậy vị trí buồng trứng nằm ở đâu trong cơ thể? Chúng có cấu tạo và chức năng ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn những vấn đề này qua những nội dung dưới đây nhé!
Mục lục
Buồng trứng là gì?
Hệ sinh dục của nữ giới được cấu tạo bởi 2 phần:
- Bộ phận sinh dục ngoài: âm hộ, âm đạo.
- Bộ phận sinh dục trong: tử cung, vòi trứng, buồng trứng.
Buồng trứng thuộc cơ quan sinh dục bên trong của cơ thể nữ giới, bên cạnh chức năng nội tiết (tiết ra các hormone sinh dục estrogen và progesterone), buồng trứng còn đảm nhận chức năng ngoại tiết (rụng trứng). Trong cơ thể nữ giới bình thường sẽ có 2 buồng trứng, một ở bên trái và một ở bên phải.
Vị trí buồng trứng nằm ở đâu?
Buồng trứng nằm trên thành chậu hông bé, hai buồng trứng nằm đối xứng hai bên tử cung, dính vào lá sau của dây chằng rộng, ngay phía sau vòi tử cung và dưới eo chậu trên khoảng 10mm. Đối chiếu lên thành bụng, ta có thể xác định vị trí buồng trứng là điểm nằm giữa đường nối gai chậu trước trên với khớp mu.
Tuy nhiên, vị trí buồng trứng có thể thay đổi tùy theo số lần sinh nở của người phụ nữ. Cụ thể, nếu chưa trải qua sinh nở, buồng trứng của nữ giới sẽ nằm gọn trong thành chậu hông bé, với tư thế thẳng đứng, trục dọc. Trong khi đó, ở những phụ nữ đã sinh nở, buồng trứng có xu hướng rủ xuống do chịu ảnh hưởng tử sự phát triển của bào thai.
Kích thước của buồng trứng
Ngay từ khi sinh ra, trong cơ thể mỗi bé gái đã có hai buồng trứng, mỗi buồng có đường kính khoảng 1cm và có trọng lượng dao động từ 250 – 350mg. Theo thời gian, buồng trứng sẽ tăng dần về kích thước, đồng thời trọng lượng của chúng sẽ tăng gấp 10 lần ban đầu. Trong cơ thể nữ giới trưởng thành, buồng trứng có kích thước trung bình 3,5 x 2 x 1cm, tương ứng với thể tích từ 3 đến 6 ml.
Trước khi nữ giới đến tuổi dậy thì, buồng trứng có màu hồng nhạt và bề mặt nhẵn nhụi. Đến tuổi dậy thì, cơ thể sẽ bắt đầu quá trình rụng trứng vào mỗi tháng, theo đó, số lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian và kết thúc rụng trứng vào độ tuổi mãn kinh. Quá trình rụng trứng hàng tháng sẽ khiến để lại sẹo trên bề mặt buồng trứng, làm cho bộ phận này dần trở nên sần sùi. Tuy nhiên, sau thời gian mãn kinh, buồng trứng sẽ nhẵn nhụi trở lại.
Cấu tạo của buồng trứng
Buồng trứng trưởng thành có hình dáng giống như hạt đậu dẹt. Cấu tạo của buồng trứng bao gồm:
- Hai mặt: Buồng trứng có hai mặt, mặt trong và mặt ngoài. Mặt trong có hình dạng lồi, tiếp xúc với các tua của phễu vòi tử cung và các quai ruột. Mặt ngoài nằm áp vào phúc mạc của thành hố chậu, nằm trong hố lõm gọi là hố buồng trứng.
- Hai bờ: Hai bờ của buồng trứng bao gồm bờ tự do và bờ mạc treo buồng trứng. Bờ tự do quay ra phía sau và liên hệ với các quai ruột, trong khi đó, bờ mạc treo nằm ở phía trước, có nhiệm vụ treo buồng trứng vào mặt sau dây chằng rộng.
- Hai đầu: Buồng trứng có hai đầu, bao gồm đầu vòi và đầu tử cung. Đầu vòi hướng lên trên, là nơi bám của dây chằng treo buồng trứng. Đầu tử cung có kích thước nhỏ hơn, quay xuống dưới và hướng về phía tử cung, là nơi để dây chằng riêng buồng trứng bám vào.
Buồng trứng không có lớp phúc mạc phủ bên ngoài, cơ quan này được bao bọc bởi lớp màng trắng mỏng được hình thành từ một lớp mô liên kết và các chất trung gian. Phần nằm dưới lớp màng trắng chính là lớp vỏ buồng trứng, tiếp đến là tủy buồng trứng.
Ở lớp màng trắng, các tế bào trụ phủ bên ngoài buồng trứng có màu xám đục, chúng được ngăn cách với lớp vỏ trung mô dẹt của phúc mạc bằng một đường trắng mảnh, nằm dọc theo bờ mạc treo của buồng trứng.
Lớp vỏ buồng trứng sẽ bao bọc lấy thể vàng và các nang buồng trứng. Vỏ buồng trứng có lớp mô đệm chứa các sợi liên kết lưới, tế bào cơ trơn và tế bào hình thoi.
Tủy buồng trứng có rất nhiều mô đệm, được tạo thành bởi nhiều mô liên kết, tế bào cơ trơn, mạch máu (tĩnh mạch). Thông thường, cấu tạo của tủy buồng trứng sẽ có nhiều mạch máu hơn lớp vỏ bên ngoài.
Nang trứng nằm trong lớp vỏ buồng trứng. Mỗi nang trứng sẽ có một noãn bào tế bào, được bao quanh bởi lớp tế bào nang (gồm tế bào trụ nhỏ hoặc tế bào dẹt).
Trong quá trình phóng thích trứng, các nang trứng sẽ nhanh chóng xẹp xuống, hình thành nếp gấp. Ở giai đoạn này, kích thước các tế bào của màng hạt sẽ to ra, có chứa các sắc tố vàng bên trong bào tương, tạo thành thể vàng. Những thể vàng này có thể hoạt động từ 12 – 14 ngày sau khi rụng trứng. Nếu quá trình thụ thai diễn ra, thể vàng sẽ bị thoái hóa và hình thành các mô sợi.
Buồng trứng có chức năng gì?
Trong cơ thể nữ giới, buồng trứng có 2 chức năng chính là nội tiết và ngoại tiết. Hai chức năng này tồn tại và phát triển song song, hỗ trợ chức năng sinh sản. Cụ thể:
Chức năng nội tiết của buồng trứng
Buồng trứng có chức năng tiết ra 2 hormon sinh dục nữ là progesterone và estrogen. Trong đó:
Estrogen là một dạng hợp chất steroid được tổng hợp ở buồng trứng từ cholesterol và có thể cả từ acetyl coenzym A. Có 3 loại estrogen được tìm thấy trong huyết tương là estriol, estron, estradiol,… Đây là hormone có khả năng bảo vệ đặc tính sinh dục nữ, chúng không chỉ giúp phát triển cơ quan sinh dục nữ, phát triển mỡ dưới da mà còn giúp phụ nữ có giọng nói trong, vai hẹp, hông nở, dáng đi mềm mại, uyển chuyển,…
Progesterone cũng là một dạng hợp chất steroid, được tổng hợp từ cholesterol hoặc acetyl coenzym A. Chúng có khả năng giúp kích thích bài tiết niêm mạc tử cung vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, giúp cơ thể có thể sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Bên cạnh đó, progesterone cũng có thể tác động lên các cơ quan khác như tuyến vú, vòi trứng, cổ tử cung,…
Tóm lại, mỗi hormon sẽ có tác dụng duy trì một chức năng riêng, giúp bảo tồn đặc tính sinh dục nữ, hỗ trợ quá trình thụ thai (giúp trứng đã thụ tinh có thể di chuyển dễ dàng đến tử cung), làm giảm tình trạng co bóp cơ tử cung, ngăn không cho đẩy trứng đã thụ tinh ra ngoài, đồng thời duy trì sức khỏe cho chị em phụ nữ.
Chức năng ngoại tiết của buồng trứng
Sau khi bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng luân phiên nhau phóng thích trứng mỗi tháng một lần, tạo ra chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Nếu sau quá trình phóng noãn, trứng gặp tinh trùng sẽ xảy ra hiện tượng thụ thai. Đây chính là chức năng ngoại tiết điển hình của buồng trứng.
Những bệnh thường gặp ở buồng trứng
Các bệnh lý thường gặp liên quan đến buồng trứng ở nữ giới bao gồm:
- Đa nang buồng trứng: Có tới 15% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị đa nang buồng trứng. Bệnh lý này khiến người bệnh có rất nhiều trứng nhưng trứng không rụng.
- Suy buồng trứng: Bệnh lý suy buồng trứng thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 35-45. Cơ thể người bệnh không thể nuôi dưỡng trứng, dẫn đến khả năng sinh sản bị ảnh hưởng. Những biểu hiện thường gặp của bệnh bao gồm: rối loạn kinh nguyệt, hoa mắt, buồn nôn, mất ngủ, da nhăn nheo, khô âm đạo,…
- Viêm buồng trứng: Bệnh lý này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh ở 25% chị em phụ nữ. Viêm buồng trứng khiến ống dẫn trứng không thực hiện được chức năng phóng noãn, dẫn đến việc trứng không thể rụng. Các triệu chứng có thể gặp phải bao gồm: đau vùng bụng dưới và xương hông, suy nhược cơ thể, đau đầu, chóng mặt,…
- Viêm tắc vòi trứng: Vòi trứng bị viêm, hẹp, tắc nghẽn sẽ khiến quá trình thụ thai gặp nhiều khó khăn do tinh trùng không thể tiếp cận với trứng. Bên cạnh đó, khi bị viêm tắc vòi trứng, chị em sẽ có nguy cơ cao bị mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh. Bệnh có những biểu hiện như: rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- U nang buồng trứng: U nang buồng trứng sẽ khiến tử cung bị co ép, khiến quá trình thụ thai không thể diễn ra ngay cả khi tinh trùng đã gặp trứng. Bên cạnh đó, khối u càng lớn thì khả năng vô sinh của chị em càng cao. Tốt nhất, căn bệnh này nên được điều trị càng sớm càng tốt.
- Ung thư buồng trứng: Khối u có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên buồng trứng. Sau đó, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô bên trong cơ thể. Đây là bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng gây vô sinh cao. Hơn nữa, ung thư buồng trứng có thể khiến người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong.
Với tất cả những bệnh lý kể trên, việc can thiệp điều trị bằng các biện pháp y tế là vô cùng quan thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Buồng trứng là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Do đó, nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường như ra máu, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt,… tốt nhất bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. Hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra giải pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!