Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư gây tử vong khá cao ở chị em nữ giới, chỉ sau bệnh ung thư vú. Khi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh rất thấp. Vậy ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối như thế nào, những dấu hiệu nhận biết ra sao, ung thư giai đoạn cuối còn khả năng điều trị không… những điều này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
- Thế nào là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối?
- Những dấu hiệu nhận biết tình trạng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
- Sự nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
- Những phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị là khi nào?
- Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khi điều trị
Thế nào là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là giai đoạn các tế bào ung thư đã lan rộng ra khắp vùng cổ tử cung, di căn đến những bộ phận, cơ quan khác, khiến cho bệnh tình trở nặng. Khi ung thư ở giai đoạn này, nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đến tính mạng.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gồm hai giai đoạn 4A và 4B, trong đó:
- Giai đoạn 4A: là giai đoạn khi những tế bào ung thư đã bắt đầu di căn đến niêm mạc bên trong bàng quang, trực tràng. Những tế bào ung thư này có xu hướng lan tới hạch bạch huyết, nhưng chúng chưa di căn đến những tạng khác, cơ quan, bộ phận khác bên trong cơ thể.
- Giai đoạn 4B: là giai đoạn khi những tế bào ung thư đã lan đến hạch bạch huyết, xâm lấn đến các cơ quan, bộ phận nội tạng ở vùng bụng trên, có thể phát triển, di căn đến phổi, đến xương gây những ảnh hưởng nghiêm trọng cho toàn bộ cơ thể.
Những dấu hiệu nhận biết tình trạng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
1- Khó thở
Đây là một dấu hiệu rất hay gặp khi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, ở giai đoạn này, người bệnh thường cảm thấy khó thở. Nguyên nhân có thể là do bị tắc nghẽn phế quản hoặc suy hô hấp.
2- Hiện tượng xuất huyết âm đạo bất thường
Một dấu hiệu khác không thể bỏ qua của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là hiện tượng âm đạo xuất huyết bất thường. Loại bỏ đi các nguyên nhân như: trong chu kỳ kinh nguyệt hay vận động mạnh thì hiện tượng ra máu bất thường không kèm theo tình trạng đau bụng, đau lưng… đang cảnh báo sức khỏe của bạn ở vào tình trạng nguy hiểm. Chị em lúc này cần phải đi thăm khám ngay để tìm ra nguyên nhân gây nên.
3- Tiết dịch âm đạo bất thường
Ở tình trạng bình thường, dịch âm đạo có màu sắc trong như lòng trắng trứng, cảm giác nhầy, dai và không có mùi khó chịu. Vào khoảng thời gian rụng trứng, dịch âm đạo thường ra nhiều. Tuy nhiên, nếu chị em gặp hiện tượng âm đạo ra dịch bất thường (có màu xanh, trắng đục, lẫn máu), có thể kèm theo mùi hôi bất thường hoặc quá loãng hoặc quá đặc, rất có thể đây là báo động đỏ cho tình trạng nội tiết tố thay đổi trong cơ thể chị em. Và cũng không ngoại trừ, đây là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
4- Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt không đều
Một chu kỳ kinh bình thường của nữ giới sẽ kéo dài trong khoảng 28 – 32 ngày, một số khác chị em có chu kỳ ngắn hơn (từ 25 – 27 ngày) hoặc dài hơn (từ 33 – 35 ngày). Đây đều là những biểu hiện bình thường của cơ thể, chỉ cần nó đều đặn, chị em không cần phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, nếu chu kỳ chị em đang đều đặn, bỗng dưng kéo dài hơn hoặc đến sớm hơn mà không tìm ra được nguyên nhân thì chị em cần chú ý điều này. Loại trừ những nguyên nhân như thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, stress thì một yếu tố mà chị em không thể bỏ qua là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Tình trạng này gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt của chị em thông qua việc nội tiết tố thay đổi hoặc ảnh hưởng tới quá trình phát triển, rụng trứng.
5- Đau vùng chậu
Cùng với tình trạng xuất huyết bất thường ở âm đạo, đau vùng chậu cũng là một dấu hiệu gợi ý cho bác sĩ nghĩ ngay đến bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Nguyên nhân của cơn đau này báo hiệu tình trạng những tế bào ung thư đã xâm lấn, lan đến vùng xương chậu. Đặc biệt, khi chị em cảm thấy bị đau nhức vùng xương chậu vào thời gian không trong chu kỳ kinh nguyệt. Rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, chị em đừng nên chần chừ, hãy nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.
Tìm hiểu về: Nhận biết dấu hiệu ung thư tử cung giai đoạn đầu
Sự nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Theo thống kê mỗi năm, nước ta có khoảng 200 nghìn phụ nữ tử vong do căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Con số này không dừng lại mà ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, với những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… tỉ lệ chị em mắc căn bệnh này rất cao. Nguyên nhân gây nên chủ yếu là do bị nhiễm virus HPV qua con đường tình dục. Ngoài ra, không loại trừ các vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa, hay lối sống thiếu lành mạnh của 1 số chị em cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ung thư cổ tử cung.
Khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn này, bác sĩ sẽ dựa vào tình hình sức khỏe chị em hiện tại mà đưa ra các phương pháp điều trị cho phù hợp, nhằm tăng thời gian sống cho chị em. Lúc này, chị em cùng với người nhà đều cần phải có tinh thần lạc quan để có thể tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Theo thống kê năm 2017, khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung trong từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 0: 100%
- Giai đoạn 1A: 95%
- Giai đoạn 1B: 80-10%
- Giai đoạn 2A: 70-90%
- Giai đoạn 2B: 60-70%
- Giai đoạn 3A: 35-40%
- Giai đoạn 3B: 32%
- Giai đoạn 4A: 20%
- Giai đoạn 4B: 15%
Từ số liệu trên, có thể thấy, khoảng 15 – 20% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung di căn có khả năng sống đến 5 năm. Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị và chăm sóc sức khỏe có thể giúp chị em, người thân kiểm soát được những dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối và sống khỏe mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm: Có thể có con khi bị ung thư cổ tử cung được không?
Những phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Theo thống kê ở trên, chị em bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể kéo dài thời gian sống trên 5 năm (được xét là điều trị khỏe bệnh) đạt tỉ lệ khoảng 15%. Chị em cần phải tuân thủ điều trị, cùng với tinh thần luôn lạc quan, tin tưởng vào bác sĩ mới đem lại được kết quả điều trị tốt nhất. Những biện pháp điều trị thường được áp dụng cho ung thư giai đoạn cuối là:
1- Phẫu thuật
Khi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, mà những tế bào ung thư mới lan ra khỏi cổ tử cung song còn khu trú ở vùng chậu thì phẫu thuật toàn phần hoặc một phần đoạn chậu sẽ đạt hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, đây là một cuộc đại phẫu nên sức khỏe chị em cần phải được kiểm tra, xem có đáp ứng được cho cuộc phẫu thuật cũng như hồi phục sau phẫu thuật hay không.
2- Hóa, xạ trị
Đây là hai phương pháp thường được kết hợp với nhau để đạt hiệu quả kiểm soát sự phát triển của khối u tốt nhất. Khi những tế bào ung thư lan rộng, di căn đi nhiều nơi thì phương pháp hóa xạ trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn so với phẫu thuật. Những bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối không thể chữa khỏi bệnh cũng giảm bớt đau đớn, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
3- Điều trị trúng đích
Ngày nay, một số loại thuốc điều trị trúng đích đã được áp dụng cho những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, chi phí điều trị của phương pháp này tương đối cao nên chưa được sử dụng phổ biến.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị là khi nào?
Thời điểm khi các bác sĩ thông báo tình trạng của bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị là lúc:
- Những khối u đã phát triển quá lớn, di căn, xâm lấn tới nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể nên không còn phương pháp nào có thể kiểm soát được những khối u đó nữa.
- Do tuổi tác bệnh nhân quá cao hoặc tình trạng sức khỏe, thể trạng quá yếu không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị do các tác dụng phụ của những phương pháp này gây nên.
- Những bệnh nhân đã trải qua các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị nhưng không có kết quả tốt, ung thư vẫn tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể phải ngưng các biện pháp chữa trị ung thư và xem xét đến các phương án khác. Tùy vào từng điều kiện sức khỏe, kinh tế, nơi sống, bệnh nhân có thể lựa chọn biện pháp chăm sóc giảm nhẹ tình trạng đau đớn tại bệnh viện, trung tâm y tế hoặc điều trị tại nhà.
Chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khi điều trị
Người nhà, bệnh nhân có thể đưa về nhà để tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái hoặc chọn nhập viện để được tiếp cận tới những trang thiết bị y tế đầy đủ.
Chăm sóc tại bệnh viện
Hầu hết các phương pháp phẫu thuật, xạ trị (mỗi liệu trình từ 5 – 8 tuần), hóa trị đều thực hiện tại bệnh viện, dưới sự kiểm soát của các bác sĩ, nhân viên y tế. Chị em cần tìm hiểu cách thức chăm sóc sau phẫu thuật, chăm sóc sau khi xạ trị, hóa trị, nên trao đổi với các bác sĩ nếu chị em thấy xuất hiện bất kỳ 1 triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào. Ngoài ra, các bác sĩ cũng giúp cho bệnh nhân kiểm soát các tác dụng phụ do các phương pháp điều trị gây nên và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân.
Chăm sóc tại nhà
Nhiều gia đình lại lựa chọn phương thức chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 tại nhà. Khi đó, cơ hội để người bệnh tiếp cận với máy móc, trang thiết bị y tế bị hạn chế hơn. Trước khi đưa bệnh nhân về nhà, người nhà cần hỏi ý kiến bác sĩ về cách thức chăm sóc người bệnh tại nhà, cũng như biện pháp liên lạc với bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp xảy ra. Bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc, hướng dẫn người nhà những phương pháp cần thiết để chăm sóc cho bệnh nhân.
Việc điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất khó khăn, tỉ lệ sống trên 5 năm rất thấp. Những phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay cũng chỉ giúp cho bệnh nhân giảm đi những triệu chứng đau nhức khó chịu, kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân. Vì vậy, mỗi chị em phụ nữ cần phải thường xuyên đi khám phụ khoa định kì, để có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh để bệnh tiến triển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng chị em.