Trong quá khứ, ung thư cổ tử cung là một trong bệnh ung thư phổ biến nhất gây tử vong cho phụ nữ bên cạnh ung thư vú và ung thư buồng trứng. Ngày nay, y học hiện đại phát triển, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có thể giúp loại bỏ sớm tế bào tiền ung thư cổ tử cung. Đó là lý do việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và tầm soát thường xuyên rất quan trọng. Có một yếu tố thường được đề cập tới khi bàn về ung thư đó là di truyền, liệu rằng ung thư cổ tử cung có di truyền không, cùng tìm lời giải trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Ung thư cổ tử cung có di truyền không?
Trước tiên, cần khẳng định rằng ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây ra bởi tác nhân chính là nhiễm virus gây u nhú HPV. Đây là loại virus có tới 150 chủng liên quan, trong đó có nhiều chủng gây ung thư. Ung thư cổ tử cung hiếm khi di truyền trong gia đình qua các thế hệ.
Nói rằng ung thư cổ tử cung hiếm khi di truyền sở dĩ bởi vì hai loại ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là ung thư cổ tử cung tế bào vảy hoặc ung thư biểu mô tuyến thường không di truyền. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển một số loại ung thư cổ tử cung hiếm gặp có thể tăng lên do hai yếu tố di truyền sau:
- Gien DICER1 bị hỏng . Những người bị hư hỏng Gen DICER1 có nguy cơ mắc một loại ung thư cổ tử cung được gọi là u cơ vân phôi.
- Hội chứng Peutz-Jegher (PJS) di truyền gen trội hiếm gặp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Một số yếu tố di truyền (chẳng hạn như gen đáp ứng miễn dịch và gen sửa chữa DNA bị lỗi) cũng có thể gây khó khăn hơn trong việc chống lại nhiễm trùng HPV, dẫn đến tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, xác suất người bị ung thư cổ tử cung do các yếu tố mang tính di truyền như trên là rất nhỏ. Cùng đi tìm hiểu các yếu tố nguy cơ có mối liên hệ chặt chẽ hơn yếu tố di truyền trong nội dung sau:
Có những yếu tố nguy cơ nào khác đối với ung thư cổ tử cung?
Có nhiều yếu tố nguy cơ được nghiên cứu đối với ung thư cổ tử cung. Hầu hết các yếu tố nguy cơ này đã được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ hơn là do di truyền. Các yếu tố rủi ro bao gồm:
Nhiễm virus HPV
HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục, các chủng HPV dễ gây ung thư cổ tử cung nhất được cho biết là chủng 16 và 18, chiếm tới 70% các ca ung thư cổ tử cung do HPV.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Mụn rộp sinh dục, chlamydia cũng liên quan đến việc nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng cao.
Hệ thống miễn dịch yếu
Khả năng miễn dịch, chống chọi với sự tấn công của virus kém là một nguy cơ khiến tế bào ung thư bùng phát.
Hệ thống miễn dịch rất quan trọng trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển và lây lan của chúng. Ở phụ nữ nhiễm HIV, tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn bình thường.
Hút thuốc lá
Hút thuốc là được chứng minh là một yếu tố nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Khói thuốc lá chứa chất độc hại được hấp thụ qua phổi và ngấm vào máu đi khắp cơ thể. Các chất này làm hỏng DNA của các tế bào cổ tử cung và có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư cổ tử cung. Hút thuốc cũng làm cho hệ thống miễn dịch kém hiệu quả hơn trong việc chống lại nhiễm trùng HPV.
Các yếu tố nguy cơ bổ sung liên quan đến tuổi tác và tiền sử cá nhân của bạn
Có các yếu tố nguy cơ khác của ung thư cổ tử cung có liên quan đến hoàn cảnh và tiền sử cá nhân của bạn. Bao gồm các:
Tuổi tác
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi từ 15 trở đi, nhưng độ tuổi phổ biến nhất có thể mắc ung thư cổ tử cung là từ 35 đến 44 tuổi.
Chăm sóc y tế
Phụ nữ sống trong khu vực dân cư có thu nhập thấp, gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thì việc sàng lọc, tầm soát ung thư có thể sẽ không được chú trọng, dẫn đến tỉ lệ ung thư cao hơn.
Lịch sử tình dục
Một số yếu tố liên quan đến vấn đề quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nguy cơ liên quan đến việc tăng khả năng tiếp xúc và lây nhiêm HPV. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung xuất phát từ vấn đề quan hệ tình dục bao gồm:
Hoạt động tình dục khi còn trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi)
Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình
Có một bạn tình được coi là có nguy cơ cao (người mang theo virus HPV gây ung thư hoặc người đó có nhiều bạn tình)
Mang thai sớm hoặc sinh nở nhiều lần
Những phụ nữ mang thai lần đầu trước 20 tuổi có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn do hệ thống sinh sản chưa hoàn thiện. Hoặc những người sinh nở nhiều lần (trên 5 lần) có nhiều nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao do tử cung có thể bị tổn thương sau các quá trình mang thai, sinh nở.
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến chế độ ăn uống và tránh thai
Một số yếu tố nguy cơ khác được cho là có liên quan đến ung thư cổ tử cung nhưng mối liên hệ không rõ ràng. Cần thêm dữ liệu để hiểu các liên kết này.
- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong thời gian dài trên 5 năm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Không ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể khiến tế bào lão hóa nhanh và gia tăng nguy cơ mắc ung thư.
Đọc thêm: Ung thư cổ tử cung có lây không?
Các triệu chứng cần quan tâm nghi ngờ ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt. Những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác, ít nghiêm trọng hơn.
Bạn nên đặt lịch hẹn để thăm khám với bác sĩ khi có một trong những dấu hiệu sau:
- Chảy máu âm đạo bất thường vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu khi giao hợp hoặc ra máu bất thường dù đã mãn kinh
- Tiết dịch âm đạo nhiều, màu xanh vàng và có mùi hôi khó chịu.
- Máu kinh quá ít hoặc quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt, có màu sắc đen sẫm
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt đến muộn hoặc các kỳ kinh nguyệt quá gần nhau.
- Đau vùng chậu hoặc lưng không rõ nguyên nhân mà không biến mất. Các cơn đau có thể âm ỉ ở bụng dưới, vùng chậu hoặc lan ra sau lưng và xuống đùi.
- Phù nề sưng ở chân do khối u chèn ép dây thần kinh.
- Đi tiểu bất thường: tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu ra máu.
Những triệu chứng kể trên cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý phụ khoa khác, để biết chính xác về chúng, bạn cần đến kiểm tra tại cơ sở y tế.
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung không?
Căn cứ vào những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ung thư cổ tử cung kể trên, bạn có thể làm gì để ngăn ngừa chúng thúc đẩy những mầm mống ung thư phát triển. Sau đây là những việc bạn có thể chủ động thực hiện để làm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung:
Tiêm vắc xin HPV
Tiêm chủng ngừa HPV là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. Lưu ý rằng, tiêm chủng ngừa HPV nên được thực hiện sớm, trước 26 tuổi để đạt được kết quả phòng ngừa tốt nhất.
Khám sàng lọc thường xuyên
Phụ nữ tuổi 21 trở đi đã có thể bắt đầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, cụ thể như sau:
- Phụ nữ từ 21-29 tuổi nên thực hiện xét nghiệm PAP (phát hiện tế bào bất thường) định kỳ 3 năm/lần.
- Phụ nữ từ 30-65 tuổi có thể thực hiện xét nghiệm PAP 3 năm/lần hoặc xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV 5 năm/lần.
- Thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh bao gồm:
- Quan hệ tình dục an toàn, phòng chống lây nhiễm bệnh đường tình dục bằng các biện pháp như dùng bao cao su, không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, phòng ngừa mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, chống chọi với bệnh tật.
- Chế độ ăn uống cân đối dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với các tác nhân gây bệnh.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá, dùng chất kích thích để bảo vệ cơ thể, nâng cao tuổi thọ.
Đọc thêm: Ung thư cổ tử cung di căn điều trị thế nào?
Như vậy, ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thường không đến từ yếu tố di truyền mà phụ thuộc rất nhiều vào thói quen, lối sống của chúng ta. Hi vọng, qua bài viết này, bạn có thể nắm được các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp ngay từ bây giờ. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!