Ung thư cổ tử cung có chữa được không là nỗi lo lắng của nhiều chị em phụ nữ khi mắc phải căn bệnh này. Thực ra, ung thư cổ tử cung có chữa được hay không phụ thuộc vào dấu hiệu, giai đoạn của bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây, để chị em có được cái nhìn tổng quan nhất.
Mục lục
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Việc nhiễm phải virus HPV là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, không phải chủng virus HPV nào cũng có khả năng gây ung thư. Thực tế, ung thư cổ tử cung thường gặp ở những chị em nhiễm phải virus HPV type 16 hoặc HPV type 18. Con đường lây truyền virus HPV có thể gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Đây là con đường chủ yếu lây truyền virus HPV và làm tăng khả năng mắc phải ung thư cổ tử cung cho chị em. Virus HPV có thể lây truyền bất kể các hình thức, bao gồm quan hệ tình dục đường đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn.
- Qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da, niêm mạc chứa virus: HPV cũng có thể lây truyền qua việc tiếp xúc giữa vùng da, niêm mạc của những người khỏe mạnh với vùng da, niêm mạc của người đã nhiễm bệnh.
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người mắc: Tuy tỷ lệ lây truyền qua con đường này khá thấp nhưng vẫn có trường hợp xảy ra. Việc sử dụng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus HPV như: khăn mặt, khăn tắm, quần áo, bàn chải đánh răng,… cũng có thể khiến cho chị em bị nhiễm phải HPV dẫn tới tình trạng ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khiến chị em có nguy cơ cao hơn bị ung thư tử cung như:
- Quan hệ tình dục từ quá sớm.
- Mắc phải các bệnh gây tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Nhận ghép nội tạng.
- Do thói quen hút thuốc lá.
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Lạm dụng quá nhiều các loại thuốc tránh thai.
Có thể bạn quan tâm: Ung thư tử cung có sinh con được không?
Những giai đoạn phát triển ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung phát triển theo 5 giai đoạn, từ giai đoạn nhẹ tới nặng như sau:
1- Giai đoạn 0 (ung thư biểu mô tại chỗ)
Đây là giai đoạn sớm nhất, lúc này, người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào rõ rệt, những tế bào bất thường mới bắt đầu xuất hiện ở trong lớp lót bề mặt cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống dưới các mô chính và cũng chưa di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể.
2- Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này, những tế bào ung thư bắt đầu phát triển đến các mô chính của cổ tử cung. Tuy nhiên, các khối u vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết xung quanh và chưa xâm lấn đến các cơ quan, bộ phận ở xa.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn này còn có thể được chia nhỏ thành 2 giai đoạn:
- IA: Là giai đoạn mà tế bào ung thư vừa mới hình thành, chỉ tồn tại ở bề mặt niêm mạc cổ tử cung, chỉ có thể nhìn thấy ở dưới kính hiển vi.
- IB: Các tế bào ung thư đã nhân lên nhiều hơn, lan rộng ra ngoài hơn 5mm nhưng nó vẫn nằm trong cổ tử cung.
Xem chi tiết: Dấu hiệu nhân biết ung thư tử cung giai đoạn đầu
3- Giai đoạn 2
Giai đoạn này, các khối ung thư bắt đầu phát triển ra ngoài cổ tử cung nhưng vẫn chưa lan qua thành tử cung, chưa xâm lấn các hạch bạch huyết lân cận, các bộ phận, cơ quan xa khác.
4- Giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, các tế bào ung thư bắt đầu phát triển nhanh, đã xâm lấn đến các thành khung chậu, các mô xung quanh cổ tử cung, phần dưới âm đạo. Thậm chí, những khối u này còn có thể che tắc niệu quản. Người bệnh nên kiểm tra xem các hạch bạch huyết xung quanh đã bị khối u xâm lấn hay chưa.
5- Giai đoạn 4
Là giai đoạn phát triển cuối cùng và cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư cổ tử cung. Lúc này, các khối u đã lan ra ngoài vùng chậu, xâm lấn đến các cơ quan, bộ phận xung quanh như: trực tràng, bàng quang, hoặc di căn đến phổi, gan, xương,…
Có thể bạn quan tâm: Ung thư tử cung giai đoạn cuối mà những mối nguy hiểm lớn
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm như thế nào?
Sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào mức độ tiến triển, độ lan rộng của các tế bào ung thư cũng như các phương pháp điều trị. Sau đây là các biến chứng hay gặp nhất của căn bệnh này:
1- Mãn kinh sớm
Khi bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng, xạ trị tác động, họ thường tiến đến thời kỳ mãn kinh sớm hơn.
Mãn kinh sớm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình của chị em. Bởi chị em sẽ gặp phải những vấn đề như: khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện không kiểm soát, đổ mồ hôi ban đêm, loãng xương, tâm trạng thất thường,…
2- Âm đạo bị thu hẹp
Việc chị em phải xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần âm đạo khi điều trị ung thư cổ tử cung khiến cho chị em gặp nhiều khó khăn trong việc quan hệ tình dục, ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng.
3- Bị vô sinh
Những trường hợp chị em phát hiện muộn ung thư cổ tử cung thường đều phải điều trị bằng phương pháp cắt bỏ tử cung, các cơ quan vùng chậu, hóa xạ trị… nên chị em sẽ mất khả năng sinh con. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến hạnh phúc và cuộc sống sau này của chị em.
4- Phù bạch huyết
Biến chứng này xảy ra khi những tế bào ung thư cổ tử cung đã di căn đến hạch bạch huyết, cần phẫu thuật cắt bỏ. Điều này phá vỡ hoạt động của hạch bạch huyết, khiến cho chất lỏng trong mô bị tích tụ gây tình trạng phù bạch huyết. Chân là bộ phận chịu ảnh hưởng dễ thấy nhất, dễ bị sưng to, ảnh hưởng đến hoạt động và gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
5- Đau đớn dữ dội
Khi ung thư mới đang phát triển ở khu vực tử cung, cổ tử cung, bệnh nhân chỉ bị đau bụng, đau vùng chậu. Song nếu những tế bào ung thư di căn đến đầu các dây thần kinh, xương, cơ bắp thì những cơn đau dữ dội chính là điều bệnh nhân phải đối mặt.
6- Bị suy thận
Khi các khối u ung thư lớn, sẽ chèn ép niệu quản, ngăn chặn đường tiểu khiến nước tiểu tích tụ trong thận, làm cho thận sẽ bị sưng, căng. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể làm mất hoàn toàn chức năng thận. Suy thận gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, mà các triệu chứng thường gặp là: mệt mỏi, tiểu ra máu, phù chân, phù toàn thân,…
7- Hình thành cục máu đông
Ung thư cổ tử cung làm tăng độ nhớt của máu, gây hình thành cục máu đông, nếu hình thành ở chân sẽ gây ra những triệu chứng như: đỏ da, đau, sưng chân, nặng hơn nếu chặn hoàn toàn máu nuôi có thể dẫn đến hoại tử.
Ngoài ra, nếu cục máu đông hình thành ở những đường máu nuôi cơ quan khác như: phổi, thận,… có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được can thiệp loại bỏ sớm.
8- Chảy máu nội tạng
Khi tế bào ung thư di căn đến bàng quang, ruột, trực tràng, âm đạo… tình trạng chảy máu trong có thể xảy ra, nếu không được khắc phục sẽ khiến sức khỏe bệnh nhân ngày một suy yếu, mệt mỏi, sụt cân.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa được không?
Ung thư cổ tử cung có thể chữa được không?
Hiện nay, với nền y khoa ngày càng tiên tiến, hiện đại, bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Phát hiện bệnh càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi (sống khỏe mạnh trên 5 năm), khả năng bảo tồn được chức năng sinh sản càng cao. Còn nếu bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, rất khó để chữa trị.
- Giai đoạn tại chỗ (insitu): Phát hiện bệnh sớm, được điều trị tích cực bởi các chuyên gia, lúc này cơ hội sống của bệnh nhân trên 5 năm có thể lên đến 96%.
- Giai đoạn 1: Tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân giảm còn 80 – 90%.
- Giai đoạn 2: Khả năng sống sót trên 5 năm của bệnh nhân chỉ còn 50 – 60%.
- Giai đoạn 3: Chỉ còn khoảng 25 – 35% cơ hội để bệnh nhân có thể sống trên 5 năm.
- Giai đoạn 4: Khả năng sống sót trên 5 năm chỉ còn dưới 15%.
- Trên 90% bệnh khi tái phát di căn xa sẽ gây tử vong cho bệnh nhân trong vòng 5 năm.
Như vậy, tình trạng ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu chị em phát hiện bệnh sớm, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Chính vì vậy, chị em cần thực hiện các biện pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa để phát hiện và điều trị kịp thời.
Bị bệnh ung thư cổ tử cung liệu sống được bao lâu?
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà bệnh diễn tiến một cách âm thầm. Bắt đầu từ lúc bệnh nhân bị nhiễm virus HPV, gây ra những triệu chứng bất thường cho các tế bào cổ tử cung, dẫn đến tổn thương tiền ung thư rồi tới giai đoạn ung thư, thời gian thường kéo dài khoảng 10 – 15 năm. Nếu quá trình tiến triển này được phát hiện kịp thời thì các bác sĩ có thể tiến hành điều trị, ngăn ngừa ung thư phát triển, di căn đến các bộ phận khác. Do đó, bệnh ung thư cổ tử cung có thể sống được bao lâu là tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn
1- Giai đoạn tiền ung thư
Giai đoạn này, các tế bào bất thường mới chỉ mới xuất hiện ở mô lót cổ tử cung, do đó, tùy theo độ tuổi và mong muốn có con của người bệnh mà có thể lựa các phương pháp điều trị khác nhau như: LEEP, khoét chóp, cắt cụt cổ tử cung. Với những người bệnh lớn tuổi hoặc những người bệnh không muốn có con nữa, có thể sử dụng phương pháp cắt bỏ tử cung để bảo tồn buồng trứng.
2- Giai đoạn I
Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung, hoặc có thể sử dụng phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, sau phẫu thuật có thể để lại sẹo ở cổ tử cung, gây ảnh hưởng đến quá trình gặp nhau và thụ thai giữa trứng và tinh trùng.
Trường hợp cổ tử cung bị cắt bỏ quá nhiều mô, chị em phụ nữ có nguy cơ bị sảy thai khi mang thai.
3- Giai đoạn II – III
Giai đoạn này, các tế bào ung thư đã xâm lấn sâu đến âm đạo, lan rộng ra khắp vùng thành chậu, do đó, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là kết hợp xạ trị và hóa trị, nhưng phương pháp này không thể bảo tồn chức năng sinh sản.
4- Giai đoạn IV
Giai đoạn này, do các tế bào ung thư đã lan rộng,di căn đến khắp các cơ quan khác trong cơ thể nên việc điều trị ở giai đoạn này khá phức tạp, tốn kém nhiều chi phí, nhưng chỉ để giảm thiểu các triệu chứng, kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh.
Qua những thông tin trên, chị em có thể thấy rằng ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi nếu phát hiện, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ của bác sĩ. Do đó, chị em nên chủ động đến các bệnh viện, các cơ sở y tế uy tín để tầm soát định kỳ nhằm sớm phát hiện ra bệnh nhé.