Viêm cổ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, bệnh không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng nhiều phương pháp. Vậy ngoài biện pháp y khoa, liệu chị em phụ nữ có thể áp dụng các cách trị viêm cổ tử cung tại nhà hay không? Hãy cùng làm rõ qua bài viết này nhé!
Mục lục
Viêm cổ tử cung ở mức độ nào có thể điều trị tại nhà?
Viêm cổ tử cung thường tiến triển từ giai đoạn nhẹ đến nặng nếu không được kiểm soát ở thời điểm sớm. Vì vậy tương ứng với từng mức độ của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Một số giải pháp được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Uống thuốc kháng sinh
- Uống thuốc giảm đau, kháng viêm
- Đốt điện
- Chiếu laser
- Áp lạnh
Ngoài ra, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng các loại thảo dược sẵn có để giảm triệu chứng bệnh ở giai đoạn nhẹ. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và ít chịu tác dụng phụ như khi uống thuốc hay đốt điện.
Tuy nhiên, nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng, các phương pháp tại nhà chỉ được khuyên dùng như một liệu pháp điều trị kết hợp, không phải là liệu pháp chính. Quan trọng hơn hết, việc bắt đầu điều trị bằng phương pháp nào cũng cần được hỏi qua ý kiến từ bác sĩ để tránh tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Các phương pháp chữa viêm cổ tử cung tại nhà
Probiotics
Probiotic (hay lợi khuẩn) là những vi sinh vật sống mà khi bổ sung vào cơ thể một lượng vừa đủ sẽ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe cho người sử dụng. Trong môi trường âm đạo, lợi khuẩn đóng vai trò cân bằng hệ vi sinh và bảo vệ “vùng kín” khỏi nguy cơ viêm nhiễm do hại khuẩn gây ra. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng kích thích niêm mạc âm đạo sản sinh IgA ngăn ngừa virus, hại khuẩn gây viêm nhiễm.
Vì vậy, tăng cường Probiotic cũng có tác dụng giúp bạn khắc phục tình trạng viêm cổ tử cung. Để bổ sung lợi khuẩn này vào cơ thể, bạn có thể:
- Ăn các thực phẩm giàu Probiotic như sữa chua, kim chi, dưa cải bắp, nấm sữa Kefir,…
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung chế phẩm Probiotic theo liều lượng phù hợp
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng Probiotic chỉ đem lại lợi ích nếu được cơ thể tiêu thụ ở mức vừa phải. Trong trường hợp bổ sung quá nhiều, hệ vi sinh trong đường ruột bị mất cân bằng sẽ gây ra chứng rối loạn tiêu hoá.
Tỏi
Từ lâu, tỏi được xem là vị thuốc quý với hoạt tính kháng khuẩn cao cùng khả năng chống lại nhiễm trùng. Trong y học cổ truyền, tỏi có tính ấm và vị cay có thể đi vào kinh Can và kinh Vị để sát trùng, tiêu độc, chống viêm, đặc biệt là viêm nhiễm phụ khoa.
Để trị viêm tử cung tại nhà bằng tỏi, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu gồm 4-5 tép tỏi và 1 ly nước ấm. Trước tiên, mang tỏi đã bóc vỏ và rửa sạch cho vào máy xay, ép chặt thu lấy nước cốt. Pha nước cốt tỏi cùng ly nước ấm đã chuẩn bị. Sau đó dùng hỗn hợp này vệ sinh âm đạo 2 lần mỗi ngày. Kiên trì 1 tuần, bạn sẽ thấy triệu chứng viêm nhiễm thuyên giảm.
Do tỏi có tính cay nên với da nhạy cảm và dễ kích ứng, bạn cần lưu ý rửa lại ngay bằng nước sạch nếu thấy “vùng kín” có biểu hiện nóng rát. Ngoài ra nếu không rửa trực tiếp bằng nước tỏi được, chị em có thể đổi sang phương pháp xông hơi tỏi cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Ngâm nước muối ấm
Một cách chữa viêm cổ tử cung hiệu quả cũng được nhiều chị em áp dụng chính là ngâm “vùng kín” trong nước muối ấm. Muối với khả năng sát trùng có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, kết hợp với hơi nóng từ nước cũng giúp bạn làm dịu đi vết sưng tấy.
Để thực hiện, trước tiên bạn cho 1-2 muỗng cà phê muối vào thau nước ấm rồi khuấy đều để muối tan hết. Sau đó nhẹ nhàng ngồi vào thau trong tư thế dang rộng hai chân. Ngâm “vùng kín” trong thời gian 10-15 phút rồi dùng khăn mềm sạch lau khô lại là hoàn thành. Với phương pháp này, bạn cần lưu ý không cho xà phòng hoặc tinh dầu vào thau để tránh khiến cổ tử cung kích ứng thêm.
Giấm táo
Giấm táo chứa nhiều enzym và lợi khuẩn mang lại tác dụng tích cực trong điều trị bệnh phụ khoa. Một số thành phần có lợi từ giấm táo có thể kể đến như rutin, axit axetic,… mang lợi ích kháng viêm, diệt khuẩn, cải thiện sức đề kháng. Bên cạnh đó, giấm táo còn giúp âm đạo khôi phục độ pH ở trạng thái bình thường, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây hại.
Để khắc phục tình trạng viêm nhiễm “vùng kín” bằng giấm táo, bạn có thể bổ sung chúng vào món ăn hằng ngày. Ngoài ra, có thể pha loãng giấm táo để uống theo công thức 1-2 muỗng cà phê giấm táo pha cùng 200ml nước. Nếu bếp nhà có sẵn mật ong, chị em pha thêm để nước giấm táo tăng hương vị và bổ sung hoạt tính kháng khuẩn.
Lá trầu không
Lá trầu không chứa lượng polyphenol và chavicol lớn có tác dụng kháng viêm, đặc biệt hữu ích trong điều trị viêm cổ tử cung. Cụ thể, loại lá này giúp chữa lành các vết thương viêm, tiêu diệt tác nhân gây bệnh như virus, nấm, đồng thời giảm đau và giảm hiện tượng ướt át ở cửa âm đạo.
Để thực hiện, bạn làm theo các bước sau:
- Ngâm 5-10 lá trầu không đã rửa sạch vào nước muối loãng
- Cho lá trầu vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước trong khoảng thời gian 15 phút
- Đổ nước ra chậu, thêm ít muối và bắt đầu đưa “vùng kín” vào xông hơi
- Đến khi nguội, bạn dùng nước rửa bên ngoài “vùng kín”, lưu ý không thụt sâu vào trong
- Thực hiện phương pháp này từ 2-3 lần mỗi tuần đến khi thấy các triệu chứng đã được cải thiện
Tinh dầu cây trà
Tinh dầu cây trà chứa các chất Gamma-terpinene, alpha-terpinene, terpinen-4-ol,… có công dụng ức chế vi khuẩn và kháng nấm mạnh nên thường được áp dụng như một phương pháp để khắc phục tình trạng viêm nhiễm cổ tử cung.
Muốn đạt hiệu quả cao nhất, chị em cần lưu ý pha loãng tinh dầu cây trà trong một loại dầu nền (dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu ô liu) để tránh tình trạng sử dụng trực tiếp gây bỏng da non. Ngoài ra, bạn cần lựa chọn tinh dầu chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để tránh việc “tiền mất tật mang”, nhất là khi để tinh dầu tiếp xúc vào khu vực nhạy cảm của cơ thể.
Để thực hiện, bạn tiến hành theo các bước sau:
- Trộn 5-10 giọt tinh dầu trong 30ml dầu nền
- Ngâm tampon vào dung dịch rồi cho vào âm đạo
- Nếu cảm thấy bị kích ứng hoặc khó chịu, chị em nên rút tampon ra ngay và rửa lại bằng nước sạch. Trong trường hợp cảm thấy thoải mái, giữ tampon trong “vùng kín” khoảng 1 giờ rồi rút ra.
- Thực hiện cách làm này 2-3 lần mỗi ngày đến khi cảm thấy triệu chứng thuyên giảm.
Ngoài ra, bạn có thể trộn thêm 2 muỗng cà phê mật ong vào hỗn hợp trên để tăng thêm công dụng diệt khuẩn. Với cách làm này, thời gian đặt tampon vào âm đạo rút ngắn còn 30 phút. Chị em nên lưu ý thời gian cho mỗi phương pháp để thực hiện đúng.
Với những cách trị viêm cổ tử cung tại nhà được gợi ý trên đây, hi vọng chị em có thể chọn được cho mình giải pháp thuận tiện nhất để khắc phục tình trạng viêm nhiễm nơi “cô bé” của mình. Tuy nhiên để đảm bảo tính an toàn, cũng như đánh giá mức độ phù hợp của cơ thể với từng phương pháp, bạn nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ để thực hiện đúng cách, trị đúng bệnh và trả về kết quả đúng như kỳ vọng.