Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính nguy hiểm đối với nữ giới bởi tỉ lệ tử vong do bệnh gây ra rất cao. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm thế giới có tới 500.000 ca mắc ung thư cổ tử cung và tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%, một con số đáng sợ. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể điều trị và kiểm soát nếu như phát hiện sớm, sau đây sẽ là những thông tin quan trọng nhận biết tiền ung thư cổ tử cung ở nữ giới, các bạn quan tâm nên theo dõi:
Mục lục
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xảy ra tại các tế bào của cổ tử cung nằm ở phần dưới của tử cung- nơi tử cung thông với âm đạo. Các tế bào của lớp mô ở phần tiếp giáp tử cung và âm đạo xảy ra sự tăng trưởng bất thường, nhân lên không kiểm soát và hình thành các khối u tại khu vực này, các khối u lớn dần lên theo các giai đoạn, tế bào ung thư xâm lấn và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới là loại virus thường gặp mang tên HPV (Human Papillomavirus) với rất nhiều chủng, trong đó có một số chủng sinh ung thư hoặc có nguy cơ cao sinh ung thư bởi chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm dai dẳng mãn tính và nếu đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến bệnh ác tính.
Theo Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Trong đó hai chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%.
Biến chứng ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu như không phát hiện và chữa trị sớm. Những biến chứng nguy hiểm mà ung thư cổ tử cung gây ra có thể là suy thận do khối u chèn ép, ảnh hưởng đến niệu đạo; sưng phù chân do phù hạch bạch huyết sau khi phải cắt bỏ các hạch bạch huyết trong khung chậu; tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể nguy hại đến tính mạng.
Khi bệnh ung thư cổ tử cung phát triển đến giai đoạn nặng, bạn có thể phải đối mặt với các biện pháp xạ trị hoặc cắt bỏ tử cung và buồng trứng dẫn đến mất khả năng sinh sản. Việc điều trị hóa chất gây nguy cơ suy giảm nội tiết tố dẫn đến mãn kinh sớm, bất lợi cho đối tượng bệnh nhân tuổi còn trẻ và vẫn có nhu cầu sinh con.
Như vậy ung thư cổ tử cung có thể gây ra những hậu quả suy giảm sức khỏe lớn đối với phụ nữ, thậm chí đe dọa tính mạng. Kéo theo đó là gánh nặng tâm lý, hiện tượng rối loạn cảm xúc của chị em khi mang trong mình căn bệnh ác tính. Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung cũng tạo ra gánh nặng kinh tế cho việc điều trị của người bệnh, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, làm việc bình thường.
Tìm hiểu về giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thầm lặng, quá trình diễn biến có thể kéo dài trong tới 15 năm và không có nhiều biểu hiện rõ rệt trong thời gian đầu.
Ung thư cổ tử cung thường phát triển qua 4 giai đoạn chính gồm có: tiền ung thư cổ tử cung hay ung thư biểu mô tại chỗ; tiếp đến là ung thư cổ tử cung giai đoạn I khi tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn; sau đó là giai đoạn II-III khi khối u đã lớn và lan ra khu vực xung quanh; cuối cùng là giai đoạn di căn của tế bào ung thư- giai đoạn IV.
Tiền ung thư cổ tử cung là khi các tế bào bất thường đã xuất hiện trên lớp bề mặt của cổ tử cung, tuy nhiên chưa ăn sâu xuống lớp mô bên dưới và sinh sôi.
Dấu hiệu tiền ung thư cổ tử cung
Trong các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung, tiền ung thư cổ tử cung là khó phát hiện nhất khi không có triệu chứng gì rõ rệt.
Ở một số người, bệnh có thể biểu hiện sớm bằng các dấu hiệu sau:
- Chảy máu âm đao bất thường: Hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường không lý do, chảy máu sau khi giao hợp, lượng máu ít dù không bị đau bụng hoặc đau lưng
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Đây có thể là một trong những dấu hiệu sớm của tiền ung thư cổ tử cung bạn cần chú ý.
- Gặp các vấn đề khi đi tiểu như tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài
- Thường xuyên đau vùng chậu: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy các cơn đau vùng bụng dưới, lan dần ra sau lưng hoặc xuống chân, hãy cẩn thận bởi có thể là triệu chứng gây ra do ảnh hưởng của tình trạng bất thường ở cổ tử cung.
Tuy nhiên, phần đông phụ nữ không có đủ các dấu hiệu trên nhưng cũng đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và chỉ phát hiện khi đi khám sàng lọc và làm các xét nghiệm phụ khoa.
Tiền ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi không?
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bất thường, càng phát hiện sớm, tỉ lệ điều trị hồi phục càng cao.
Đối với giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung, việc phát hiện điều trị sớm có thể tăng tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 96%. Nếu để các khối u phát triển đến giai đoạn 2-3 thì khả năng sống sau 5 năm chỉ còn 56% và khi ung thư di căn sang các bộ phận khác thì cơ hội sống sót sau 5 năm chỉ còn 17%.
Như vậy, việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là chìa khóa để duy trì cuộc sống của bạn nếu như bạn đang mang trong mình mầm mống căn bệnh này. Cách tốt nhất để phát hiện bệnh là không chờ các dấu hiệu biểu hiện rõ rệt ra ngoài mới đi khám chữa, bạn cần chủ động tầm soát chúng bằng cách đi khám phụ khoa định kỳ và yêu cầu khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Tìm hiểu về: Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Các biện pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung thường được áp dụng bao gồm:
Sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear, tùy theo chỉ định của bác sĩ), và xét nghiệm HPV tùy vào từng trường hợp.
Các phương pháp xét nghiệm này dựa trên mẫu tế bào lấy được từ cổ tử cung để phân tích và kiểm tra mức độ hiện diện của các tế bào bất thường và các chủng HPV gây ung thư.
Các bạn nữ từ 21-29 tuổi nên thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/lần. Các chị em lớn tuổi hơn từ 30-49 tuổi nên làm sàng lọc HPV và Pap đồng thời sau mỗi 3 năm hoặc 5 năm.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung
Để hiểu về căn bệnh ung thư cổ tử cung và có thể ngăn ngừa nó xảy ra, bạn cần biết được những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo các chuyên gia, một người bình thường có thể bị ung thư cổ tử cung nếu như:
Quan hệ với nhiều bạn tình: Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV chủng ung thư. HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và đương nhiên sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
Mang thai và sinh nở nhiều lần: Việc mang thai khi còn quá trẻ trước 17 tuổi hoặc sinh con quá 5 lần khiến cổ tử cung bị tổn thương, các tế bào bình thường dễ chuyển biến thành tế bào ung thư.
Suy giảm hệ miễn dịch: Các con số thống kê của tổ chức Y tế thế giới cho hay có ít nhất 50% dân số nữ trên thế giới từng nhiễm HPV một lần trong đời. Khi loại virus này tấn công, đặc biệt là các chủng gây ung thư, hệ miễn dịch của cơ thể có cơ chế đẩy lùi virus tự nhiên. Tuy nhiên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, virus có hại sẽ tấn công và làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Các thói quen xấu khác:
Hút thuốc lá luôn nằm trong “top” những nguy cơ gây ra các căn bệnh ung thư ác tính như ung thư phổi, ung thư cổ tử cung… Thuốc là chứa nicotin có khả năng đầu độc tế bào, khiến các tế bào hoạt động bất thường, đồng thời làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng phụ khoa diễn ra thường xuyên và kéo dài. Khi các tế bào bị tổn thương lâu dài, hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm cũng là lúc các tế bào ung thư xuất hiện.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiêm vắc xin phòng HPV: Có thể nhiều người đã biết đến khái niệm tiêm phòng ung thư cổ tử cung, nhưng bản chất của loại tiêm phòng này là dùng vắc xin để bảo vệ cơ thể khỏi một số chủng virus sinh u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus).
Vắc xin HPV chỉ có tác dụng phòng chống ung thư cổ tử cung khi chúng được tiêm trước giai đoạn tiền ung thư. Độ tuổi nữ giới cần tiêm vắc xin được khuyến cáo là 9-26 tuổi, không quan trọng việc đã quan hệ tình dục hay chưa.
Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ, luôn giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ là những thói quen tốt, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.