Viêm vùng chậu ở nữ giới chỉ chung cho tình trạng viêm nhiễm tại các bộ phận của cơ quan sinh dục nữ như tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, vòi và ống dẫn trứng. Tác nhân chính gây viêm vùng chậu là hai bệnh lây truyền đường tình dục: bệnh lậu và chlamydia. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào âm đạo, sẽ di chuyển lên tử cung, tới buồng trứng và ống dẫn trứng. Tại đây, chúng tạo ra các ổ viêm, nặng hơn sẽ gây áp xe ống dẫn trứng và buồng trứng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
❎ Xem chi tiết các triệu chứng của viêm vùng chậu trong bài viết này: Mọi điều bạn cần biết về viêm vùng chậu ở nữ giới
Mục lục
Chẩn đoán bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu có các biểu hiện triệu chứng ra ngoài không rõ ràng, rất khó để kết luận nếu chỉ khám lâm sàng. Để chẩn đoán bệnh, thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quan. Bạn sẽ được hỏi về các biểu hiện bệnh, lượng dịch tiết âm đạo, tiền sử bệnh lý và việc sinh hoạt tình dục.
Sau đó thực hiện một số xét nghiệm liên quan đến bệnh tình dục chlamydia, lậu kết hợp xét nghiệm máu, xét nghiệm nhiễm trùng đường tiết niệu, nội soi hoặc siêu âm đầu dò qua âm đạo.
Thông qua việc chẩn đoán để phát hiện người mắc bệnh viêm vùng chậu, bệnh đang ở giai đoạn nào và đưa ra phương hướng điều trị.
Điều trị viêm vùng chậu bằng thuốc gì?
Bệnh viêm vùng chậu nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi hẳn. Hiện nay có các phương pháp điều trị bệnh sau:
- Điều trị nội khoa: sử dụng thuốc theo chỉ định hiện là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Phương pháp này có ưu điểm là hiệu quả nhanh, thuận tiện và giá cả hợp lý.
- Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật là một biện pháp hiệu quả cao, tuy nhiên, phương pháp này thường áp dụng đối với tình trạng bệnh quá nặng. Phẫu thuật có thể gây tốn kém và để lại di chứng do hầu hết các trường hợp phẫu thuật là cắt bỏ áp xe, chọc hút dịch.
Chính vì vậy, bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu phương pháp điều trị viêm vùng chậu bằng nội khoa – điều trị bằng thuốc. Tùy vào cơ địa và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc cho từng đối tượng, đơn thuốc này có thể phù hợp với người này nhưng lại không có tác dụng với một người khác. Các loại thuốc thường dùng chữa viêm vùng chậu sẽ được giới thiệu sau đây.
Thuốc giảm đau
Bệnh viêm vùng chậu thường đi kèm triệu chứng đau, tùy theo mức độ và giai đoạn bệnh, cơn đau có thể âm ỉ, đau tăng dần, đau dữ dội.
Điều trị giảm đau kết hợp kháng viêm làm tình trạng bệnh không quá phát, thuyên giảm cơn đau khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, bớt stress do đau đớn.
Các loại thuốc giảm đau thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp đau do viêm vùng chậu, đau bụng kinh..thuộc nhóm Acetaminophen hay floctafenine.
Thuốc Acetaminophen hay chính là paracetamol là thuốc giảm đau có hạ sốt, chỉ định cho trường hợp đau và sốt nhẹ đến vừa
Liều dùng: Acetaminophen dạng viên nén giải phóng kéo dài 650mg, dùng 1,3g cách nhau 8 tiếng nếu cần, không dùng quá 3,9 g/ ngày
Thuốc floctafenine là dòng thuốc giảm đau không có tác dụng hạ sốt và kháng viêm, điều trị các tình huống đau cấp tính hoặc mãn tính.
Liều dùng: Floctafenine dạng viên nén 200mg, dùng 400mg/lần cách nhau 6-8h
Thuốc giảm đau được khuyến cáo không sử dụng liên tục quá 10 ngày, lạm dụng thuốc quá liều sẽ gây biến chứng nguy hiểm liên quan tới gan.
Thuốc giảm đau thường có hiệu quả giảm đau tức thời, tuy nhiên có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như:
- Nổi ban đỏ, mề đay
- Buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón
- Giảm đi tiểu, tiểu buốt, suy thận cấp.
Thuốc chống viêm
Bệnh viêm vùng chậu do vi khuẩn xâm nhập tạo ra các ổ viêm trong tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Thuốc chống viêm thường được chỉ định là Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib dạng uống hoặc dạng tiêm.
Liều lượng của thuốc do bác sĩ chỉ định.
Thuốc chống viêm Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm sốt mạnh. Thông qua tính ức chế hình thành chất trung gian gây viêm, chống tập kết tiểu cầu.
Chống chỉ định với bệnh nhân suy gan, suy thận, quá mẫn với thành phần của thuốc. Bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày, bị hen hoặc co thắt phế quản.
Tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống viêm giúp khoanh vùng, giảm dần quy mô ổ viêm, ngăn chặn tình trạng áp xe và tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc giảm đau, các nhóm thuốc kháng viêm cũng kèm theo rất nhiều tác dụng phụ có thể gặp.
Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm:
- Loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nôn hoặc ho ra máu. Đi ngoài phân có màu đen hoặc máu.
- Đau đầu, chóng mặt, phát ban, mẩn ngứa.
- Đau ngực, khó thở, giảm thị lực, ù tai.
Thuốc kháng sinh
Để điều trị dứt điểm bệnh viêm vùng chậu, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc tiêm, có thể kết hợp nhiều loại kháng sinh tùy theo từng cá thể.
Thuốc kháng sinh có hoạt tính kháng khuẩn, đặc trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, tùy từng trường hợp người bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Kháng sinh là loại thuốc không được tự ý sử dụng, và không được ngưng dùng thuốc khi chưa hết liệu trình để tránh phản tác dụng, bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
Nhóm kháng sinh phổ biến điều trị viêm vùng chậu có beta lactam, macrolid, ngoài ra, hai nhóm thuốc này còn được chỉ định trong điều trị các bệnh lý viêm phụ khoa khác, viêm đường tiết niệu.
Nhóm Beta-lactam là một họ kháng sinh rất lớn, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng beta-lactam, liên kết hình thành các phân nhóm kháng sinh lớn: nhóm penicilin, nhóm cephalosporin và các beta-lactam khác. Các nhóm kháng sinh này đều có phổ kháng khuẩn rộng, hiệu quả cao trong điều trị viêm nhiễm mức độ nặng.
Nhóm Macrolid là nhóm thuốc kháng sinh có vòng lacton từ 12 – 17 nguyên tử cacbon hay được dùng trong điều trị với tên thuốc là erythromycin. Dùng thuốc Macrolid trong điều trị thay thế penicilin do vi khuẩn kháng thuốc.
Thuốc kháng sinh gần như được chỉ định bắt buộc trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn do cơ chế hoạt động tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả và tận gốc của nó.
Tuy nhiên chúng cũng gây không ít tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải gồm:
- Dị ứng do quá mẫn kháng sinh gây nổi mẩn, ngứa, phát ban
- Sốt, buồn nôn, tiêu chảy
- Phản ứng phản vệ có thể gây tử vong
Biến chứng của viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ có thể gây ra các di chứng rất nghiêm trọng và kéo dài, bao gồm:
- Vô sinh, hiếm muộn: Đây là biến chứng phổ biến dễ gặp phải. Viêm vùng chậu ở phụ nữ nếu điều trị không tốt, có thể bị tái phát, khiến ống dẫn trứng bị tổn thương và để lại sẹo. Vết sẹo nghiêm trọng có thể làm tắc ống dẫn trứng khiến trứng và tinh trùng không thể thụ tinh. Vì vậy cần điều trị dứt điểm bệnh viêm vùng chậu, nếu không, nguy cơ bị vô sinh sẽ ngày càng cao.
- Mang thai ngoài tử cung: Các vết sẹo trên ống dẫn trứng hoặc buồng trứng có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh về làm tổ ở tử cung. Khi đó trứng đã thụ tinh sẽ phát triển thành thai ngay tại buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Tình trạng này gọi là mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm. Bởi thai ngoài tử cung càng phát triển thì nguy cơ xuất huyết hoặc vỡ ống dẫn trứng càng cao. Trường hợp này rất nguy kịch, cần phẫu thuật cấp cứu kịp thời, nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong.
- Đau vùng chậu mãn tính: Bệnh viêm vùng chậu tạo ra các vết sẹo trong vùng chật, gây đau mỗi lần đến kỳ rụng trứng hoặc kinh nguyệt, kéo dài trong nhiều năm, khiến tâm lý người bệnh mệt mỏi, lo lắng.
- Áp xe buồng trứng, vòi trứng: Vi khuẩn hoạt động mạnh mẽ gây viêm nặng hơn, sẽ hình thành các khối áp xe có thể chứa dịch mủ. Trường hợp này có thể phải phẫu thuật hoặc chọc hút khối áp xe.
Cách phòng ngừa viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu cũng như các bệnh khác, khi mắc phải khiến chất lượng cuộc sống giảm sút, đau đớn, mệt mỏi và tốn kém trong điều trị. Vì vậy để tránh khỏi những phiền toái do bệnh gây ra, tốt nhất, chị em nên biết cách làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các lưu ý để phòng tránh viêm vùng chậu, bao gồm:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, ngay cả khi đã áp dụng biện pháp phòng tránh thai. Bao cao su giúp ngăn ngừa bệnh tình dục và vi khuẩn bệnh tình dục xâm nhập.
- Không nên quan hệ với nhiều bạn tình, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tình dục gây viêm vùng chậu.
- Không nạo hút, phá thai.
- Tránh thụt rửa âm đạo.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín, sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, đặc biệt đối với phụ nữ mới sinh nở.
Trên đây, chúng tôi đã đưa ra các thông tin về thuốc điều trị bệnh viêm vùng chậu và các biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Tất cả các thông tin trong bài viết đều mang tính chất tham khảo. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường liên quan đến các vấn đề phụ khoa, chị em nên đi khám sớm nhất có thể để được phát hiện và điều trị. Trường hợp mắc bệnh, chị em cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để bệnh mau khỏi và nhanh chóng hồi phục.
→ Tham khảo thêm: Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm vùng chậu tại nhà