Đặt vòng là biện pháp tránh thai được nhiều chị em phụ nữ áp dụng để ngăn ngừa việc có thai ngoài ý muốn vì nó có độ an toàn cao và không ảnh hưởng đến cảm giác thật khi vợ chồng gần gũi. Tuy nhiên, việc đặt vòng có thể gây ra một vài tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt. Vậy nguyên nhân tại sao đặt vòng lại làm đảo lộn chu kỳ kinh và nên làm gì trong trường hợp này? Mời các bạn theo dõi bài viết sau đây để được giải đáp chi tiết thắc mắc.
Mục lục
- 1. Đặt vòng tránh thai là gì?
- 2. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai
- 3. Các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai
- 4. Rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai có nguy hiểm không?
- 5. Vợ chồng bao lâu được ”quan hệ”?
- 6. Cách xử lý để đặt vòng tránh thai an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
1. Đặt vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ được đặt vào cổ tử cung của các chị em. Mục đích của vòng tránh thai này là ngăn chặn trứng được thụ tinh trong tử cung. Thời gian thích hợp để đặt vòng là sau khi sạch kinh nguyệt hoặc sau 6 tuần sinh nở. Hiệu quả tránh thai của phương pháp này có thể đạt 98%.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vòng tránh thai với cấu tạo và hình dáng khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất có vòng tránh thai chứa chất đồng và vòng tránh thai nội tiết.
- Vòng tránh thai chứa chất đồng: là vòng tránh thai chứa các ion đồng được giải phóng trong tử cung, làm thay đổi con đường di chuyển của các tinh trùng và dịch tiết âm đạo.
- Vòng tránh thai nội tiết: là vòng tránh thai làm cho chất nhầy cổ tử cung đặc lại khiến cho tinh trùng khó di chuyển qua để kết hợp với trứng tạo thành hợp tử. Đây là loại vòng tránh thai hiện đại và mạng lại hiệu quả cao nên được nhiều chị em áp dụng.
2. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai
Rối loạn kinh nguyệt là một trong những ảnh hương phổ biến mà nhiều chị em gặp phải sau khi đặt vòng. Theo các chuyên gia y tế, việc đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt là một trong những tác dụng phụ của việc đặt vòng tránh thai. Tùy theo cơ địa của từng người mà thời gian để đảo lộn kinh nguyệt có thể khác nhau.
Sau đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai:
- Vòng tránh thai sau khi đặt vào trong tử cung sẽ làm cho các hormone nội tiết mất cân bằng, từ đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời, khi cơ thể dần dần thích ứng với vòng tránh thai đó thì chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ đều đặn trở lại.
- Do cơ địa của bạn không hợp với loại vòng tránh thai đó.
- Khi đặt vòng tránh thai vào trong tử cung có thể tạo ra phản ứng viêm niêm mạc tử cung khiến cho lớp này bong tróc chậm, dẫn đến bạn bị trễ kinh nguyệt.
- Do vòng tránh thai được đưa vào tử cung khiến màng tử cung bị chèn ép và bào mòn dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bị đảo lộn như: trễ kinh, rong kinh,…
- Sau khi đặt vòng tránh thai, tử cung chưa thích ứng kịp nên lớp nội mạc bên trong tử cung dày thêm khiến cho các chị em bị trễ kinh.
- Do vòng tránh thai bị đặt lệch vị trí hoặc bị tuột dẫn đến bạn bị chậm kinh, rong kinh, đau bụng dưới…
- Do đặt vòng tránh thai kém chất lượng.
- Do sau khi đặt vòng tránh thai, các chị em không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không kiêng quan hệ vợ chồng, không kiêng làm những công việc nặng nhọc dẫn đến bạn bị rối loạn kinh nguyệt.
Đọc thêm: Bị rối loạn kinh nguyệt thì nên uống thuốc gì?
3. Các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai
Sau khi đặt vòng, các chị em bị rối loạn kinh nguyệt thường có những triệu chứng sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi thất thường: sau khi đặt vòng tránh thai, thì kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc muộn hơn bình thường. Tùy thuộc vào cơ địa của từng người mà thời gian có kinh sẽ khác nhau. Thông thường, những người mới đặt vòng kinh nguyệt sẽ không đều trong vòng 3 tháng liên tiếp.
- Lượng máu kinh ra nhiều hoặc ít: sau khi đặt vòng tránh thai có thể khiến cho lượng máu kinh thay đổi như ra nhiều hoặc ít hơn so với chu kỳ kinh thông thường. Ngoài ra, máu kinh còn xuất hiện những cục máu đông do kinh nguyệt ra nhiều khiến cho chất chống đông không kịp làm việc.
- Thời gian bị hành kinh kéo dài, rong kinh: thông thường sau khi đặt vòng các chị em bị rối loạn kinh nguyệt khiến cho thời gian bị kinh có thể kéo dài liên tục lên đến 7 ngày.
- Đau bụng dưới và đau vùng xương chậu: đây là một phản ứng co thắt bình thường của tử cung khi có một vật thể lạ vào bên trong và gây cảm giác đau bụng và vùng xương chậu. Triệu chứng này có thể kéo dài đến một vài tuần cho đến khi tử cung thích ứng dần thì thôi.
Tất cả các triệu chứng xuất hiện sau khi đặt vòng tránh thai dẫn đến rối loạn kinh nguyệt cần được theo dõi ít nhất trong 3 chu kỳ kinh nguyệt. Nếu thấy cơ thể xuất hiện một số biểu hiện như: tiết dịch màu có mùi hôi khó chịu, đau vùng xương chậu, đau bụng kéo dài, cơ thể mệt mỏi, sốt,… thì bạn cần đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai có nguy hiểm không?
Về cơ bản, sau khi đặt vòng tránh thai chu kỳ kinh của bạn sẽ ổn định trở lại khi cơ thể quen với sự có mặt của dụng cụ này trong cổ tử cung. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi chị em, chu kỳ kinh nguyệt có thể xuất hiện những biểu hiện bất thường như lượng máu kinh ra nhiều hơn, đau bụng dưới…nếu kéo dài có thể dẫn đến một số tác động xấu cho sức khỏe như:
- Rối loạn kinh nguyệt làm cho lượng máu mất đi nhiều và trong một thời gian dài có thể dẫn đến bị thiếu máu, chóng mặt, mệt mỏi, cơ thể bị suy nhược.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của các chị em.
- Nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa cao hơn như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… nếu như không được điều trị kịp thời thì căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn về sau.
5. Vợ chồng bao lâu được ”quan hệ”?
Trong vòng 1-3 ngày sau khi đặt vòng tránh thai, chị em nên nghỉ ngơi, sinh hoạt nhẹ nhàng để vòng tránh thai không bị xô lệch, không để lại biến chứng. Ngoài ra, chị em nên rửa sạch bộ phận sinh dục hàng ngày bằng nước sạch, uống đầy đủ các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lý do không nên quan hệ ngay sau khi đặt vòng
Khi mới đặt vòng tránh thai, vòng cần một thời gian để dính và ổn định. Trong khi đó, nếu bạn lao động nặng nhọc, thụt rửa sâu trong âm đạo, quan hệ vợ chồng thì rất có thể tử cung bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm, khiến vòng tránh thai bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến hậu quả kết quả tránh thai không hiệu quả. Vì khi đưa vòng vào có thể có một số tổn thương nhỏ đối với âm đạo, tử cung cần thời gian để lành lại.
6. Cách xử lý để đặt vòng tránh thai an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
Hầu như tình trạng bị rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai chỉ là vấn đề tạm thời và sẽ chấm dứt sau 3 tháng đặt vòng. Để hạn chế việc đặt vòng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
6.1. Lưu ý trước khi đặt vòng tránh thai
- Trước khi đặt vòng tránh thai, bạn cần tham khảo kỹ lưỡng tư vấn của các bác sĩ để cân nhắc lựa chọn loại vòng tránh thai nào phù hợp với mình. Khi thực hiện thủ thuật đặt vòng, bạn nên lựa chọn những bệnh viện, phòng khám uy tín, bác sĩ có chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm để hạn chế những vấn đề không mong muốn phát sinh.
- Bạn không nên đặt vòng tránh thai khi bạn đang bị các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.
6.2. Lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai
- Sau khi đặt vòng tránh thai, bạn cần có chế độ kiêng nghiêm ngặt, vệ sinh vùng kín đúng cách, uống thuốc chống viêm và chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo vòng tránh thai được ổn định trong cổ tử cung, phát huy hiệu quả tránh thai tốt nhất.
- Bạn nên có chế độ nghỉ ngơi điều độ, không làm việc nặng trong 1 tuần đầu khi mới đặt vòng tránh thai vì việc vận động mạnh có thể khiến vòng tránh thai bị xê dịch.
- Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, hạn chế tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Sau khi đặt vòng tránh thai, cần chú ý vệ sinh vùng kín hàng ngày sạch sẽ, khô thoáng. Tuy nhiên, bạn không nên thụt rửa sâu âm đạo vì như vậy sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập và tấn công gây viêm nhiễm.
- Có một số trường hợp, tử cung không phù hợp để đặt vòng tránh thai khiến cho các thiết bị này có thể bị trượt khỏi tử cung hoặc làm tổn thương thành tử cung… Nếu xảy ra những vấn đề này, bạn nên đi tháo ra và lựa chọn phương pháp tránh thai khác sao cho phù hợp.
- Đừng quên khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra tình trạng vòng tránh thai và những biểu hiện bất thường của sức khỏe.
Các chị em sau khi đặt vòng tránh thai nên đi tới bệnh viện gay nếu gặp phải những tình trạng sau:
- Ra nhiều máu trong các chu kỳ sau khi đặt vòng và kéo dài quá 6 tháng không thấy có dấu hiệu tạm dừng.
- Sau khi đặt vòng được 1 tháng mà khi quan hệ bạn có cảm giác bị đau, tức.
- Dịch âm đạo có mùi hôi, có cảm giác ngứa hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm.
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin giúp chị em hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý để đặt vòng tránh thai an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Tuy đây là vấn đề bình thường và rất hay gặp sau khi đặt vòng nhưng các chị em không nên chủ quan và lơ là, hãy đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường để được xử lý kịp thời. Chúc các chị em luôn khỏe mạnh và thành công!