Bạn bị rối loạn kinh nguyệt? Bạn mới dùng thuốc kháng sinh gần đây? Bạn nghĩ mình bị rối loạn kinh nguyệt do uống kháng sinh? Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này thì đừng bỏ lỡ những nội dung dưới đây.
Mục lục
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ tử cung do lớp niêm mạc tử cung bị bong khi hiện tượng thụ thai không xảy ra. Kinh nguyệt lần đầu tiên xuất hiện ở bé gái từ 12-16 tuổi, chu kỳ trung bình khoảng 28 ngày, kéo dài 3-5 ngày. Lượng máu mất đi sau mỗi lần hành kinh là từ 50-150ml.
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường liên quan đến kinh nguyệt, bao gồm: tuổi bắt đầu có kinh, tuổi mãn kinh, chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, lượng máu kinh,… Tình trạng này có thể xảy ra ở tất cả mọi người trong độ tuổi có kinh, đặc biệt là chị em phụ nữ sau sinh và những người trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Các triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn kinh nguyệt có thể kể đến như: rong kinh, rong huyết, thống kinh, thiểu kinh, vô kinh hoặc mất kinh. Bên cạnh đó, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể gây ra những bất thường về máu kinh (màu sắc, cục máu đông, mùi hôi, tanh,…).
Không chỉ vậy, khi nội tiết tố thay đổi, chị em sẽ có nguy cơ đối diện với các triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt như đau tức ngực, đau bụng kinh, chuột rút, buồn nôn, máu kinh ra nhiều,… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và khả năng làm việc.
Trên thực tế, nhiều chị em thường không chú ý hoặc chủ quan với các dấu hiệu của chứng rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này thực sự có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Theo các bác sĩ sản phụ khoa, nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể dẫn đến những hệ lụy như: khiến nhan sắc của chị em bị ảnh hưởng, gây thiếu máu, làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín và tăng khả năng mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư niêm mạc tử cung, mang thai ngoài tử cung,… Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh.
☛ Xem chi tiết: Tất tần tật về rối loạn kinh nguyệt
Thuốc kháng sinh tác động đến chu kỳ kinh nguyệt ra sao?
Có nhiều ý kiến cho rằng thuốc kháng sinh có thể làm ảnh hưởng đến nội tiết tố bên trong cơ thể, tác động đến cơ chế rụng trứng, làm cho tế bào trứng rụng sớm hoặc muộn hơn dự kiến, khiến chu kỳ kinh nguyệt của chị em bị rối loạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để có thể đưa ra kết luận chính xác về vấn đề này. Mặc dù vậy, bạn cũng có thể tham khảo qua một số thông tin dưới đây để hiểu thêm về những tác động của kháng sinh đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài 28 ngày, trong 14 ngày đầu tiên, nang trứng sẽ bắt đầu phát triển đồng thời tăng cường sản xuất estrogen. Quá trình này sẽ làm cho lớp nội mạc tử cung dày thêm. Khi rụng trứng thành công, estrogen sẽ kết hợp với progesterone từ thể vàng để làm nội mạc tử cung trưởng thành và dày hơn. Nếu bạn uống thuốc kháng sinh trong thời gian trước khi xảy ra hiện tượng rụng trứng thì thuốc sẽ tiết ra một loại hormon gonadotropin, có khả năng tác động trực tiếp lên tử cung khiến lượng estrogen suy giảm, gây ra tình trạng chậm kinh.
Ngoài ra, một số thuốc kháng sinh có thể hoạt động tương tự như xenoestrogens – một dạng estrogen tổng hợp, bắt chước estrogen tự nhiên trong cơ thể chị em, khiến nồng độ của hormone này tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và làm rối loạn kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng đến hormone nữ giới qua việc tác động lên gan và đường ruột. Cụ thể:
Thuốc kháng sinh tác động đến gan và estrogen
Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự trao đổi chất, khiến khả năng chuyển hóa estrogen cũng như progesterone trong gan bị ảnh hưởng (do gan có xu hướng ưu tiên chuyển hóa kháng sinh). Việc này khiến cho quá trình cung cấp estrogen trong máu bị cản trở, làm kinh nguyệt bị rối loạn.
Như đã nói ở trên, một số loại kháng sinh có thể hoạt động như xenoestrogens, làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Chính vì vậy, gan sẽ phải hoạt động nhiều hơn để loại bỏ lượng estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, kháng sinh có thể khiến tốc độ chuyển hóa ở gan bị ảnh hưởng, làm cho việc đào thải các xenoestrogen không được hiệu quả. Lúc này, lượng estrogen trong cơ thể sẽ tăng cao, làm ảnh hưởng đến thời gian rụng trứng và gây rối loạn kinh nguyệt.
Thuốc kháng sinh tác động đến đường ruột và hormone
Trên thực tế các nghiên cứu hiện có về ảnh hưởng của kháng sinh với nội tiết tố vẫn chưa có nhiều, do đó nhiều chuyên gia cho rằng sự ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đến hệ vi sinh đường ruột có thể gián tiếp làm ảnh ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Theo đó, mặc dù quá trình chuyển hóa thuốc được diễn ra chủ yếu ở gan, nhưng ruột cũng tham gia vào quá trình này. Trong đường ruột có một nhóm lợi khuẩn là “estrobolome”, nhóm này chịu trách nhiệm phá vỡ xenoestrogen. Bên cạnh đó, một vi khuẩn khác là “beta-glucuronidase” lại chịu trách nhiệm đưa xenoestrogen chưa bị phá vỡ bởi gan trở về trạng thái kích hoạt ban đầu.
Thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của hai nhóm vi khuẩn này. Cụ thể, nó sẽ làm giảm lợi khuẩn và khuyến khích hại khuẩn phát triển. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào thải lượng xenoestrogen dư thừa ra khỏi cơ thể. Không những vậy, beta-glucuronidase sẽ thúc đẩy tái hấp thu estrogen, đưa chúng trở lại hệ tuần hoàn của cơ thể, tiếp tục khiến lượng estrogen trong cơ thể tăng cao hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loại thuốc kháng sinh cũng có thể làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh tại âm đạo, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Rối loạn kinh nguyệt do uống kháng sinh có kéo dài không?
Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu thực tế và bằng chứng khoa học cụ thể về khả năng tác động của kháng sinh đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Do đó, một số chuyên gia cho rằng thuốc kháng sinh không gây ảnh hưởng lớn đến kinh nguyệt của bạn.
Hơn nữa, hầu hết các loại kháng sinh chỉ được sử dụng tối đa trong khoảng hai tuần, nên chúng chỉ có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hiện tại chứ không có khả năng gây ảnh hưởng đến các chu kỳ sau đó, trừ khi bạn phải dùng kháng sinh lâu dài.
Bên cạnh đó, cũng có giả thuyết cho rằng, thuốc kháng sinh làm tăng tốc độ xử lý estrogen dư thừa của gan, gây ra tình trạng thiếu hụt estrogen trong cơ thể, khiến kinh nguyệt đến trễ hơn bình thường. Tuy nhiên, chức năng gan sẽ không bị rối loạn trong thời gian dài mà sẽ sớm trở lại bình thường.
Ngoài ra, vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý estrogen, nhưng không đáng kể, chúng chỉ có thể tác động ở thời gian đầu và làm rối loạn kinh nguyệt ở mức độ nhẹ. Hơn nữa, hệ vi sinh đường ruột sẽ được phục hồi nhanh chóng khi được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sau quá trình sử dụng kháng sinh.
Thực tế hiện nay chỉ có một loại kháng sinh duy nhất đã được chứng minh có thể can thiệp vào chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ là rifampin – một loại thuốc được dùng để trị bệnh lao.
Xem thêm: Bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Rối loạn kinh nguyệt do uống kháng sinh phải làm sao?
Khi xảy ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt do uống kháng sinh, bạn hãy ngưng sử dụng thuốc và đến gặp các bác sĩ để được kiểm tra, xem xét về việc nên tiếp tục sử dụng loại thuốc đó hay đổi sang thuốc khác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và dinh dưỡng khoa học để kinh nguyệt sớm trở lại bình thường.
Làm sao để tránh rối loạn kinh nguyệt do uống thuốc kháng sinh?
Để tránh phải lo lắng về việc uống thuốc kháng sinh có bị rối loạn kinh nguyệt không, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng của những thuốc này tới sức khỏe thì bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, bạn cần tuân thủ đúng loại thuốc, liều lượng cũng như thời gian dùng thuốc.
- Tuyệt đối không tự điều chỉnh liều lượng hoặc ngưng sử dụng khi thấy bệnh thuyên giảm. Việc sử dụng đúng liều lượng sẽ tránh gây tình nhờn thuốc trong tương lai.
- Bạn cần trao đổi với các bác sĩ về tình trạng bệnh lý của mình cũng như những loại thuốc mà bản thân có tiền sử bị kích ứng.
- Nếu bạn đang có ý định mang thai, hãy nói với bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.
- Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy có biểu hiện bất thường, bạn cần ngưng sử dụng và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách.
- Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya.
- Thường xuyên tập luyện, vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để nâng cao sức khỏe.
- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh để tình trạng căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và làm kéo dài thời gian điều trị.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Sự thật là thuốc kháng sinh không phải thủ phạm chính gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Tình trạng này có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như sức đề kháng kém, thay đổi thói s sinh hoạt, tâm lý căng thẳng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bệnh lý,… Do đó, hãy thường xuyên theo dõi sức khỏe và đi thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường nếu có.