Rối loạn kinh nguyệt là một trong những vấn đề khiến cho rất nhiều chị em phụ nữ lo lắng. Vậy rối loạn kinh nguyệt là gì? Rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Mời các bạn theo dõi bài viết sau để giải đáp được các thắc mắc trên.
Mục lục
1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, nó thường biểu hiện bằng số ngày có kinh, chu kỳ kinh hoặc lượng máu kinh so với các chu kỳ kinh thông thường. Đây có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, do thay đổi nội tiết tố hoặc bị tổn thương thực thể cơ quan sinh dục nữ.
Rối loạn kinh nguyệt có thể biểu hiện khác nhau ở từng lứa tuổi như: dậy thì, phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh…và đều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của các chị em, nếu như không có biện pháp điều trị kịp thời. Chính vì lý do đó mà chị em nên đi khám sớm nếu có những biểu hiện bất thường của chu kỳ kinh nguyệt.
2. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt
Theo nghiên cứu chuyên khoa, phải có đến 70% phụ nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt một lần trong đời. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng phổ biến một vài nguyên nhân dưới đây:
Do thay đổi nội tiết tố: Nội tiết tố trong cơ thể của phụ nữ thường thay đổi ở một vài giai đoạn như dậy thì, mang thai, sinh con và thời kỳ mãn kinh.
- Giai đoạn dậy thì: Với các bé trong độ tuổi dậy thì nội tiết tố trong cơ thể sẽ không ổn định ngay mà cần phải có thời gian mới đi vào ổn định. Khi đó, cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài để progesterone và estrogen đạt ở trạng thái cân bằng. Đây chính là lý do dẫn đến rối loạn kinh nguyệt thường hay diễn ra trong thời gian này.
- Giai đoạn mang thai và cho con bú: Trong giai đoạn này, phụ nữ thường không có kinh.
- Giai đoạn tiền mãn kinh: Lúc này buồng trứng suy giảm chức năng nên dẫn đến chu kỳ và lượng máu kinh trong cơ thể của người phụ nữ sẽ dần mất đi và không còn khả năng sinh sản.
Do bị đa nang buồng trứng: là hiện tượng gia tăng bất thường của hormone Androgen trong cơ thể nữ giới. Nó làm gián đoạn quá trình phát triển của các nang trứng. Khi đó, ở bên trong buồng trứng sẽ xuất hiện các trứng không phát triển hoặc không xảy ra hiện tượng rụng trứng. Nên sẽ gây ra rối loạn kinh nguyệt như là kinh không đều hoặc không có kinh.
Do bị suy buồng trứng: là hiện tượng buồng trứng suy giảm chức năng hoạt động kém hoặc mất đi khả năng nuôi dưỡng trứng. Dẫn đến nội tiết tố estrogen bị suy giảm, gây nên rối loạn kinh nguyệt.
Do các vấn đề về tuyến giáp gây ra: Việc tiết quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp sẽ dẫn đến những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ như: Nếu thiếu hormone tuyến giáp sẽ gây ra tình trạng rong kinh, đa kinh. Còn thừa hormone tuyến giáp sẽ gây ra ít kinh hoặc vô kinh.
Do bị u xơ tử cung: Khi đó, các khối u xơ phát triển trong thành cổ tử cung. Dẫn đến, lúc bạn đến ngày đèn đỏ có cảm giác đau và tức vùng xương chậu, đau lưng hoặc dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Do bị thừa cân: Theo các nghiên cứu cho thấy rằng, việc thừa cân sẽ ảnh hưởng đến các hormone và mức insulin, dẫn đến bị rối loạn kinh nguyệt.
Do rối loạn ăn uống hoặc giảm cân quá nhiều: Nếu bạn đột nhiên giảm cân thì sự thay đổi của cân nặng sẽ ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể. Và điều này nó sẽ tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn
Do tập thể dục quá sức: Việc tập thể dục quá sức cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chu kỳ hành kinh của bạn.
Do stress, căng thẳng kéo dài: Nếu bạn bị stress, căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến cơ thể tăng tiết cortisol. Khi đó, sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của các insulin, gây tăng đường huyết. Các chất này, sẽ tác động làm gián đoạn quá trình rụng trứng và gây lên rối loạn kinh nguyệt. Đọc chi tiết: Những tác động tiêu cực của stress với kinh nguyệt của phụ nữ
Ngoài ra, nếu bạn bị stress trong một thời gian dài sẽ dẫn đến giảm lượng progesterone trong cơ thể. Việc thiếu hụt progesterone ngoài việc dẫn đến rối loạn kinh nguyệt còn có thể dẫn tới bệnh lý vô sinh hiếm muộn.
Do tác dụng phụ của một số thuốc: Một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc điều trị tiểu đường, cao huyết áp…khi bạn sử dụng quá nhiều những loại thuốc trên có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Đọc thêm: Rối loạn kinh nguyệt sau khi uống thuốc tránh thai có sao không?
3. Triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt
Tùy từng cơ địa khác nhau mà những triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt có thể không giống nhau. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn kinh nguyệt:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh của bạn ngắn hơn 20 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
- Số ngày kinh không đều: số ngày kinh bị ít hơn 2 ngày hoặc nhiều hơn bình thường trên 7 ngày.
- Lượng máu kinh ra quá nhiều hoặc quá ít: số lượng máu của mỗi kì kinh bị nhiều hơn 80ml hoặc ít hơn 30ml.
- Màu sắc của kinh không giống như bình thường: máu có màu nâu hoặc đen và kèm theo các cục máu đông.
- Đến chu kỳ kinh có các hiện tượng như: đau tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, đau bụng dữ dội…
- Phụ nữ có các biểu hiện như vô kinh, bế kinh, rong kinh,…
4. Ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đến sức khỏe
Kinh nguyệt đều đặn thể hiện sự hoạt động bình thường của các cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Vì vậy những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn như:
Gây thiếu máu
Tình trạng kỳ kinh kéo dài quá nhiều ngày, rong kinh…khiến cho các chị em mất đi một lượng máu lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, đặc biệt là ở những phụ nữ tiền mãn kinh. Việc mất hơn 80ml cho mỗi chu kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến thiếu máu trầm trọng. Thiếu máu làm giảm quá trình vận chuyển oxy trong máu nên dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, tim đập loạn, thở gấp…Trường hợp thiếu máu nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Gây ra nhiều bệnh phụ khoa
Chu kỳ kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày của bạn mà còn là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn phát triển gây nên các bệnh như: viêm âm đạo, viêm buồng trứng, u màng trong tử cung.
Đôi khi, rối loạn kinh nguyệt có thể là biểu hiện của một số bệnh phụ khoa như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, popyp cổ tử cung…Rối loạn kinh nguyệt làm cho vùng kín vệ sinh không được sạch sẽ, rất dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến mắc các bệnh phụ khoa. Khi đó, nếu không có biện pháp đIều trị kịp thời rất dễ chuyển thành các bệnh ác tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này của bạn.
Nguy cơ vô sinh cao
Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của sự bất thường về sinh lý của người phụ nữ. Việc chu kỳ kinh nguyệt không đều dẫn đến khó tính ngày trứng rụng, làm giảm khả năng thụ thai.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục
Quan hệ tình dục trong những ngày đèn đỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Vì vậy, rối loạn kinh nguyệt khiến những lần gần gũi của vợ chồng bạn trở lên thất thường hơn.
Ảnh hưởng đến nhan sắc
Estrogen và Progesteron là hai hormone đóng vai trò quan trọng trong sức đẹp của người phụ nữ. Việc rối loạn các hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc, sự tươi trẻ của phái đẹp khiến cho chị em dễ cáu gắt, nóng tính…Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt còn khiến cho nhiều chị em lo lắng, căng thẳng, khiến cho chị em trông thiếu sức sống, xuống sắc.
5. Cách điều trị rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng thường gặp ở nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan mà hãy thăm khám bác sĩ nếu có rối loạn kinh nguyệt để có chẩn đoán rõ ràng. Để giúp kinh nguyệt trở về như bình thường ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện tình trạng trên:
Giữ tinh thần thoải mái: Đây là một việc làm cần thiết và hiệu quả để điều trị rối loạn kinh nguyệt. Vì căng thẳng, mệt mỏi, stress trong một thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bạn có thể cải thiện tình thần bằng cách như: nghĩ về những điều tích cực, tham gia các hoạt động thư giãn cùng mọi người, nghe nhạc… để thư giãn đầu óc.
Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng:
Điều chỉnh chế độ ăn là biện pháp giúp điều hòa kinh nguyệt một cách tự nhiên nhất. Rối loạn kinh nguyệt dẫn đến hiện tượng thiếu máu, mệt mỏi. Khi đó, bạn cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, cân bằng lại tâm sinh lý, giúp cho chu kỳ kinh của chúng ta trở về bình thường. Bạn có thể bổ sung một số thực phẩm dưới đây:
- Uống nhiều nước.
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin B6 như: ức gà, thịt bò, cá ngừ, đậu tương, đậu đen…
- Thực phẩm giàu omega 3 như: đậu nành, trứng gà, quả bơ, hạt óc chó, hạt chia.
- Các thực phẩm có hàm lượng canxi cao như: phomai, sữa chua, sữa, đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, hạnh nhân…
- Các vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, việc ăn uống khoa học, lành mạnh còn giúp nữ giới phòng ngừa được nhiều căn bệnh nguy hiểm, mãn tính..
Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai: Bạn nên hạn chế sử dụng thuốc tránh thai vì loại thuốc này sẽ tác động đến các hormone nội tiết, gây ức chế trứng rụng và ngăn cản quá trình thụ thai diễn ra. Ngoài ra, thuốc này còn làm cho dịch nhầy ở cổ tử cung đặc lại để khiến cho tinh trùng di chuyển khó khăn hơn khi vào tử cung để tạo thành hợp tử.
Rối loạn kinh nguyệt thường gặp sau khi uống thuốc tránh thai là chu kỳ đến muộn hơn, vô kinh hoặc lượng máu kinh nguyệt ít hơn. Tình trạng này chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng rồi sẽ trở lại như bình thường. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần làm giảm dịch tiết của âm đạo. Do đó, sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng âm đạo như bị viêm âm đạo, viêm vùng chậu. Không những vậy nó còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục của các cặp vợ chồng vì hiện tượng khô âm đạo hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vì vậy, bạn nên chọn biện pháp tránh thai khác để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Làm việc quá nhiều khiến cho cơ thể bị căng thẳng, mệt mỏi… dẫn đến bị rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, để cải thiện tình trạng trên, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể về trạng thái cân bằng. Khi đó, sinh lý của cơ thể sẽ trở về như bình thường. Các biện pháp này thực hiện rất đơn giản mà lại mang lại kết quả cao.
Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá: Việc sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên bạn nên hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia, thuốc lá để có một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Hạn chế sử dụng các chất có caffeinee: Việc sử dụng các chất caffeinee dẫn đến kinh nguyệt không đều bởi nó làm giảm máu trong tử cung. Ngoài ra, nếu trong thời gian bị đèn đỏ mà bạn sử dụng caffeinee sẽ làm tăng các chất cortisol, norepinephrine và epinephrine (đây là những chất kích thích căng thẳng) khiến cho cơ thể bạn trở nên cáu gắt, khó chịu. Vì vậy, bạn nên loại bỏ hoặc giảm lượng caffeinee trong chế độ ăn uống hàng ngày để giảm bớt sự khó chịu trong chu kỳ kinh nguyệt.
Điều trị các bệnh lý khác nếu có: Những bệnh lý như tuyến giáp, tiểu đường, các bệnh phụ khoa…. có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Vì vậy, nếu bạn mắc những bệnh trên thì nên đi khám bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Khi bạn thực hiện các biện pháp trên trong thời gian dài mà không có hiệu quả thì các chị em nên đến các cơ sở phụ khoa uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.
Đọc thêm: Tìm hiểu địa chỉ khám – chữa rối loạn kinh nguyệt uy tín
Hi vọng qua bài viết của chuyengiaphukhoa đã cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích cho bạn về những nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt với sức khỏe của chị em phụ nữ cũng như cách điều trị để cải thiện bệnh trên. Chúc các bạn khỏe mạnh!