Tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tại nước ta đang tăng cao trong những năm gần đây, đạt tới khoảng 7,7% tương đương với hơn 1 triệu cặp đôi. Đây là một con số đáng báo động, đặc biệt, 50% trong số này bị vô sinh trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng không có con có thể đến từ người vợ, người chồng hoặc từ hai phía. Bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.
Mục lục
Những nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh nữ?
Quá trình thụ thai và mang thai ở phụ nữ là một chuỗi các sự kiện liên tục và phải được diễn ra thật chính xác. Bắt đầu bằng quá trình phóng noãn ở buồng trứng để có được ít nhất 1 nang trứng trưởng thành theo vòi trứng đến ống dẫn trứng. Tinh trùng sẽ bơi ngược từ hướng cổ tử cung đi lên ống dẫn trứng và kết hợp với trứng gọi là quá trình thụ tinh. Tế bào trứng đã được thụ tinh di chuyển trở về thành tử cung và làm tổ. Khi đó quá trình mang thai được bắt đầu.
Việc xảy ra bất kỳ một yếu tố bất thường nào có thể phá vỡ quy trình này đều có thể dẫn đến hậu quả là vô sinh, hiếm muộn. Các yếu tố gây vô sinh có thể xảy ra đơn lẻ hoặc kết hợp đồng thời nhiều yếu tố. Cụ thể như sau:
1. Các vấn đề về cổ tử cung
Cổ tử cung là nơi sản xuất ra dịch nhầy giúp tinh trùng dễ dàng dịch chuyển lên ống dẫn trứng. Các bất thường liên quan đến bệnh lý ở cổ tử cung như cổ tử cung bị hẹp, dính cổ tử cung, các khối u ác tính hoặc polyp ở cổ tử cung có thể cản trở quá trình tinh trùng đến thụ tinh với trứng. Một số loại viêm nhiễm tử cung còn sinh ra độc tố có khả năng giết chết tinh trùng, từ đó gây ra chứng vô sinh.
2. Ống dẫn trứng bất thường
Ống dẫn trứng vừa có nhiệm vụ là nơi để trứng kết hợp với tinh trùng, vừa có vai trò đẩy tế bào trứng đã được thụ tinh về tử cung. Các vấn đề thường xảy ra với ống dẫn trứng như hẹp lòng ống dẫn trứng, các loại bệnh nhiễm trùng ở ống dẫn trứng gây kết dính hoặc ứ đọng dịch và các nang nước. Hậu quả của tình trạng này là hợp tử không thể di chuyển về tử cung để làm tổ, phát triển thành bào thai. Hơn nữa, hợp tử sẽ phát triển ngay tại thành ống dẫn trứng và gây ra tình trạng mang thai ngoài dạ con, tình huống này rất nguy hiểm, có thể liên quan đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
3. Yếu tố nội tiết
Nang trứng sẽ phát triển đến một kích thước nhất định tại buồng trứng và xảy ra hiện tượng rụng trứng (phóng noãn). Đây là thời kỳ dễ thụ thai nhất trong một chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Việc rụng trứng diễn ra dưới sự điều khiển của hormone sinh sản với tần suất thông thường là 1 tháng/lần. Rụng trứng đi kèm với việc bong vỏ niêm mạc ở tử cung gọi là hiện tượng kinh nguyệt . Rối loạn rụng trứng là tình trạng không xảy ra rụng trứng trong một thời gian dài hoặc tần suất phóng noãn thưa dần.
Nguyên nhân gây ra rối loạn rụng trứng có thể do:
Các rối loạn trong chức năng hoạt động của buồng trứng gây ra bởi các bệnh lý như đa nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hay hội chứng suy buồng trứng…
Tâm lý căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng đến việc sản sinh hormone của tuyến yên. Trong khi các hormone này có trách nhiệm kích thích trứng rụng. Vì vậy tình trạng lo âu, mệt mỏi có thể là một lý do dẫn đến rối loạn kỳ rụng trứng và việc thụ thai trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn.
4. Yếu tố bẩm sinh và hệ thống
Một số trường hợp mắc phải các dị tật bẩm sinh ở hệ thống sinh sản như không có buồng trứng, dị dạng buồng trứng hoặc dị dạng tử cung, buồng trứng hoặc vòi trứng teo nhỏ…Tác động của các yếu tố di truyền như rối loạn nhiễm sắc thể (Hội chứng turner), đứt gãy nhiễm sắc thể X dẫn đến mãn kinh sớm. Các ca vô sinh do yếu tố bẩm sinh và di truyền hầu hết là vô sinh nguyên phát.
Các yếu tố mang tính hệ thống như rối loạn dinh dưỡng, các bệnh chuyển hóa như béo phì, thiếu cân…hay việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, các tia bức xạ…cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng vô sinh, hiếm muộn.
5. Buồng trứng bất thường
Buồng trứng thực hiện chức năng sản sinh nang trứng, đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống sinh sản. Các bệnh lý ở buồng trứng như suy buồng trứng sớm (mãn kinh sớm), u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang hoặc thiểu sản nang buồng trứng đều có thể ảnh hưởng đến sự phóng noãn của buồng trứng.
Nhiễm trùng do viêm nhiễm buồng trứng, viêm tắc vòi trứng cũng góp phần tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
6. Tử cung bất thường
Tử cung là nơi hợp tử làm tổ phát triển thành bào thai rồi lớn thành thai nhi. Ngoài cac dị tật bẩm sinh ở tử cung như không có tử cung, tử cung chưa trưởng thành…thì những bệnh phổ biến ở tử cung bao gồm: viêm lộ tuyến, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư cổ tử cung hay dính buồng tử cung cũng gây cản trở cho quá trình mang thai và tăng nguy cơ bị sảy thai.
7. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý cơ quan sinh sản được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Tình trạng các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, có thể ăn sâu trong lớp cơ của thành tử cung (hay gọi là lạc nội mạc trong cơ) hoặc đi ra ngoài tử cung đến các bộ phận khác như buồng trứng, phúc mạc, thành ruột…Hiện tượng lạc nội mạc tử cung gây kết dính, co kéo gây biến dạng tổ chức vùng chậu ảnh hưởng xấu đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung và cuối cùng có thể dẫn đến vô sinh.
8. Vô sinh không rõ nguyên nhân
Chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 10% các ca vô sinh nhưng lại khó chẩn đoán và điều trị nhất là vô sinh không rõ nguyên nhân. Có thể do sự kết hợp những yếu tố rất nhỏ từ hai phía vợ và chồng dẫn đến nhiều năm liền không thể có con. Tuy nhiên, các trường hợp này do không thể cho là hoàn toàn tuyệt vọng vì có thể bằng sự đồng lòng nỗ lực điều trị, nhiều cặp vợ chồng lại có thể bất ngờ mang thai.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ
- Theo nghiên cứu, khả năng sinh sản của nữ giới giảm dần theo độ tuổi. Ở phụ nữ trên 35 tuổi khả năng có thai giảm nhiều, nguyên nhân là do số lượng và chất lượng trứng suy giảm. Mang thai khi lớn tuổi làm tăng nguy cơ gặp các tai biến khi mang thai và sinh nở cao hơn. Con sinh ra có tỉ lệ dị tật, hoặc các bệnh tâm lý như tăng động, tự kỷ… cao hơn trẻ bình thường.
- Phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều cũng làm suy giảm khả năng sinh sản và rất dễ bị vô sinh. Các chất kích thích này mang đến độc tố cho cơ thể, khiến các cơ quan trong cơ thể lão hóa nhanh chóng, trong đó có hệ thống sinh sản. Phụ nữ hút thuốc, uống rượu bia nhiều khi mang thai thì tỷ lệ sảy thai thường khá cao.
- Viêm nhiễm phụ khoa: Các bệnh nhiễm trùng phụ khoa thường gặp như viêm âm đạo, viêm vùng chậu, viêm phần phụ và bệnh lây qua đường tình dục như lậu, chlamydia…có khả năng gây ra sự tắc nghẽn vòi trứng, ống dẫn trứng, kết dính giữa các bộ phận của vùng chậu. Từ đó gây cản trở quá trình thụ thai và mang thai. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc phải các bệnh viêm nhiễm phụ khoa đang ngày càng gia tăng, chị em nên đi khám tầm soát và điều trị ngay để tránh những biến chứng đáng tiếc.
- Béo phì: Theo một nghiên cứu trên thế giới, phụ nữ bị béo phì có nguy cơ khó có thai và dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ. Chị em nên kiểm soát cân nặng của cơ thể ở mức độ vừa phải để thuận lợi trong việc mang thai và sinh nở.
Chẩn đoán và điều trị vô sinh, hiếm muộn
Hỏi thăm bệnh sử
Thăm khám lâm sàng
Tiến hành thăm dò vô sinh nữ bằng các xét nghiệm như
– Xét nghiệm nội tiết FSH, LH, E2, Prolactin được thực hiện để phát hiện các rối loạn phóng noãn, hội chứng buồng trứng đa nang, vô sinh do tăng Prolactin.
– Xét nghiệm AMH đánh giá dự trữ buồng trứng.
- Siêu âm trong chẩn đoán vô sinh nữ
– Siêu âm vùng chậu: quan sát hình ảnh của các cơ quan vùng chậu để phát hiện các bất thường về mặt hình dạng ở buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Siêu âm có thể phát hiện các khối khu trú và các ổ dịch ứ đọng tại các vị trí của vùng chậu.
– Siêu âm đếm nang thứ cấp: mục đích đếm tổng số nang noãn có kích thước từ 2 đến 8 mm, nếu số lượng nang đạt kích thước trên dưới 4 nang thì tiên lượng thấp trong quá trình thụ thai.
– Siêu âm theo dõi sự phát triển của noãn trong chu kỳ tự nhiên hoặc theo dõi sự phát triển của nang noãn có kích thích buồng trứng
– Siêu âm đường âm đạo để đánh giá những bất thường ở tử cung.
Chụp X-quang tử cung – vòi tử cung
Chụp X quang tử cung để quan sát, đánh giá tử cung, vòi trứng có phải là nguyên nhân gây ra vô sinh hay không. Chụp X- quang nên tiến hành sau khi thăm khám phụ khoa và siêu âm, loại trừ khả năng đang mang thai.
Điều trị vô sinh nữ
Hướng điều trị vô sinh tập trung phát hiện và xử lý nguyên nhân gây vô sinh. Đối với trường hợp vô sinh đã rõ nguyên nhân, một số phương pháp thường được áp dụng như:
– Điều trị dứt điểm các viêm nhiễm tại vùng chậu nhằm chấm dứt tình trạng ứ đọng dịch, loại bỏ sự kết dính do viêm nhiễm tại các bộ phận của cơ quan sinh sản. Ngoài sử dụng thuốc, có thể cần đến sự can thiệp của các tiểu phẫu hoặc giải pháp chọc hút dịch của ổ viêm.
– Bơm tinh trùng vào tử cung
Đây là phương pháp điều trị hỗ trợ các trường hợp mà tử cung của người nữ ít chất nhầy, tinh trùng gặp khó khăn khi di chuyển qua tử cung vào ống dẫn trứng.
– Phẫu thuật tạo hình ống dẫn trứng
Phương pháp này áp dụng để giải tỏa tình trạng tắc nghẽn ống dẫn trứng, giúp tinh trùng bơi đến gặp trứng để thụ tinh tự nhiên. Tuy nhiên nếu áp dụng biện pháp này với đối tượng tắc nghẽn ống dẫn trứng đa ổ, teo niêm mạc ống dẫn trứng, thành ống dẫn trứng bị xơ cứng…thường không mang lại kết quả điều trị cao. Khi đó, cần xem xét đến các giải pháp điều trị khác.
– Kích thích phóng noãn
Với nguyên nhân vô sinh đến từ những rối loạn quá trình phóng noãn, việc can thiệp kích thích buồng trứng nuôi trứng và rụng trứng tự nhiên bằng các hormone tổng hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao.
– Thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp nuôi cấy phôi thai trong ống nghiệm và cấy vào buồng tử cung của người nữ. Đây là phương pháp can thiệp có mức độ xâm lấn cao nhất với hệ thống sinh sản của con người.
Như vậy, với trình độ y học hiện đại ngày nay, nếu không may có chị em phụ nữ nào gặp phải tình trạng vô sinh, hiếm muộn thì cũng không cần quá bi quan. Các bạn hãy điều dưỡng cơ thể thật tốt và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ sẽ có thể có được kết quả tốt đẹp.