Ngứa vùng kín khi mang thai là hiện tượng thường gặp và có thể thấy ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ. Vấn đề này không chỉ mang lại cảm giác khó chịu cho bà bầu trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mình cùng tìm hiểu cách xử lý hiện tượng này qua bài viết sau đây nhé.
Tại sao tôi bị ngứa vùng kín khi mang thai?
Thay đổi nội tiết tố nữ gây ngứa vùng kín khi mang bầu
Một trong những nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị ngứa vùng kín là sự thay đổi nồng độ hormone hay nội tiết tố trong cơ thể. Trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể người mẹ có sự thay đổi trong việc điều tiết nội tiết tố, tác động đến độ cân bằng pH tại âm đạo. Hiện tượng này có thể dẫn đến khô âm đạo và kết quả là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho mẹ bầu.
Nguyên nhân thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối thai kỳ hay 3 tháng đầu thai kỳ.
Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, chị em có tiết ra nhiều mồ hôi và dịch nhầy xung quanh vùng kín, khiến nó trở nên ẩm ướt và vi khuẩn dễ xâm nhập.
Mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa
Viêm âm đạo
Viêm âm đạo xảy ra khi mất cân bằng giữa vi sinh vật có lợi và có hại. Các loại nấm men và vi khuẩn tấn công khiến vùng kín có hiện tượng ngứa kéo dài. Cùng với đó có các dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, nổi mẩn, đau rát vùng kín. Có thể xuất hiện nhiều khí hư và mùi hôi gây khó chịu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Trong thời kỳ mang thai, tử cung người mẹ được mở rộng, tăng áp lực đè lên trên bàng quang gây cản trở việc tống nước tiểu ra ngoài dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một nguyên nhân khác viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn E. Coli tấn công khiến mẹ bầu bị ngứa rát khi đi tiểu tiện.
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài cảm giác ngứa ngáy, chị em còn có thể phải đối mặt với triệu chứng đau bụng thường xuyên, tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày, thậm chí tiểu ra máu và đau khi quan hệ tình dục.
Bệnh lây qua đường tình dục
Các bệnh lây qua đường tình dục (STIs) điển hình như giang mai, lậu, Chlamydia, Herpes, nhiễm trùng roi Trichomonas. Người mắc bệnh này có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Phát ban, bỏng rát vùng kín.
- Nổi mụn cóc.
- Sốt.
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
Các bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ảnh hưởng xấu đến bạn và thai nhi nên nếu bạn có các triệu chứng trên thì nên đi xét nghiệm và điều trị sớm để loại bỏ những rủi ro.
Rận lông mu
Khi người mẹ chỉ thấy ngứa xung quanh lông mu thì khả năng cao là bị bệnh rận lông mu. Rận ở ẩn quanh lông mu, khó phát hiện và gây ra các mẩn nhỏ nổi xung quanh mép âm đạo.
Các nguyên nhân khác gây ngứa âm đạo khi mang thai
- Dị ứng với các thành phần trong chất tẩy rửa, sữa tắm, xà bông,… . Khi mang thai, âm đạo bị ứ máu và làn da của bạn có thể bị kéo căng và tăng nhạy cảm hơn so với bình thường. Vì vậy mà các sản phẩm trên dù bạn sử dụng trước khi mang thai không có vấn đề gì nhưng lúc mang thai sẽ có thể bị kích ứng.
- Mặc đồ lót chật, chất liệu nóng gây bí bách và ra nhiều mồ hôi.
- Thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách như vệ sinh không sạch, lau không khô, vùng kín bị ẩm ướt thường xuyên,…
Nhóm nguyên nhân này ít gây nguy hiểm cho mẹ và bé nên chị em cần lưu ý khắc phục để tránh cảm giác ngứa ngáy vùng kín. Nếu đã thay đổi nhưng triệu chứng ngứa rát vẫn không có chuyển biến thì bạn nên suy nghĩ đi khám bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kịp thời nhé.
Ngứa vùng kín khi mang thai ảnh hưởng đến bé như thế nào?
Khi tình trạng ngứa ngáy vùng kín diễn ra lâu ngày sẽ gây những ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ như sau:
- Tâm trạng của mẹ bầu có thể trở nên khó chịu, bứt rứt dẫn đến tình trạng mệt mỏi chán ăn. Khi đó, em bé bị nguy cơ suy dinh dưỡng là điều khó tránh khỏi.
- Nếu mẹ bị nhiễm khuẩn vùng kín thì vi khuẩn từ người mẹ có thể lây sang em bé trong quá trình sinh thường. Trẻ nhỏ sẽ dễ bị mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da, bệnh hô hấp,…
- Nếu trong trường hợp mẹ bầu tự ý sử dụng thuốc điều trị ngứa vùng kín thì khó tránh các tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng sự phát triển của con.
Chính vì vậy, khi mẹ bầu bị ngứa vùng kín không nên coi thường bất kỳ triệu chứng nào vì lúc này cơ thể người mẹ đang đặc biệt nhạy cảm. Sự viêm nhiễm vùng kín có thể có những tác động không mong muốn lên sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Cách trị ngứa vùng kín cho bà bầu tại nhà
Phương pháp chữa ngứa vùng kín khi mang thai điều trị bằng thuốc
Ngứa âm đạo khi mang thai thường không quá nghiêm trọng và có thể được giải quyết bằng các phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian này, bạn nên chủ động liên hệ bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.
Tùy vào bệnh phụ khoa mắc phải thì bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị bằng loại thuốc thích hợp.
- Thuốc điều trị chống nấm không kê đơn. Nếu bạn được chẩn đoán bị nhiễm trùng nấm men, bạn có thể được yêu cầu sử dụng kem chống nấm không kê đơn hoặc thuốc đạn để điều trị. Không sử dụng Fluconazole (Diflucan).
- Thuốc kháng sinh. Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lây qua đường tình dục hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn thì bạn sẽ cần thuốc kháng sinh kê đơn.
- Thuốc corticoid. Các loại kem chống ngứa tại chỗ như corticosteroid có thể giảm triệu chứng ngứa.
Các mẹ bầu lưu ý không tự ý sử dụng thuốc uống, bôi hoặc đặt âm đạo khi chưa có chỉ định bác sĩ. Bởi vì điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc dị tật thai nhi.
Điều trị không dùng thuốc
Vệ sinh vùng kín đúng cách mỗi ngày là điều mà các mẹ bầu nên làm để giảm ngứa vùng kín. Sau đây là những lưu ý khi vệ sinh vùng kín chị em nên tham khảo:
- Vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày, sử dụng nước sạch và mát. Nước mát có thể giảm ngứa vùng kín khi mang thai.
- Không thụt rửa âm đạo.
- Sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi quan hệ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ.
- Loại bỏ sản phẩm dễ gây kích ứng, ngứa âm đạo mà bạn đang sử dụng. Thay vào đó ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên, nhẹ nhàng để sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có nhiều thay đổi. Các chị em nhớ chú ý chăm sóc sức khỏe cẩn thận, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và nên đi thăm khám và xét nghiệm ngay khi có dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất để đảm bảo sức khỏe an toàn cho con yêu nhé.