Hiện nay, tỷ lệ nữ giới gặp phải các vấn đề phụ khoa thường chiếm đại đa số. Trong đó bệnh viêm phần phụ cực kỳ phổ biến. Chị em phụ nữ măc bệnh này thường rất lo lắng bệnh có chữa được không, có bị tái phát hay không. Bài viết này chúng tôi giới thiệu cho bạn đọc tham khảo các phác đồ điều trị viêm phần phụ hiệu quả
Mục lục
Một số khái niệm về viêm phần phụ ở nữ
Viêm phần phụ là gì?
Viêm phần phụ là thuật ngữ chỉ sự viêm nhiễm do các loại vi khuẩn gây ra tại phần phụ của tử cung tại các vị trí vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng.
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm phần phụ
Phần phụ gồm ống dẫn trứng và buồng trứng, là các cơ quan tham gia trực tiếp vào quá trình sinh sản. Các viêm nhiễm tại phần phụ không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến tâm lý mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp quyết định người phụ nữ có thế thực hiện chức năng sinh sản hay không.
Phản ứng viêm gây kết dính ống dẫn trứng và buồng trứng gây tắc nghẽn, ngăn cản việc di chuyển về tử cung của phôi thai hoặc ngăn cản sự thụ tinh của trứng và tinh trùng. Hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến các bệnh lý thai nghén như chửa ngoài tử cung, sẩy thai tự nhiên, vô sinh thứ phát.
Vô sinh trong viêm phần phụ không chỉ gây ra bởi ảnh hưởng về mặt giải phẫu và chức năng của ống dẫn trứng mà nó còn gây ra bởi sự rối loạn tiết hormone của buồng trứng (rối loạn kinh nguyệt, kỳ rụng trứng…). Việc điều trị các chứng vô sinh này vô cùng khó khăn.
Viêm phần phụ kéo dài không điều trị có thể biến chứng lây lan sang các khu vực khác gây ra các bệnh như viêm đại tràng mãn tính, viêm túi mật, viêm bể thận. Nguy hiểm hơn là biến chứng viêm phúc mạc toàn phần, nhiễm trùng máu.
Các cấp độ viêm phần phụ
Viêm phần phụ thường biểu hiện ở 2 cấp độ: cấp tính và mãn tính.
Viêm cấp tính thường là các trường hợp nhiễm trùng lần đầu, có các triệu chứng rõ rệt do vi khuẩn bùng phát mạnh thời điểm đó. Người mắc bệnh thấy đau bụng dưới nhiều, rối loạn kinh nguyệt, sốt nhẹ, chóng mặt, mệt mỏi có thể buồn nôn. Nhiều trường hợp viêm cấp tính nặng như xung huyết và áp xe phần phụ có thể phải nhập viện điều trị.
Viêm mãn tính gây ra bởi viêm cấp tính kéo dài, không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm. Ở giai đoạn này, các triệu chứng biểu hiện có thể không dữ dội, nên nhiều người có thể lơ là, tuy nhiên viêm phần phụ mãn tính mới là giai đoạn nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều mối nguy như vô sinh, thai ngoài tử cung…Điều cần làm khi mắc viêm phần phụ đó là loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh.
Để làm được như vậy, chị em thoáng thấy các bất thường phụ khoa nào như đau bụng hạ vị, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, âm đạo có dịch và khí hư bất thường, cơ thể mệt mỏi…cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để khám phát hiện và chữa trị.
Y học ngày càng tiên tiến, hiện đại, bệnh viêm phần phụ nếu kịp thời điều trị thì hoàn toàn có thể chữa khỏi và bảo tồn được cơ quan sinh sản.
Tham khảo các biện pháp điều trị viêm phần phụ hiệu quả.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là việc sử dụng thuốc kết hợp giữa kháng sinh liều cao, thuốc giảm đau và tiêu viêm để loại bỏ nhiễm trùng.
Cập nhật phác đồ điều trị viêm phần phụ
Trường hợp nhiễm trùng nhẹ thường sử dụng phác đồ kháng sinh như sau:
Phác đồ kháng sinh được đưa ra trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2012
- Ceftriaxon 250mg tiêm bắp liều duy nhất kết hợp metronidazol 400mg x 2 lần/ngày x 14 ngày và doxycyclin 100mg x 2 lần/ngày x 14 ngày.
Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể tăng liều lượng kháng sinh như sau
- Sử dụng Ceftriaxon 1g tiêm TM mỗi ngày/cefotaxim 1g tiêm TM mỗi 8 giờ, tiêm tĩnh mạch metronidazol 500mg mỗi 12 giờ và thuốc doxycyclin 100mg uống 2 lần/ngày.
- Với phụ nữ có thai, sử dụng erythromycin 500mg thay cho doxycyclin tiêm TM hoặc uống mỗi 6 giờ.
Phác đồ điều trị viêm nhiễm phần phụ gây ra bởi lậu cầu khuẩn
- Ceftriaxon 250mg dùng để tiêm bắp 1 liều duy nhất + Azithromycin 1g tiêm bắp 1 liều duy nhất
Phác đồ thay thế Azithromycin
- -Ceftriaxon 250mg dùng để tiêm bắp 1 liều duy nhất + Doxycyclin 100mg uống mỗi ngày 2 lần x 7 ngày.
Phác đồ thay thế Ceftriaxon
- Dùng Cefixim 400mg uống 1 liều duy nhất + Azithromycin 1g cũng 1 liều duy nhất hoặc oxycycline 100mg uống mỗi ngày 2 lần x 7 ngày
Phác đồ điều trị của Hiệp Hội sức khỏe & Tình dục HIV Vương Quốc Anh 2011
Phác đồ này được khuyến cáo cho điều trị bệnh viêm phần phụ hoặc viêm vùng chậu, cụ thể như sau:
Phác đồ 1
- Ceftriaxon 500mg tiêm bắp 1 liều duy nhất+ thuốc uống doxycyclin 100mg 2 lần/ngày x 14 ngày + thuốc uống metronidazol 400mg 2 lần/ngày x 14 ngày.
Phác đồ thay thế
- Ceftriaxon 500mg tiêm bắp 1 liều duy nhất+ azithromycin 1g/tuần liên tiếp trong 2 tuần.
Phác đồ 2
- Thuốc uống Ofloxacin 400mg 2 lần/ngày x 14 ngày + Uống Metronidazol 400mg 2 lần/ngày x 14 ngày.
Phác đồ thay thế
- Khi các kháng sinh khác không phát huy được tác dụng, có thể sử dụng Moxifloxacin 400mg uống mỗi ngày một lần, duy trì trong 14 ngày. Tuy nhiên dược tính của thuốc có thể làm tăng men gan cao kèm theo nhiều tác dụng phụ.
Phác đồ trị viêm phần phụ của Sanford Guide 2011 – 2012
- Sử dụng cefoxitin 2g tiêm bắp liều duy nhất + thuốc uống Probenecid 1g 1 liều duy nhất + thuốc uống metronidazol 500mg 2 lần/ngày x 15 ngày + doxycyclin 100mg uống 2 lần/ngày x14 ngày.
Bệnh nhân lưu ý khi dùng kháng sinh chữa viêm phần phụ
- Tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị kháng sinh của bác sĩ, không tự ý thay thuốc hoặc ngưng thuốc
- Không tự kết hợp nhiều các điều trị viêm phần phụ khác nhau trong cùng một thời điểm
- Kiêng quan hệ tình dục đến khi khỏi bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ
- Bổ sung rau xanh, sữa chua, tỏi, hoa quả, đặc biệt các thực phẩm chứa nhiều vitamin C để cơ thể có đủ dinh dưỡng cho các tế bào hồi phục và tăng khả năng miễn dịch. Nên tránh ăn đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga, rượu bia và thuốc lá.
- Tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ
2. Điều trị ngoại khoa
Bệnh viêm phần phụ gây ra rất nhiều biến chứng liên quan đến các bộ phận khác của vùng chậu. Có thể kể đến viêm vòi trứng sưng đỏ, phù nề, vòi trứng bị kết dính, buồng trứng bị kết dính với vòi trứng (hay vòi tử cung), dính ruột, áp xe phần phụ…
Các kỹ thuật chẩn đoán thường là siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
Biện pháp ngoại khoa trong điều trị viêm phần phụ
Biện pháp ngoại khoa can thiệp điều trị bệnh thường sử dụng là thủ thuật mổ nội soi.
Bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi khi đã điều trị nội khoa nhưng kích thước khối viêm giảm ít, khối viêm lớn hơn 3 cm hoặc các trường hợp viêm phần phụ mãn tính.
Mổ nội soi phần phụ được áp dụng phổ biến hơn mổ mở nhờ các ưu điểm sau:
- Các phân tích qua mổ nội soi chính xác, rõ ràng
- Giảm đau sau mổ cho bệnh nhân hơn nhiều so với mổ thường, vì thế người bệnh bớt bị sang chấn sau phẫu thuật.
- Bác sĩ có thể quan sát toàn bộ bộ phận cần phẫu thuật cũng như các bộ phận lân cận
- Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ
- Thời gian phục hồi nhanh, không để lại sẹo trên bề mặt thành bụng.
Các trường hợp mổ nội soi phần phụ phổ biến gồm: Mổ thông vòi tử cung, mổ gỡ dính do viêm, mổ dẫn lưu, chọc hút dịch, mổ xử lý thai ngoài tử cung, mổ cắt bỏ vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, thậm chí là toàn bộ tử cung.
Hồi phục cơ thể sau phẫu thuật ngoại khoa phần phụ
- Bệnh nhân cần tuân thủ kỹ lưỡng những hướng dẫn của bác sĩ và y tá.
- Các nhân viên y tế khi di chuyển giường bệnh cho bệnh nhân cần chú ý nhẹ nhàng.
- Bản thân bệnh nhân cần tránh các vận động mạnh ảnh hưởng đến vết mổ.
- Thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn vô trùng trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu
- Bệnh nhân và người nhà phải tuân thủ theo lời dặn và sự chỉ dẫn thật kĩ của bác sĩ và điều dưỡng.
- Sau phẫu thuật, để các tổn thương mau lành và không bị viêm bội nhiễm, bác sĩ thường kê thêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân, vì thế cần tuân thủ liệu trình này tránh phản tác dụng, bệnh sẽ tái phát.
- Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Nên ăn các thức ăn mềm, lỏng, ít dầu mỡ hoặc đồ nếp.
- Tinh thần người bệnh cần thoải mái, loại bỏ những lo âu để chuyên tâm điều trị bệnh.
Nhìn chung, cũng như bất kỳ bệnh tật nào khác, người mắc viêm phần phụ chịu rất nhiều ảnh hưởng, từ cuộc sống sinh hoạt đảo lộn đến tốn kém chi phí, thời gian để chạy chữa…Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi bệnh viêm vùng chậu là: chị em cần thăm khám tầm soát sức khỏe phụ khoa định kỳ, nghe theo tư vấn của bác sĩ phụ sản về cách thức giữ gìn vệ sinh vùng kín, cách quan hệ tình dục an toàn cũng như chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi.
Chúng tôi đã cung cấp các thông tin chi tiết trong bài viết với mục đích chị em có thể tham khảo, có thêm kiến thức để điều trị bệnh viêm phần phụ. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh viêm phần phụ không hề đơn giản, hiệu quả của từng phương pháp còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa của từng người. Vì thế, các phác đồ điều trị trên không thay thế được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, chị em nên lưu ý không tự ý áp dụng. Chúc chị em nhiều sức khỏe!