Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều chị em phụ nữ. Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn đọc một số “thực phẩm vàng” trong những “ngày ấy”. Hãy theo dõi nhé!
Mục lục
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Đau bụng kinh còn được gọi là thống kinh, là hiện tượng đau vùng bụng dưới rốn ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Đây là tình trạng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ, thông thường nó sẽ xảy ra trong khoảng 1-2 ngày. Tùy theo cơ địa từng người, mức độ và thời gian kéo dài của những cơn đau sẽ khác nhau.
Đau bụng kinh có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân dưới đây:
Nội tiết tố: Khi đến ngày “đèn đỏ”, hormone prostaglandin sẽ được tiết ra nhiều hơn bình thường để giúp tử cung co bóp, đẩy máu kinh ra bên ngoài âm đạo. Sự gia tăng hormone này cũng đồng thời làm xuất hiện những cơn đau tại vùng bụng dưới, có thể kèm theo tình trạng tiêu chảy, buồn nôn. Khi kỳ kinh qua đi, prostaglandin trở về bình thường thì những cơn đau bụng cũng biến mất.
Bệnh lý: Các bệnh lý viêm vùng chậu, viêm buồng trứng hoặc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm lộ tuyến cổ tử cung,… cũng có thể khiến chị em gặp phải tình trạng đau bụng dưới khi đến kỳ kinh.
Đặt vòng tránh thai: Những tháng đầu sau khi mới đặt vòng tránh thai, một số chị em có thể cảm thấy những cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng này xuất hiện kèm theo các biểu hiện như: vùng kín có mùi hôi, chảy máu âm đạo bất thường hoặc đau khi quan hệ tình dục thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra.
Bất thường tại tử cung: Những bất thường tại tử cung như hẹp cổ tử cung, tử cung dị dạng, tử cung ngả trước hoặc sau,… cũng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của kinh nguyệt, khiến gia tăng áp lực bên trong tử cung, từ đó gây đau bụng mỗi khi “đến kỳ”. Ngoài ra, tình trạng tử cung co thắt quá độ ở một số chị em cũng khiến gây ra những cơn đau bụng kinh nghiêm trọng và kéo dài hơn so với những người có tử cung co thắt bình thường.
Ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể khiến cho những cơn đau bụng kinh “ghé thăm” bạn hoặc trở nên nghiêm trọng hơn bình thường.
☛ Xem chi tiết: Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Đau bụng kinh nên ăn gì?
Theo các chuyên gia, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung các thực phẩm hợp lý chính là cách tự nhiên để cải thiện những cơn đau bụng kinh hiệu quả.
Dưới đây là những thực phẩm bạn không nên bỏ qua khi bị đau bụng kinh:
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Hải sản
Trong hải sản có chứa các chất dinh dưỡng như: kẽm, canxi, sắt, vitamin B1, B3, B7, B12, vitamin D, omega-3-6, chất chống oxy hóa,…
Nguồn dưỡng chất dồi dào trong hải sản sẽ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường tái tạo các tế bào máu mới, bù vào lượng máu đã mất đi, đồng thời giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, làm giảm cảm giác mệt mỏi trong những ngày “đèn đỏ”.
Bên cạnh đó, vitamin D và omega-3, omega-6 có tác dụng điều hòa tử cung, làm giảm tình trạng co thắt đột ngột, quá mức khi đẩy máu kinh ra ngoài. Từ đó giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Những loại hải sản chị em nên thêm vào thực đơn trong những ngày “đèn đỏ” bao gồm: Hàu, các hồi, cá ngừ, bề bề, cua, ghẹ,…
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Thực phẩm giàu sắt
Mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt chị em sẽ bị mất đi một lượng máu tương đối nhiều. Điều này khiến cơ thể thường bị mệt mỏi, chóng mặt, dễ nổi nóng,…
Sắt là khoáng chất quan trọng trong cơ thể người, tham gia trực tiếp vào quá trình tổng hợp máu. Do đó, bổ sung những thực phẩm giàu sắt khi đến ngày “đèn đỏ” không chỉ giúp chị em nâng cao sức khỏe, giảm mệt mỏi mà còn cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm đau bụng kinh, đau thắt lưng, căng tức ngực,…
Những thực phẩm giàu sắt có thể kể đến như: lòng đỏ trứng, gan động vật, các loại ngũ cốc, rau chân vịt,…
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Thực phẩm giàu canxi
Canxi và vitamin D là những khoáng chất cần thiết để duy trì một cơ thể và hệ cơ – xương – khớp khỏe mạnh. Bên cạnh đó, canxi cũng có khả năng làm giãn các cơ ở tử cung, giúp tử cung co bóp nhịp nhàng hơn, từ đó giảm tình trạng đau bụng kinh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những triệu chứng tiền kinh nguyệt có xu hướng diễn ra nhiều và nghiêm trọng hơn ở những người phụ nữ có lượng canxi trong cơ thể thấp. Do đó, việc bổ sung canxi sẽ giúp chị em giảm bớt cảm giác khó chịu trước mỗi kỳ kinh nguyệt như đau lưng, đau ngực, đau bụng.
Những thực phẩm giàu canxi mà bạn không nên bỏ qua bao gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa, rau có lá màu xanh đậm, đậu nành, tôm, cua,…
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Socola đen
Socola đen chính là sự lựa chọn tuyệt vời để thêm vào chế độ ăn của chị em trong ngày “đèn đỏ”. Cụ thể, ăn Socola đen vào kỳ kinh nguyệt giúp mang lại những lợi ích sau:
Giảm stress: Theo các chuyên gia, khi đến kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ tăng tiết hormone cortisol, khiến các chị em cảm thấy stress và dễ nổi nóng. Việc bổ sung socola với hàm lượng 70% cacao trở lên có thể làm giảm hormone stress, từ đó cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt và giảm cảm cảm giác căng thẳng, lo âu hiệu quả.
Giúp tâm trạng vui vẻ hơn: Các nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, hàm lượng anandamide dồi dào trong socola đen giúp cơ thể tăng sản sinh serotonin – một hormone có khả năng điều chỉnh tâm trạng, cải thiện cảm xúc bằng cách dẫn truyền thần kinh, từ đó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi đến kỳ nguyệt san.
Giảm đau bụng, đau lưng: Socola đen có khả năng làm tăng lượng hormone endorphin (morphin nội sinh) trong cơ thể, từ đó giúp giảm đau lưng và đau bụng kinh hiệu quả. Ngoài ra, trong socola đen còn chứa magie, có khả năng làm giãn cơ, từ đó giúp làm dịu các cơn đau bụng kinh hiệu quả.
Tăng cường năng lượng: Trong socola đen có chứa rất nhiều sắt, có thể giúp cơ thể bù đắp lượng sắt bị thiếu hụt trong kỳ kinh nguyệt, đồng thời giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, lượng cafein trong socola đen cũng giúp chị em cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn hơn.
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Trái cây tươi
Trái cây tươi chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, giúp chị em tăng cường sức khỏe, giảm bớt cảm giác mệt mỏi trong kỳ kinh nguyệt. Một số loại trái cây bạn nên ăn bao gồm:
- Chuối: Chuối nhiều vitamin B6 và Kali, sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác chướng bụng và đau trong những ngày “đèn đỏ”.
- Dứa: Hoạt chất bromelain trong dứa có khả năng chống viêm và giúp kiểm soát các cơn đau bụng.
- Bơ: Hàm lượng omega-3 dồi dào trong trái bơ sẽ giúp bạn xoa dịu những cơn đau bụng kinh một cách hiệu quả.
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Rau xanh
Rau xanh chứa nhiều chất xơ và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Ăn nhiều rau sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tích cực hơn, đồng thời làm giảm tình trạng chướng bụng, khó tiêu, căng tức bụng,… qua đó gián tiếp làm dịu những đau bụng kinh.
Một số loại rau chị em nên bổ sung trong thời kỳ hành kinh bao gồm: rau chân vịt, bông cải xanh, cải xoăn,…
Đau bụng kinh nên ăn gì? – Gừng
Khi bị đau bụng kinh, chị em có thể dùng củ gừng như một loại “thuốc giảm đau” tự nhiên hữu hiệu. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong gừng chứa các hoạt chất có thể chống lại sự co thắt tử cung quá mức, từ đó giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Cách sử dụng củ gừng để giảm đau rất đơn giản:
Chuẩn bị: 10g bột gừng, 750ml nước, nước cốt của nửa quả chanh tươi, 25g mật ong.
Thực hiện: Cho bột gừng vào nồi đun sôi cùng 750ml nước, để lửa nhỏ đun trong 15 phút, sau đó thêm nước cốt chanh và tắt bếp. Chờ nước gừng nguội, thêm mật ong và uống hết trong ngày.
Đau bụng kinh nên uống nước ấm
Việc uống nước ấm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp tăng cường lưu thông máu, giảm stress,… Bên cạnh đó, uống nước ấm cũng giúp giãn cơ và làm giảm các cơn co thắt, từ đó cải thiện tình trạng đau bụng kinh.
Đau bụng kinh không nên ăn gì?
Dưới đây là những thực phẩm chị em cần tránh ăn khi bị “rớt dâu”:
Thực phẩm chứa nhiều gia vị cay nóng
Những loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi,… có thể gây chướng bụng và khiến bạn bị nóng trong người. Chúng có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu và khiến những cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh
Những món ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên và các loại đồ ăn nhanh khác có thể khiến chị em bị rối loạn tiêu hóa nếu ăn nhiều. Điều này sẽ khiến tạo thêm cảm giác khó chịu ở vùng bụng trong những ngày đèn đỏ.
Thực phẩm chua
Hàm lượng axit cao trong những thực phẩm chua như cam, chanh, me, dưa muối, cà muối,… có thể khiến tử cung co thắt mạnh, làm cho những cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm chứa nhiều muối
Những món ăn chứa nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị tích nước, gây tăng huyết áp, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc ăn nhiều đồ ăn mặn trước và trong kỳ kinh nguyệt sẽ khiến chị em bị đau đầu, dễ cáu gắt và mệt mỏi.
Thực phẩm có tính hàn
Thực phẩm có tính hàn có thể khiến bạn bị lạnh bụng, từ đó khiến những cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Các thực phẩm có thể gây lạnh bụng mà chị em cần hạn chế ăn khi đến tháng bao gồm: thịt vịt, thịt ngan, rong biển, rau đay, mồng tơi,…
Rượu bia, chất kích thích
Chị em cần tránh xa rượu bia và các chất kích thích khi đến tháng bởi chúng có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, khiến những cơn đau trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Đọc thêm: Đau bụng kinh có cần thiết phải uống thuốc giảm đau không?
Lưu ý trong chế độ ăn khi bị đau bụng kinh
Bên cạnh việc ăn uống bổ sung và kiêng khem một số loại thực phẩm kể trên, chị em cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Ăn đa dạng thực phẩm, không ăn liên tiếp một món trong 3 bữa liền.
- Ưu tiên lựa chọn những thực phẩm tươi sống
- Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi
- Tránh xa các thực phẩm mà bản thân có tiền sử dị ứng
Bên cạnh đó, chị em cũng nên dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, vận động và tập luyện nhẹ nhàng để giảm bớt cảm giác khó chịu trong những ngày “rớt dâu”.
Hi vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trên đây có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng đau bụng kinh. Trong trường hợp xuất hiện những cơn đau dữ dội hoặc xuất hiện kèm theo những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt nhé!