Khí hư vẫn ra sau khi chị em phụ nữ chữa viêm lộ tuyến là tình trạng thường gặp khi điều trị bằng phương pháp đốt. Triệu chứng này có gây nguy hiểm hay không? Và tại sao sau khi điều trị viêm lộ tuyến lại vẫn ra khí hư? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc đó của bạn đọc.
Mục lục
1. Viêm lộ tuyến là gì? Những đối tượng nào dễ bị viêm lộ tuyến?
Khi các tế bào tuyến ở cổ tử cung phát triển quá mức, to dần ra và lan ra phía bên ngoài cổ tử cung gây nên tình trạng viêm lộ tuyến. Lúc này, biểu mô da ở bên ngoài cổ tử cung không còn làm nhiệm vụ bao bọc các tế bào tuyến. Đây là cơ hội thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn, virus xâm nhập vào âm đạo và gây nên tình trạng viêm.
Những đối tượng dễ bị viêm lộ tuyến
Theo số liệu nghiên cứu thì có tới 50 – 60% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ mắc viêm lộ tuyến. Ngoài ra, còn hay gặp ở những đối tượng:
- Phụ nữ đã sinh con nhiều lần, cổ tử cung bị giãn rộng.
- Người có quan hệ tình dục với tần suất cao, trong quá trình quan hệ thì thô bạo.
- Phụ nữ đã qua phá thai hay phá thai nhiều lần, phá thai ở những cơ sở không đảm bảo uy tín, không có giấy phép hành nghề.
- Người có những hoạt động không tốt cho tử cung như: công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, đứng lâu, hay phải di chuyển trên những đoạn đường gồ ghề.
Dấu hiệu nhận biết bạn mắc viêm lộ tuyến
- Khí hư ra nhiều một cách bất thường
- Khí hư có màu sắc thay đổi
- Khi quan hệ tình dục thì ra máu
Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh phụ khoa khác. Do đó, bệnh nhân chỉ phát hiện ra mình bị viêm lộ tuyến khi đi khám các bệnh phụ khoa mà không phải viêm lộ tuyến.
2. Các phương pháp chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến là một bệnh lành tính, tuy nhiên nếu bạn không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề, không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng.
Có 2 phương pháp điều trị : đông y và tây y
- Theo Đông y, có thể sử dụng các bài thuốc từ cây Hoàng bá, Ích mẫu và Trinh nữ hoàng cung.
- Theo Tây y, sử dụng thuốc kháng sinh để tác động trực tiếp đến nguyên nhân gây bệnh, tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh hoặc can thiệp bằng những thủ thuật ngoại khoa để cắt bỏ những tế bào gây bệnh.
Khi đến khám và điều trị, bạn sẽ được bác sĩ khám và chỉ định những phương pháp điều trị thích hợp nhất tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
Viêm lộ tuyến mức độ 1 (tổn thương chiếm 30% diện tích), tổn thương ở mức độ này còn nhẹ, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc uống và đặt âm đạo thích hợp. Giai đoạn này, nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, viêm lộ tuyến sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào cũng như không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Viêm lộ tuyến mức độ 2 (tổn thương chiếm 60% diện tích cổ tử cung) xuất hiện các triệu chứng như xuất huyết âm đạo, vùng chậu, vùng bụng dưới đau âm ỉ. Ở mức độ tổn thương này, dựa vào tình trạng viêm và cơ địa bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định và quyết định bệnh nhân nên sử dụng thuốc hay phẫu thuật.
Ở giai đoạn cuối, giai đoạn 3, tổn thương chiếm đến gần hết cổ tử cung. Khi đó, kháng sinh được sử dụng lúc này không đạt hiệu quả điều trị, phương pháp can thiệp ngoại khoa bắt buộc được áp dụng điều trị (phương pháp chính hay áp dụng là đốt viêm lộ tuyến và cắt viêm lộ tuyến bằng sóng cao tần).
3. Tại sao chữa viêm lộ tuyến bằng phương pháp đốt lại tiếp tục ra khí hư?
Phương pháp đốt được áp dụng khi bệnh nhân ở mức độ 3, mức độ nặng, những người đã kết thúc quá trình điều trị.
Ưu điểm của phương pháp đốt: thao tác nhanh, áp dụng cho cả trường hợp tế bào tuyến sâu, lan rộng.
Nhược điểm: phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ do nếu điều chỉnh không đúng được nhiệt độ, tử cung sẽ để lại sẹo, độ đàn hồi của tử cung cũng giảm bớt gây ảnh hưởng lên quá trình thụ thai sau này.
Khuyến cáo: không nên áp dụng với phụ nữ chưa sinh nở hoặc muốn sinh thêm con.
Như vậy, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng chữa viêm lộ tuyến xong vẫn ra khí hư:
Do hiện tượng sinh lý
Ở tuần đầu tiên của liệu trình điều trị, tại âm đạo sẽ chảy ra một chất lịch lỏng, có màu vàng, không mùi. Nguyên nhân là do sau quá trình đốt, vết thương đó đang dần dần hồi phục, chất dịch đó tương tự như khi bạn tổn thương ở da, đó chính là nước tương có trong máu. Như vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm nếu thấy tình trạng này, do nó là hiện tượng sinh lý bình thường có thể gặp phải.
Sang tuần thứ 2 điều trị, khí hư sẽ có màu hơi hồng, tuần thứ 3, khí hư có thể có lẫn máu. Nguyên nhân do vết thương này bắt đầu lành lại, bong tróc ra bên ngoài (hay gọi là lớp mày).
Chính những lý do trên mà sau khi thực hiện điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng phương pháp đốt, chị em phụ nữ thấy mình ra khí hư không có mùi, không gây tổn thương, ngứa rát hay đau đớn bên trong vùng kín thì cũng không cần lo lắng một cách thái quá.
Khi đó, việc giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín là điều quan trọng nhất. Băng vệ sinh hay quần lót được thay thường xuyên để luôn đảm bảo vùng kín được khô thoáng, sạch sẽ. Chú ý trong quá trình điều trị, cần tuân thủ nghiêm chỉnh phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, chấp hành đúng những lời khuyên sau khi kết thúc chế độ điều trị về cách dùng thuốc, cách vệ sinh,…Nếu vẫn phải dùng thuốc, tuyệt đối uống đúng liều, không bỏ ngang giữa chừng.
Do viêm nhiễm phụ khoa
Dấu hiệu cho thấy bạn đã bị viêm nhiễm phụ khoa là khí hư sau khi điều trị viêm lộ tuyến có một trong các màu sắc: màu vàng, màu xanh hay trắng đục,… và thấy các triệu chứng kèm theo như ngứa ngáy và đau rát vùng kín.
Khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường sau khi điều trị, cần nhanh chóng đến cơ sở có uy tín để được sự tư vấn tốt nhất của chuyên khoa, tránh để tình trạng bệnh sẽ ngày một nặng thêm.
Những nguyên nhân gây nên tình trạng này bao gồm:
- Cơ sở điều trị viêm lộ tuyến mà điều trị cho bạn không đảm bảo chất lượng, dụng cụ phẫu thuật không được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ.
- Khi thực hiện, không loại bỏ dứt điểm tế bào tuyến bò ra ngoài cổ tử cung.
- Chế độ chăm sóc sau khi điều trị bạn thực hiện không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh vùng kín không đúng cách,…Đây có thể là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, virus hay nấm gây bệnh tấn công trở lại âm đạo, gây ra viêm nhiễm.
- Không tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bỏ thuốc giữa chừng.
- Vết thương sau phẫu thuật chưa lành hẳn nhưng đã thực hiện quan hệ tình dục. Điều này rất dễ gây tổn thương cho âm đạo, cho tử cung. Khuyến cáo: thông thường để đảm bảo vết đốt đã khỏi dứt điểm, bạn nên kiêng quan hệ trong vòng 1 – 2 tháng, thời gian này có thể tùy thuộc vào từng người (khả năng hồi phục của họ và mức độ bệnh của họ trước đó).
Khi xảy ra viêm nhiễm, có thể gặp lại ở chỗ viêm cũ nhưng cũng có thể kéo theo cả viêm âm đạo.
Đọc thêm: Viêm lộ tuyến 1cm có nên đốt điện hay không?
4. Lưu ý sau khi chữa lộ tuyến bằng phương pháp đốt
Sau khi thực hiện phương pháp đốt, để quá trình hôì phục được nhanh chóng, nên tuân thủ chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Cụ thể là
Chế độ sinh hoạt:
- Trong tuần đầu điều trị, có thể chảy ra chất dịch màu vàng. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường.
- Chế độ chăm sóc đúng cách và hợp lý. Vùng kín phải luôn được giữ ở trạng thái khô thoáng, sạch sẽ.
- Chọn những đồ lót từ chất liệu có khả năng thấm hút tốt, tránh những đồ bó sát “cô bé”.
- Tránh ngâm hay thực hiện những động tác thô bạo như thụt rửa sâu vào trong âm đạo khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
- Khi chưa khẳng định bệnh đã được điều trị dứt điểm, tuyệt đối kiêng việc quan hệ vợ chồng, đa số thời gian kiêng là 1 – 2 tháng để tránh những tổn thương cho âm đạo.
- Những hoạt động mạnh, có tính kích thích cao như các môn thể thao mạnh, mạo hiểm cần hạn chế tham gia.
- Tránh đi xe máy, xe buýt đường dài, qua những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu để giảm thiểu tác động lên vết thương
Chế độ dinh dưỡng:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng và chất xơ.
- Hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ, cay nóng, tránh sử dụng những chất kích thích hay đồ uống có cồn.
- Nên đến tái khám để kiểm tra mức độ hồi phục của bệnh.
- Trong quá trình điều trị, tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, tiết kiệm chi phí.
- Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường nào khác, đến ngay bác sĩ tư vấn để có hướng điều trị tốt nhất. Tránh để diễn biến bệnh kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Bài viết trên đây đã giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về câu hỏi “tại sao chữa viêm lộ tuyến vẫn ra khí hư?”. Hi vọng bài viết sẽ được bạn đọc đón nhận một cách tích cực nhất.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.