Việc nắm rõ chu kỳ kinh nguyệt của bản thân sẽ khiến chị em phụ nữ theo dõi sức khỏe sinh sản, đồng thời phát hiện những bất thường để có thể thăm khám và áp dụng biện pháp can thiệp kịp thời. Vậy chu kỳ kinh nguyệt tính thế nào? Hãy theo dõi nội dung dưới đây để có thêm thông tin nhé!
Mục lục
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là những thay đổi về mặt sinh lý, có tính chất lặp đi lặp lại do sự điều khiển của hormon sinh dục trong cơ thể nữ giới. Thông thường, kinh nguyệt sẽ xảy ra mỗi tháng 1 lần khi không mang thai, bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi dậy thì và kéo dài đến hết độ tuổi mãn kinh (trung bình từ 12 đến 55 tuổi).
Ngoài ra, về mặt sinh học, chu kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi cấu trúc, chức năng của niêm mạc tử cung do sự tác động của hormone tuyến yên và buồng trứng. Cụ thể, niêm mạc tử cung dày lên và bong tróc, dẫn đến tình trạng chảy máu theo chu kỳ. Đây là hiện tượng bình thường xảy ra ở nữ giới, nó rất cần thiết và có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.
Tùy theo cơ địa từng người, thời gian “đèn đỏ” sẽ diễn ra trong khoảng từ 3-7 ngày, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 28-30 ngày, một số trường hợp có thể lên tới 35 ngày.
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày thấy hành kinh đầu tiên trong tháng cho đến ngày bắt đầu hành kinh của của tháng tiếp theo. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt sẽ được chia ra thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn hành kinh: Đây là giai đoạn lớp niêm mạc tử cung và dịch nhầy bong ra, được đẩy ra bên ngoài qua đường âm đạo. Máu kinh sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày, có thể kèm theo các triệu chứng như đau lưng, căng tức ngực, đau bụng dưới,… sau đó dần biến mất cùng với hành kinh.
Giai đoạn nang trứng: Xảy ra cùng lúc với giai đoạn hành kinh và kéo dài khoảng 13 ngày. Dưới sự tác động của các nang trứng, niêm mạc tử cung trở nên dày và xốp hơn, tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai.
Giai đoạn rụng trứng: Đây là giai đoạn thường xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn này, trứng sẽ được phóng thích từ buồng trứng, chúng sẽ tồn tại trong 12-24h, trong khi đó tinh trùng lại có thời gian sống lên đến 5 ngày, do đó nếu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn trong ngày 10-15 của chu kỳ kinh nguyệt thì khả năng thụ thai là rất cao.
Giai đoạn hoàng thể: Giai đoạn này thường diễn ra sau khi trứng rụng (thường vào ngày 15 của chu kỳ) và kéo dài từ 11-17 ngày. Đây không phải giai đoạn có cơ hội thụ thai cao, vào những ngày cuối của giai đoạn này, bạn có thể cảm nhận được một vài triệu chứng tiền kinh nguyệt cho chu kỳ tiếp theo như đau lưng, đau tức ngực,…
Tính chu kỳ kinh nguyệt để làm gì?
Ngoài việc theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm những bất thường, việc tính chu kỳ kinh nguyệt sẽ mang lại cho chị em một số lợi ích như:
Tác động đến ngày kinh nguyệt theo ý muốn
Việc thường xuyên theo dõi và tính chính xác được chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn thay đổi ngày đèn đỏ theo ý muốn của mình. Ví dụ, nếu bạn có chuyến du lịch diễn ra vào đúng ngày hành kinh, bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai để dời ngày “rớt dâu” lại muộn hơn.
Thuốc tránh thai sẽ ngăn rụng trứng, giữ lớp niêm mạc và máu lại trong tử cung và làm kinh nguyệt tới trễ hơn bình thường. Tuy nhiên, một số người sẽ không được sử dụng phương pháp này như: người mắc bệnh thiếu máu, suy gan, ung thư vú, lupus ban đỏ, tăng sản nội mạc tử cung, viêm tắc tĩnh mạch,…
Tăng khả năng thụ thai theo ý muốn
Đã có rất nhiều người áp dụng phương pháp tính chu kỳ kinh nguyệt vào việc thụ thai theo ý muốn. Cụ thể, thời điểm có khả năng thụ thai cao nhất là khoảng 3-4 ngày trước và sau ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là trước và sau khi rụng trứng 1 ngày.
Tuy nhiên, việc thụ thai thành công hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: sức khỏe của vợ và chồng, chất lượng trứng và tinh trùng, tần suất quan hệ,…
☛ Xem thêm: Tính ngày thụ thai sinh con theo ý muốn
Tránh thai theo ý muốn
Bên cạnh thời điểm vàng để thụ thai, trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ có thời điểm quan hệ an toàn. Cụ thể:
- Thời điểm có khả năng tránh thai cao: là khoảng thời gian mà bạn có thể quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn mà vẫn không xảy ra hiện tượng thụ thai. Thời gian này sẽ được tính từ ngày kết thúc thời điểm nguy hiểm cho đến ngày đầu tiên của kỳ hành kinh tiếp theo.
- Thời điểm có khả năng tránh thai tương đối: Là thời gian tính từ ngày bắt đầu có kinh nguyệt cho đến khi bắt đầu mốc thời gian nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là thời điểm trứng sắp rụng, vì thế nếu trứng rụng sớm thì vẫn có khả năng gặp được tinh trùng và quá trình thụ thai vẫn sẽ diễn ra. Vì vậy, khả năng tránh thai của giai đoạn này chỉ ở mức tương đối.
Chu kỳ kinh nguyệt tính thế nào?
Chị em có thể tính chu kỳ kinh nguyệt của mình theo cách sau:
- Đánh dấu ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt: Ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt chính là ngày đèn đỏ xuất hiện đầu tiên, bạn hãy lấy bút và đánh dấu lên lịch.
- Tiếp tục theo dõi ngày xuất hiện kinh nguyệt đầu tiên của những lần đèn đỏ tiếp theo, sau đó tiếp tục lấy bút và đánh dấu lại ngày này.
- Từ 2 bước trên, bạn sẽ có được ngày đầu tiên và ngày bắt đầy của chu kỳ kinh, từ đó tính được chu kỳ kinh của mình.
- Bạn nên theo dõi liên tục trong ít nhất 6 tháng để tính được độ dài trung bình của 1 chu kỳ, nhờ đó bạn có thể dự đoán ngày đèn đỏ tiếp theo một cách chính xác nhất.
Ví dụ: Thời gian bắt đầu kinh nguyệt của bạn là ngày 1/10/2020, thời gian bắt đầu kỳ kinh nguyệt tiếp theo là 30/10/2020 thì chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 29 ngày.
Ngoài ra, hiện nay đã có rất nhiều App tính chu kỳ kinh nguyệt trên các nền tảng ứng dụng điện thoại thông minh, bạn có thể lên Appstore hoặc Google play tải những ứng dụng này về để theo dõi chu kỳ một cách tiện lợi nhất.
Chu kỳ kinh nguyệt thế nào là bất thường?
Chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau, ngoài ra, độ dài của chu kỳ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: sức khỏe, sinh hoạt và ăn uống không hợp lý, tác dụng phụ của một số thuốc,… Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà chủ quan, bởi đôi khi đó cũng là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt được xem là bất thường nếu ngắn hơn 22 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, thậm chí có những người không có kinh từ 6 tháng trở lên (vô kinh).
Bên cạnh đó, một số bất thường về kinh nguyệt bạn cũng cần phải lưu ý như:
- Rong kinh: Là hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và quá 7 ngày, kinh nguyệt có lẫn các cục máu đông, một số có thể có màu sắc bất thường.
- Thiểu kinh: Là hiện tượng kinh nguyệt ra ít hơn 2 ngày và dưới 30ml/kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra do nội mạc tử cung quá mỏng hoặc có thể báo hiệu những bệnh lý như suy buồng trứng sớm, viêm dính buồng tử cung, ung thư buồng trứng,…
- Cường kinh: Là hiện tượng ra máu kinh kéo dài nhiều ngày, lượng máu ra nhiều trên 150ml/kỳ. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như Polyp cổ tử cung, Polyp phát triển từ nội mạc tử cung, U xơ cổ tử cung, ung thư cổ tử cung,…
- Bế kinh: Là hiện tượng máu kinh vẫn tiết ra vào đúng thời gian hành kinh nhưng vì lý do nào đó mà không thể được tống ra ngoài qua đường âm đạo. Một số dị tật bẩm sinh có thể dẫn đến tình trạng này như: màng trinh không có thủng, âm đạo có vách ngăn, không có âm đạo,… Tình trạng này có thể khiến niêm mạc tử cung bị phá hủy, khiến người bệnh có nguy cơ bị vô sinh cao.
- Rong huyết: Là hiện tượng ra máu nhiều hơn 7 ngày nhưng không phải vào ngày “đèn đỏ”.
- Bất thường về màu sắc máu kinh: Máu kinh thông thường sẽ có màu đỏ thẫm, mùi hơi tanh. Nếu máu kinh có những màu sắc khác như: hồng nhạt, cam, trong hoặc màu đen thì được xem là bất thường. Những bất thường này có thể xuất phát do rối loạn nội tiết tố hoặc bệnh lý.
Có thể thấy, tính chu kỳ kinh nguyệt là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa với chị em phụ nữ. Ngoài việc phòng tránh thai theo ý muốn, nó cũng giúp phát hiện những bất thường về sức khỏe. Vì vậy hãy bắt tay vào tính chu kỳ kinh nguyệt ngay vào kỳ hành kinh tới đây bạn nhé. Chúc bạn luôn vui khỏe và hạnh phúc!