Ngày đèn đỏ của phái nữ thường được báo trước bằng những triệu chứng không mấy dễ chịu. Đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy là biểu hiện thường trước kỳ kinh nguyệt, thậm chí cả trong kỳ kinh nguyệt của các chị em. Vì sao bạn có cảm giác bụng dường như phình to ra khi đến tháng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu lý do trong nội dung bên dưới nhé.
Mục lục
- Tại sao bụng lại to ra khi đến kỳ kinh nguyệt?
- Làm thế nào để giảm bớt tình trạng đầy hơi, chướng bụng khi đến tháng?
- Giảm lượng muối trong thức ăn
- Cắt giảm thực phẩm có thể gây ra tích khí
- Giảm thiểu tinh bột
- Hãy thử một chế độ ăn thuần chay
- Giảm thiểu thực phẩm có thể gây trào ngược axit
- Ăn thực phẩm giàu kali
- Ăn thực phẩm có chất béo lành mạnh
- Uống đủ nước
- Đảm bảo tập thể dục
- Cắt giảm Đường, Rượu và Caffeine
- Cắt bỏ đồ uống có ga
- Không ăn quá no vào một lúc
- Ngủ nhiều hơn
Tại sao bụng lại to ra khi đến kỳ kinh nguyệt?
Theo nghiên cứu của tiến sĩ sản khoa nổi tiếng Diana Bitner từ Mỹ thì 70% phụ nữ thường có biểu hiện chướng bụng, đầy hơi và cảm giác bụng phình to ra mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, đi kèm với rất nhiều những triệu chứng khác như tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng, đau nhức cơ thể, thay đổi tâm trạng…Tuy nhiên, hầu hết trong số các trường hợp này lại không hề biết lý do thực sự vì sao mình lại có cảm giác chướng bụng, mà chỉ coi đó là một hiện tượng hiển nhiên mỗi khi đến tháng.
Lý giải được nguyên nhân bị đầy hơi, chướng bụng khiến bụng to ra khi đến kỳ kinh nguyệt giúp chúng ta hiểu bản chất cơ chế hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và biết cách để làm giảm bớt tình trạng này, khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn trong vô vàn những rắc rối khi ngày kinh nguyệt đến.
Thay đổi nồng độ hormone khiến gia tăng tích trữ nước
Cảm giác bụng phình to khi đến tháng là do hiện tượng tích nước tế bào và đầy hơi, tích khí trong các cơ quan tiêu hóa. Đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt có thể do sự thay đổi nồng độ của các hormone nội tiết như progesterone và estrogen.
Khi kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đến gần, mức độ hormone progesterone giảm xuống khiến tử cung bong tróc lớp niêm mạc, đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu kinh nguyệt hay còn gọi là hành kinh.
Ngoài việc gây ra hiện tượng chảy máu kinh nguyệt, nghiên cứu cho thấy rằng sự thay đổi nồng độ progesterone và estrogen khiến cơ thể giữ nước và muối nhiều hơn. Các tế bào của cơ thể bị lớn hơn về thể tích, gây ra cảm giác bụng phình to hơn bình thường.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng đầy hơi và tích nước sẽ tồi tệ nhất vào những ngày đầu tiên của kỳ kinh sau đó giảm dần và hết hẳn vào cuối kỳ kinh nguyệt.
Các vấn đề tiêu hóa liên quan đến sự thay đổi hormone
Vào những ngày trước và trong kỳ kinh nguyệt, một loại hormone quan trọng khác có tên gọi là Prostaglandin, chúng có thể tồn tại ở các vị trí niêm mạc tử cung, dạ dày, ruột, đại tràng… Sự tăng sản sinh Prostaglandin tạo ra các phản ứng co thắt dạ dày, đường ruột gây ra các cơn đau đớn chính là hiện tượng đau bụng kinh. Sự thay đổi của các loại hormone khiến tốc độ tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng, dẫn đến tích khí trong ruột, dạ dày gây đầy hơi, căng trướng kèm theo các triệu chứng tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày hoặc trào ngược thực quản.
Như vậy, hiện tượng căng trướng bụng trong kỳ kinh nguyệt xảy ra phần lớn do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone nội tiết. Chính vì vậy, các bạn cũng không cần quá lo lắng bởi hầu như chúng sẽ biến mất vào cuối và sau kỳ kinh nguyệt của bạn. Trong trường hợp, bụng to ra đi kèm các biểu hiện đầy hơi, buồn nôn, chán ăn hoặc các rối loạn tiêu hóa, chúng tôi giới thiệu một số phương pháp có thể làm thuyên giảm tình trạng này, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn ít nhiều.
Làm thế nào để giảm bớt tình trạng đầy hơi, chướng bụng khi đến tháng?
Giảm lượng muối trong thức ăn
Lượng muối trong cơ thể cao cũng góp phần gây đầy hơi . Điều này là do khi bạn ăn nhiều muối, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giữ lại nhiều nước hơn để bạn không bị mất nước. Giảm thiểu lượng muối tiêu thụ trong các bữa ăn trước khi có kinh có thể giúp giảm chứng đầy hơi trong thời kỳ kinh nguyệt.
Tránh ăn các thức ăn chế biến sẵn trong khoảng thời gian này, vì chúng cũng sẽ góp phần giữ nước, khiến bụng phình to và luôn có cảm giác đầy hơi.
Cắt giảm thực phẩm có thể gây ra tích khí
Cách tốt nhất để giảm thiểu chứng đầy hơi là hạn chế ăn những thức ăn gây đầy hơi cho bạn. Có một số loại thực phẩm khiến hệ tiêu hóa hoạt mất nhiều thời gian để xử lý và hậu quả tất yếu là sẽ sản sinh và tích tụ lượng khí lớn trong đường tiêu hóa của bạn. Điều này khiến cho tình trạng đầy hơi càng trần trọng hơn.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm một số loại rau (như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng và cải Brussels), đậu, đậu lăng, sữa bò, khoai tây và ngô có thể sinh ra hiện tượng tích khí, bạn nên hạn chế sử dụng chúng trong những ngày kinh nguyệt.
Giảm thiểu tinh bột
Trong những ngày đèn đỏ, các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột như cơm gạo, bột mì, ngô, khoai bởi chúng thực sự giữ nước và thường mang lại cảm giác đầy bụng. Việc giảm tiêu thụ tinh bột có thể giúp giảm bớt cảm giác căng trướng bụng.
Hãy thử một chế độ ăn thuần chay
Một số nghiên cứu từ Mỹ cho thấy chế độ ăn thuần chay ít béo vào những ngày kinh nguyệt có thể làm giảm đáng kể chứng đầy hơi và các hội chứng tiền kinh nguyệt khác như đau bụng kinh, chuột rút, bồn chồn, lo lắng…Hãy thử nghiệm chế độ ăn thuần chay và biết đâu bạn sẽ thích và muốn gắn bó hơn với nó.
Giảm thiểu thực phẩm có thể gây trào ngược axit
Trào ngược axit dạ dày thực quản thường kèm theo triệu chứng ợ hơi. Bạn có thể làm thuyên giảm các cơn trào ngược axit bằng cách tránh xa các loại thực phẩm có nhiều tiêu, ớt, nước sốt nóng, mù tạt, giấm, sốt cà chua, đinh hương và tương cà – những thực phẩm này có thể gây ra một số trào ngược và từ đó gây đầy hơi.
Ăn thực phẩm giàu kali
Bổ sung thực phẩm giàu Kali có thể giúp cơ thể điều tiết và bài thải chất lỏng như nước tiểu và mồ hôi, giúp giảm bớt sự tích nước khiến bạn thấy nhẹ bụng hơn nhiều. Tăng cường sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều kali thường là chuối, cà chua, khoai lang, măng tây, dưa hấu… trong ngày kinh nguyệt rất tốt cho sức khỏe.
Ăn thực phẩm có chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh chứa trong các thực phẩm như quả bơ, quả hạch và hạt chia. Những thực phẩm này thực sự có thể giúp giảm các hormone gây đầy hơi.
Uống đủ nước
Uống đủ nước để cơ chế bài tiết của cơ thể diễn ra bình thường. Việc bạn uống ít nước sẽ khiến cơ thể bạn sinh ra phản ứng bảo vệ bằng cơ chế giữ nước trong các cơ quan và tế bào, thay vì để chúng bài tiết ra ngoài như bình thường.
Đảm bảo tập thể dục
Tập thể dục được chứng minh là có thể giúp điều trị tất cả các triệu chứng tiền kinh nguyệt và đầy hơi cũng không ngoại lệ. Tập thể dục giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt và tăng lưu thông máu – cả hai đều có thể giúp giảm các triệu chứng căng trướng bụng của bạn. Tuy nhiên, tập thể dục quá sức cùng không tốt vào ngày đèn đỏ vì có thể khiến bạn ra nhiều máu kinh hơn, vì vậy hãy tập nhẹ nhàng hằng ngày trước, trong và sau thời gian có kinh nguyệt.
Cắt giảm Đường, Rượu và Caffeine
Bộ ba này đều có nguy cơ làm tăng chứng đầy hơi và khiến cơ thể mất nước, kích hoạt cơ chế giữ nước của cơ thể khiến cho cảm giác căng bụng thường trực. Vì vậy, phụ nữ nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm này khi bị hành kinh.
Cắt bỏ đồ uống có ga
Sử dụng đồ uống có gas khiến bạn nuốt vào nhiều không khí hơn bình thường và nó cũng góp phần xảy ra tình trạng trào ngược axit. Hạn chế đến mức tối thiểu các loại đồ uống có gas là một cách rất tốt để nhẹ bụng khi đến tháng.
Không ăn quá no vào một lúc
Ăn quá nhiều, quá no một lúc có thể gây chậm tiêu, thức ăn không tiêu hóa được bắt đầu lên men trong cơ thể, gây ra khí . Hãy thử ăn thường xuyên hơn, chia thành nhiều bữa nhỏ hơn để vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng mà không bị đầy hơi.
Ngủ nhiều hơn
Giấc ngủ rất quan trọng đối với nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm cả việc giải quyết chứng đầy hơi . Trong thời gian chúng ta ngủ, các cơ quan vẫn hoạt động và tự điều chỉnh các rối loạn đang diễn ra và điều đó bao gồm việc di chuyển bất kỳ chất lỏng, chất khí dư thừa nào từ bụng của bạn để đào thải ra ngoài. Nếu bạn không cung cấp cho cơ thể thời gian cần thiết cho quá trình duy trì quan trọng này, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy bụng trướng căng và stress, mệt mỏi hơn.
Cuối cùng, sau tất cả các biện pháp này mà tình trạng đầy hơi, trướng bụng của bạn vẫn không thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn, hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa, có thể bạn cần đến một cuộc kiểm tra tổng quát để sàng lọc thêm nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng nghiêm trọng. Hi vọng bài viết này đã giải đáp phần nào thắc mắc của chị em khi thấy bụng của mình dường như lớn hơn khi đến ngày kinh nguyệt. Với những phương pháp để xử lý tình trạng đầy hơi, chướng bụng khi đến kỳ đã nêu ở trên, chị em có thể tham khảo áp dụng để luôn cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh về thể chất, tinh thần trong ngày đèn đỏ nhé.
Tìm hiểu thêm:
- Chưa hết hẳn kinh nguyệt mà quan hệ liệu có dính bầu không?
- Căng thẳng có phải lý do gây rối loạn kinh nguyệt?