Bệnh sùi mào gà là một trong những căn bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường tình dục, gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe sinh sản mỗi cá nhân. Căn bệnh xã hội này nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng phức tạp. Thông tin dưới đây là những kiến thức cơ bản về bệnh sùi mào gà giúp bạn phát hiện bệnh sớm.
Mục lục
- Bệnh sùi mào gà là gì?
- Triệu chứng của bệnh sùi mào gà
- Dấu hiệu bệnh sùi mào gà xuất hiện ở nam giới
- Triệu chứng sùi mào gà ở phụ nữ
- Nguyên nhân bệnh sùi mào gà
- Yếu tố nguy cơ của bệnh sùi mào gà mà ai cũng nên biết
- Quan hệ an toàn có bị bệnh sùi mào gà không?
- Bệnh sùi mào gà có nguy hiểm không?
- Làm thế nào để chẩn đoán bệnh sùi mào gà để điều trị sớm?
- Cách chữa trị bệnh sùi mào gà
- Cách phòng tránh bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà hay còn gọi là mụn cóc sinh dục, là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Chúng có thể gây đau rát, khó chịu và ngứa ngáy.
Đây là căn bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do các chủng virus Human Papilloma Virus (HPV) gây ra. Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ), sùi mào gà là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo như thống kê, bệnh sùi mào gà xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân là do nữ giới thường tiếp nhận tinh dịch của nam giới khi quan hệ tình dục và môi trường pH âm đạo phù hợp cho loại virus này phát triển. Nhiễm HPV gây nguy hiểm cho phụ nữ vì ở các chủng có nguy cơ cao có thể dẫn tới các biến chứng như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ.
Vậy sùi mào gà có thể lây qua những con đường nào? Theo chuyên gia thì sùi mào gà có khả năng lây nhiễm qua 3 con đường chính: lây qua quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và qua vết thương hở.
Triệu chứng của bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà lây truyền qua đường tình dục, trong đó bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hay hậu môn.
Khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể, virus này thường không gây ra triệu chứng và thường ủ bệnh trong một khoảng thời gian khá dài, từ 3 tuần đến 9 tháng, thậm chí là vài năm. Hay gặp nhất là thời gian ủ bệnh 3 tháng.
Bệnh sùi mào gà giai đoạn đầu có các nốt sùi nhỏ, màu da, nhạt hoặc hơi sẫm hơn. Phần đầu của các nốt có hình dạng như chiếc mào gà, sờ vào thấy mịn hoặc hơi gồ ghề. Ngoài ra nó cũng có thể như một mụn cơm hoặc một cục mụn cóc. Các triệu chứng sùi mào gà có thể khác nhau tùy theo giới tính.
Dấu hiệu bệnh sùi mào gà xuất hiện ở nam giới
Sùi mào gà giai đoạn đầu ở nam giới có thể xuất hiện ở các khu vực dương vật, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh hậu môn. Ban đầu các nốt sùi mọc đơn độc, có màu hồng, nhỏ và không ngứa nên khó phát hiện.
Sau đó, các nốt sùi có thể lây lan, trở nên lớn hơn, ngày càng phát triển thành các hình dáng như súp lơ hay mào gà. Các nốt sùi có thể gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Bên trong các nốt có chứa dịch, khi ấn mạnh có thể chảy dịch ra, gây mùi hôi. Thậm chí có cảm giác đau và chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
Mụn cóc sinh dục cũng có thể xuất hiện ở môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng ở người quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm HPV.
Triệu chứng sùi mào gà ở phụ nữ
Nốt sùi nhiễm HPV ở nữ giới thường xuất hiện ở trong hoặc ngoài âm đạo, hậu môn và cổ tử cung.
Tương tự như nam giới, các nốt sùi mào gà cũng có thể xuất hiện ở một vài vị trí khác nhau trên cơ thể và gây ra các triệu chứng như: tiết dịch âm đạo, ngứa bộ phận sinh dục, bỏng rát, chảy máu và thấy đau khi quan hệ tình dục,…
Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay khi cảm thấy các triệu chứng đã kể trên hoặc khi cơ thể có các dấu hiệu sau:
- Bộ phận sinh dục kích ứng hoặc ngứa ngáy
- Đau mỗi khi quan hệ tình dục
- Đi tiểu khó khăn, thấy đau rát
- Cơ quan sinh dục tiết dịch tiết bất thường, có mùi hôi, sưng tấy.
Nguyên nhân bệnh sùi mào gà
Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh sùi mào gà sinh dục. Loại virus này có tổng khoảng 120 chủng và trong đó có 40 chủng thường gây bệnh liên quan đến quan hệ tình dục, nhưng chỉ có một vài trong số này là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục.
Hai nhóm chủng virus hay gặp trong bệnh sùi mào gà:
- Nhóm lành tính: chủng hay gặp nhất gây bệnh sùi mào gà là HPV-6 và HPV-11, không gây biến chứng là ung thư.
- Nhóm nguy cơ cao: chủng HPV-16 và HPV-18 là nhóm nguy cơ cao dẫn tới ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn và hầu họng,…
Yếu tố nguy cơ của bệnh sùi mào gà mà ai cũng nên biết
Có tới 50% số người từng mắc ít nhất một lần căn bệnh sùi mào gà trong cả cuộc đời này, theo thông tin của CDC Hoa Kỳ. Vì vậy việc nhận biết các yếu tố nguy cơ để có thể tránh bị nhiễm bệnh là điều cần thiết.
Các yếu tố tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh sùi mào gà:
- Quan hệ tình dục không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
- Không biết tiền sử các mối quan hệ tình dục của bạn tình.
- Quan hệ với nhiều bạn tình.
- Nhiễm một bệnh khác trong danh sách các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Quan hệ tình dục khi còn nhỏ tuổi.
- Hệ miễn dịch yếu như nhiễm HIV,…
- Người nghiện và hút thuốc lá.
- Có người mẹ bị nhiễm HPV.
Quan hệ an toàn có bị bệnh sùi mào gà không?
Câu trả lời là có. Trong quá trình quan hệ tình dục, nếu bạn quan hệ an toàn là có sử dụng bao cao su thì chỉ có khả năng làm giảm tỉ lệ lây nhiễm của virus HPV. Theo giới chuyên gia, không có biện pháp nào là an toàn tuyệt đối 100%.
Nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà vẫn có khi sử dụng bao cao su vì bệnh sùi mào gà có khả năng lây nhiễm qua vết thương hở hay khi bạn dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người nhiễm HPV. Trong khi đó, diện tích bao cao su bảo vệ bộ phận cơ thể còn bị hạn chế. Sùi mào gà có thể xuất hiện ở những vị trí không được che chắn bảo vệ như âm hộ, hậu môn, bìu.
Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn không thể ngăn 100% nguy cơ lây nhiễm virus HPV gây bệnh sùi mào gà.
Bệnh sùi mào gà có nguy hiểm không?
Bệnh sùi mào gà giai đoạn đầu có thể trở nên nguy hiểm nếu trì hoãn điều trị. Trong giai đoạn đầu có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc ít xuất hiện nên có người chủ quan. Nếu không có biện pháp can thiệp từ sớm, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng nặng nề hơn khi bệnh tiến triển nặng như sau:
- Nếu nhiễm chủng HPV-16 hoặc HPV-18 thì tỉ lệ 5% đến 15% người bệnh phải đối diện với nguy cơ ung thư âm đạo, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật và ung thư hậu môn.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ: Trong quá trình mang thai, nồng độ hormone người mẹ tăng cao khiến cho các nốt sùi to lên, lan rộng và gây chảy máu. Từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hàng ngày và thậm chí là hành trình sinh nở tự nhiên của người mẹ. Đứa trẻ sinh ra cũng có khả năng bị u nhú thanh quản khiến bé khàn giọng, khóc yếu,…
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Bệnh sùi mào gà có thể gây biến dạng cơ quan sinh dục của hai giới như biến dạng dương vật, tắc nghẽn ống dẫn tinh, … Sự xuất hiện của virus HPV có thể khiến nam giới vô sinh và tăng nguy cơ sảy thai ở nữ giới.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh sùi mào gà để điều trị sớm?
Để chẩn đoán căn bệnh này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán như sau:
- Đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe và lịch sử quan hệ tình dục của bạn. Trong đó bao gồm các triệu chứng bạn đã gặp phải và liệu trong quá trình quan hệ tình dục thì có quan hệ bằng miệng, không sử dụng bao cao su không.
- Tiến hành khám sức khỏe và làm xét nghiệm ở các vị trí nghi ngờ có sùi mào gà.
- Bác sĩ có thể sẽ thoa một dung dịch có tính acid nhẹ lên da bạn để giúp mụn cóc sinh dục dễ nhìn thấy hơn. Đây gọi là thử nghiệm acetowhite, nó có thể gây cảm giác bỏng nhẹ.
- Nếu bạn bị viêm âm hộ, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu, soi cổi tử cung để kiểm tra, sinh thiết âm đạo,… vì mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện sâu bên trong cơ thể của bạn.
Cách chữa trị bệnh sùi mào gà
Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều trị bệnh sùi mào gà phải tuân thủ theo nguyên tắc là chữa các tổn thương tiền ung thư, kiểm soát khả năng lây truyền bệnh sùi mào gà; đồng thời chữa trị cho cả bạn tình của người bệnh, ngăn ngừa tình trạng bùng phát và tái nhiễm.
Điều trị bệnh sùi mào gà bằng thuốc
Hiện nay bệnh sùi mào gà được điều trị bằng các thuốc kê đơn sau:
- Imiquimod (Aldara).
- Podophyllin và podofilox (Condylox).
- Acid trichloroacetic hoặc TCA.
Điều trị bằng cách phẫu thuật
Nếu mụn cóc ở vị trí dễ nhìn thấy mà tình trạng điều trị không có tiến triển hoặc mụn cóc không biến mất theo thời gian thì bạn có thể làm tiểu phẫu để loại bỏ chúng. Các thủ thuật để loại bỏ:
- Đốt điện.
- Phẫu thuật lạnh.
- Điều trị bằng laser.
- Cắt bỏ mụn cóc.
- Tiêm thuốc Interferon.
Cách phòng tránh bệnh sùi mào gà
Trong quan hệ sinh hoạt tình dục hàng ngày, bạn nên thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bạn tình khỏi nguy cơ bị lây nhiễm virus HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác:
- Kiểm tra định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn.
- Điều trị triệt để các bệnh có khả năng lây lan qua con đường tình dục.
- Sử dụng bao cao su mỗi khi phát sinh quan hệ tình dục.
- Không quan hệ tình dục với nhiều người trong một khoảng thời gian.
- Tiêm phòng vaccine HPV để chủ động bảo vệ sức khỏe, ngăn các chủng HPV có nguy cơ gây ung thư.
Trên đây là những nội dung quan trọng liên quan đến căn bệnh sùi mào gà (mụn cóc sinh dục), hi vọng có thể cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề bạn đang quan tâm. Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm tư vấn của bác sĩ để có biện pháp điều trị sớm và hiệu quả.