Ung thư cổ tử cung không còn là khái niệm xa lạ với chị em. Đây là căn bệnh có thể âm thầm cướp đi tính mạng của người phụ nữ nếu như không phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn có biết rằng, lựa chọn thực phẩm cũng có thể giúp bảo vệ bạn chống lại căn bệnh ung thư cổ tử cung, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Cụ thể hơn, chị em nên ăn gì và kiêng gì để chống ung thư cổ tử cung?
Mục lục
Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và chống ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là tình trạng có khối u ở cổ tử cung phát triển từ các tế bào bất thường, nguyên nhân khiến các tế bào tăng trưởng bất thường thành tế bào ung thư là do một loại virus lây qua đường tình dục, tên gọi là HPV (Human Papilloma Virus).
Các type phổ biến gây ung thư của virus HPV như type 16, 18 sau khi xâm nhiễm vào cơ thể, sẽ tấn công chủ yếu vào các tế bào biểu mô lát tầng không sừng hóa của cổ tử cung tại nơi tiếp giáp giữa cổ trong và cổ ngoài tử cung. Các gen gây ung thư sẽ ức chế và làm rối loạn hoạt động của tế bào bình thường. Nếu như lúc này, hệ miễn dịch của cơ thể không đáp ứng để tiêu diệt các chủng virus ung thư này, nguy cơ chúng biến đổi tế bào thành ung thư là rất cao.
Để xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh, yếu tố dinh dưỡng là thiết yếu, không thể không đề cập tới. Vậy, bạn nên ăn gì để có một sức khỏe tốt, chống chọi lại các tác nhân gây ung thư cổ tử cung. Sau đây là các nhóm thực phẩm nên có mặt trong thực đơn hàng ngày của bạn.
Đọc thêm: Ung thư cổ tử cung có lây không?
Nên ăn gì để hạn chế nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?
Nhóm thực phẩm giàu vitamin C và E
Đây la những vitamin quan trọng giàu khả năng chống oxy hóa và có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta. Ngoài ra, vitamin E và C ngăn chặn sự hình thành của nitrosamine là nguyên nhân gây ung thư.
Ăn nhiều loại trái cây và rau quả có thể giúp bảo vệ bạn khỏi phát triển ung thư cổ tử cung. Hoa quả có múi và rau lá xanh đậm thường giàu vitamin C, chúng có thể là cam, quýt, bưởi, kiwi, ổi, đu đủ, bông cải xanh, cải bắp… Các loại quả mọng, rau xanh và ngũ cốc có thành phần vitamin E dồi dào như cà chua, bơ, khoai lang, bí ngô, hạnh nhân…
Nhóm thực phẩm giàu Flavonoid
Flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, được biết đến với công dụng tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa stress oxy hóa trong tế bào giúp chống ung thư.
Các thực phẩm giàu flavonoid có thể kể đến táo, măng tây, hạt đậu đen, bông cải xanh, cải bắp, tỏi, rau diếp, hành, đậu nành, rau chân vịt…
Nhóm thực phẩm giàu Carotenoid
Các nghiên cứu dinh dưỡng cho biết, carotenoid là nguồn cung cấp vitamin A, hữu ích trong việc ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Các loại thực phẩm có màu cam rất giàu carotenoid như cà rốt, bí đỏ, khoai lang nên được bổ sung trong thực đơn hàng ngày.
Nhóm thực phẩm giàu Folate
Folate hay acid folic trong một số loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở người nhiễm HPV.
Thực phẩm giàu folate gồm có bơ, đậu xanh, bánh mì và ngũ cốc, chuối, bông cải xanh, rau chân vịt…
Nhóm thực phẩm bổ sung kẽm
Kẽm giúp sản xuất hơn 100 loại enzym quan trọng trong cơ thể. Superoxide dismutase là một trong những enzym có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và bảo vệ tế bào. Hya nói khác đi, kẽm cũng giúp hệ thống miễn dịch loại bỏ các tế bào bất thường trước khi chúng sinh sôi và trở thành tế bào ung thư.
Thực phẩm giàu kẽm gồm có các thịt động vật có vỏ như cua, hàu, sò, thịt đỏ và các loại hạt khô và ngũ cốc.
Nhóm thực phẩm giàu omega 3
Axit béo omega 3 là chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể. Axit béo omega 3 tồn tại nhiều trong các loại cá béo như cá trích, cá thu, cá hồi, cá ngừ, có thể có trong các loại hạt nhưng hàm lượng khá nhỏ. Omega 3 không chỉ có khả năng chống viêm mà có khả năng chống ung thư. Đặc biệt, ăn cá hồi còn giúp bổ sung astaxanthin (một carotenoid khiến thịt cá hồi có màu cam), chất này có khả năng tiêu diệt hiệu quả các gốc tự do, chống oxy hóa xảy ra ở tế bào giúp ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Không nên ăn gì để phòng ngừa ung thư cổ tử cung?
Không ăn quá nhiều protein
Theo các chuyên gia nghiên cứu về ung thư ở Châu Âu, cơ chế bảo vệ chính của cơ thể chống lại các tế bào ung thư đang tăng sinh là pancreatin. Pancreatin là enzym tiêu hóa protein. Các enzym này không chỉ chống lại các tế bào ung thư mà còn giúp tiêu diệt chúng. Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhiều protein, các enzym sẽ bận rộn tiêu hóa chúng và có ít thời gian hơn để chống lại các tế bào ung thư.
Tuy nhiên protein là chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì các hoạt động sinh trưởng bình thường của cơ thể, quan trọng là hàm lượng bạn đưa vào cơ thể phù hợp. Theo các chuyên gia, mỗi ngày bạn chỉ nên bổ sung 0.8gr protein trên 1 kg trọng lượng cơ thể là hợp lý.
Không tiêu thụ thực phẩm chứa Nitrat
Nitrat thường được các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng để bảo quản đối với các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích… Khi chúng ta tiêu thụ nitrat, cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa nó thành nitrit và biến thành nitrosamine. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nitrosamine có thể gây ung thư. Rau cũng chứa nitrat nhưng do một lượng lớn chất chống oxy hóa có trong chúng nên nitrat trong đó không gây hại cho chúng ta.
Đọc thêm: Tiền ung thư cổ tử cung là gì?
Chiến lược phòng chống ung thư cổ tử cung tổng thể – Không chỉ là chế độ ăn uống
Duy trì được thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học là bạn đã thực hiện rất tốt một phần trong chiến lược chống ung thư cổ tử cung. Vậy những phần còn lại là gì? Dưới đây là những việc cần làm để phòng chống ung thư cổ tử cung hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung là một trong số ít những căn bệnh ung thư không chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố di truyền. Bệnh đến chủ yếu từ lối sống không lành mạnh.
Một lối sống khoa học có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung cũng nên bao gồm:
Chủ động sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm sớm bao gồm: Xét nghiệm PAP hoặc xét nghiệm HPV. Mục đích của việc thực hiện các xét nghiệm này để phát hiện sớm sự tồn tại của tác nhân gây bệnh là các virus HPV gây ung thư, hoặc phát hiện sớm những tế bào bất thường, u nhú khi chúng ở giai đoạn dễ điều trị.
Các gói sàng lọc được cung cấp tại hầu hết các cơ sở sản phụ khoa giúp bạn dễ dàng tiếp cận. Phụ nữ ngoài 30 tuổi nên sàng lọc ung thư cổ tử cung 2-3 năm/lần là tốt nhất.
Tiêm vắc xin chống HPV
Vắc xin chống HPV cũng như các loại vắc xin khác sẽ giúp cơ thể có kháng thể để chống lại sự tấn công và lan rộng của virus HPV nếu bị xâm nhiễm trong tương lai. Chính vì vậy, đối với người đã nhiễm HPV thì việc tiêm phòng không mang lại nhiều tác dụng. Độ tuổi phù hợp để tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung là 9 đến 26 tuổi.
Không hút thuốc
Thuốc lá là tác nhân đầu độc tế bào hàng đầu, có thể khiến các tế bào bình thường bị biến đổi cấu trúc thành tế bào ung thư và làm các khối u phát triển mạnh và lan rộng hơn. Không chỉ ung thư cổ tử cung, thuốc lá còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư ác tính khác có nguy cơ gây tử vong cao như ung thư phổi, ung thư vòm họng, dạ dày, tụy…
Quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ là cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm HPV ung thư và các bệnh tình dục khác.
Xem chi tiết: Hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn sau sinh
Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai
Không sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian quá dài sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư cổ tử cung so với người không dùng thuốc tránh thai.
Đi khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa để kiểm soát các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh sản có thể phát sinh. Các bệnh lý phụ khoa thông thường như viêm nhiễm âm đạo có thể không quá nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị dứt điểm. Tình trạng âm đạo viêm nhiễm dai dẳng có thể lây lan đến cổ tử cung, gây tổn thương lâu dài tại vị trí này và tăng nguy cơ ung thư.
- Khám sức khỏe định kỳ
Nếu thấy mình có một trong các biểu hiện bất thường sau, bạn hãy sớm đến gặp bác sĩ để kiểm tra:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Trong một số thời điểm, phụ nữ có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều do stress, thay đổi nội tiết tố… Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn bị trễ kinh, mất kinh trong nhiều tháng sau đó mới có lại thì cần đề phòng bởi đó có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung.
- Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu khi giao hợp, chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu ít có màu hồng nhạt hoặc đỏ sẫm.
- Dịch âm đạo tiết nhiều, có màu xám, màu vàng hoặc xanh mủ và thường có mùi hôi. Đây là biểu hiện của hầu hết các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như nhiễm khuẩn âm đạo, nấm âm đạo thường đi kèm triệu chứng ngứa ngáy.
- Thường xuyên gặp phải các cơn đau vùng chậu, đau lưng, đau chân, đau khi quan hệ tình dục. Các cơn đau này có thể đơn thuần là cơn đau bụng kinh, đau do viêm nhiễm phần phụ nhưng cũng có thể là dấu hiệu sớm ung thư cổ tử cung.
- Gặp vấn đề khi đi tiểu như khó tiểu, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần, đi tiểu ra máu…Tình trạng này xảy ra có thể là do bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến hệ tiết niệu, nhưng không loại trừ khi nó là biểu hiện của ung thư cổ tử cung xâm lấn.
- Những dấu hiệu trên có thể biểu hiện của các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng có nguy cơ là triệu chứng của căn bệnh ung thư cổ tử cung. Vì thế, việc thăm khám sớm là điều vô cùng quan trọng mà các chị em cần lưu ý.
Hi vọng những thông tin chúng tôi cung cấp đã giúp chị em có cái nhìn chi tiết hơn về cách chăm sóc, bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Cảm ơn đã đón đọc.