Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng hay gặp ở nữ giới tuổi dậy thì hoặc những người trong độ tuổi tiền mãn kinh. Ngoài việc sử dụng thuốc, các bạn có thể quan tâm đến chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng khó chịu do rối loạn kinh nguyệt gây ra. Vậy rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì, kiêng gì? Mời các bạn theo dõi bài viết sau để có thể được giải đáp các thắc mắc trên.
Mục lục
1. Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày mà còn là một mối nguy hại ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của phụ nữ nếu như không có biện pháp điều trị kịp thời.
Khi bạn bị rối loạn kinh nguyệt, thường có một số biểu hiện sau:
- Số ngày bị kinh của bạn ít hơn 2 ngày hoặc kéo dài trên 7 ngày và thất thường qua các tháng.
- Chu kỳ kinh nguyệt thưa: từ 36 ngày đến 6 tháng mới bị một lần.
- Kinh nguyệt ngưng từ 6 tháng trở lên.
- Lượng máu kinh ra ít hơn 30ml và nhiều hơn 80ml.
- Màu sắc của kinh nguyệt không giống như bình thường, ra lỏng như nước và có kèm với các cục máu đông.
- Đau bụng, đau quặn.
- Đau đầu.
- Cảm thấy bụng có cảm giác đầy hơi, chướng bụng.
Đọc thêm: Tại sao thuốc tránh thai gây rối loạn kinh nguyệt?
2. Rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì, uống gì?
Để điều hòa kinh nguyệt, ngoài sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống cũng góp phần hỗ trợ, cải thiện tình trạng trên. Dưới đây là một số thực phẩm nên dùng khi bạn bị rối loạn kinh nguyệt:
2.1. Ngải cứu
Trong lá ngải cứu có chứa nhiều các thành phần như tinh dầu, acid amin, cineol, coumarin, sterol, tetradecatrilin có tác dụng kháng khuẩn, giảm các cơn đau bụng kinh rất hiệu quả.
Theo Đông y, ngải cứu có tính ấm, vị đắng, hơi cay, mùi hắc nên có tác dụng ôn kinh chỉ huyết, lưu thông kinh mạch, chống đau, cầm máu, điều hòa kinh nguyệt.
Đau bụng kinh chủ yếu là do chứng hàn gây ra. Do ngải cứu có tính ấm, nóng nên có công dụng đả thông kinh mạch, tuần hoàn máu và loại bỏ được những cơn đau do kinh nguyệt không đều.
Nếu muốn chữa rong kinh, bạn có thể thực hiện theo cách sau: Bạn lấy khoảng 6 – 12 gam ngải cứu khô cho vào ấm, cho đầy nước sôi và đợi tầm 15 – 20 phút để các chất trong ngải cứu ngấm hết ra nước. Một ấm bạn chia thành 3 lần, uống 3 bữa trong ngày. Bạn nên sử dụng trước chu kỳ kinh khoảng 1 tuần đến chu kỳ kinh thì dừng lại.
Nếu muốn điều hòa kinh nguyệt, bạn có thể thực hiện như sau: Lấy khoảng 30 gam ngải cứu tươi, rửa sạch cho vào nồi đun sôi với 300ml nước. Vặn nhỏ lửa đun đến khi còn khoảng 150ml nước thì tắt bếp, lấy nước uống khi còn ấm. Với cách này, bạn có thể thực hiện từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh đến khi hết kinh.
2.2. Mướp đắng
Mướp đắng là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người, cho dù nó có vị hơi đắng. Mướp đắng có chứa hàm lượng lớn vitamin B1, B2, B3 và các khoáng chất như phốt pho, sắt… nên có thể giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt và làm giảm các cơn đau cổ tử cung co bóp trong những ngày bị kinh nguyệt. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng mướp đắng khô làm nước uống vừa có tác dụng cải thiện, điều hòa kinh nguyệt, vừa có tác dụng bổ sung những chất cần thiết để điều trị một số bệnh như mỡ máu và tiểu đường.
2.3. Trà gừng
Gừng là nguyên liệu dễ kiếm trong bếp nhưng lại có tác dụng giảm đau bụng kinh hiệu quả. Gừng là thực phẩm có tính ấm, khi bạn dùng gia vị này, máu trong tử cung sẽ được lưu thông thuận lợi hơn. Do gừng có tác dụng hỗ trợ tuần hoàn máu vừa có tác dụng bắt đầu chu kỳ kinh mới được dễ dàng hơn. Từ đó, gừng giúp điều hòa kinh nguyệt rất là tốt. Ngoài ra, gừng còn chứa nhiều vitamin C, magie nên có công dụng giảm đau, hạn chế các cơn co thắt tử cung, đẩy máu kinh nhanh thoát được ra ngoài.
Cách uống nước gừng để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt: Bạn lấy 1 củ gừng tươi, thái lát nhỏ hoặc dập nhỏ, đun với 100ml nước, cho thêm 1 ít muối tinh vào rồi hòa với mật ong. Bạn nên uống trước khi đi ngủ, thực hiện liên tục trong vòng 3 tối. Sau đó, nghỉ 1 tuần, rồi lại uống tiếp 3 tối. Bạn áp dụng 3 lần trong tháng như vậy sẽ giúp kinh nguyệt của bạn được đều hơn.
2.4. Đu đủ xanh
Với những bạn nữ, rối loạn kinh nguyệt được xem như một vấn đề vô cùng nan giải. Để giúp điều hòa kinh nguyệt, bạn có thể dùng nước ép đu đủ xanh để uống.
Trong quả đu đủ có chứa nhiều enzyme papain nên có tác dụng thúc đẩy hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, giúp máu kinh được đào thải ra ngoài dễ dàng. Ngoài ra, loại enzyme này còn có tác dụng thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, trầm cảm, giúp cho chị em cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày kinh nguyệt.
Bạn có thể chế biến đu đủ xanh thành các món nộm, các món canh để ăn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn đu đủ xanh vào những ngày kinh nguyệt.
Đọc thêm: Mối quan hệ phức tạp giữa căng thẳng và rối loạn kinh nguyệt
2.5. Nước ép rau mùi
Rau mùi là có tác dụng kích thích tự nhiên giúp điều chỉnh rối loạn kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh rất là hiệu quả. Ngoài ra, trong rau mùi còn chứa nhiều thành phần như vitamin A, K, C rất tốt cho sức khỏe.
Để cải thiện tình hình rối loạn kinh nguyệt, bạn chỉ cần mỗi ngày lấy 1 nắm rau mùi, rửa sạch rồi xay nhuyễn, chắt lấy 75ml để uống. Bạn cũng có thể ăn rau mùi sống kèm theo món canh cá, thịt.
2.6. Đậu phụ
Đậu phụ rất tốt cho nội tiết tố của phụ nữ. Bởi đậu phụ được làm từ những hạt đậu nành có chứa hàm lượng phytoestrogen cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết rằng, phytoestrogen là một chất hữu cơ trong thực vật, có cấu trúc tương tự như hormone nội tiết estrogen của nữ. Vì nó có thể tương tác với các thụ thể trong cơ thể để giúp chống lại những thay đổi bất thường của hormone estrogen, và kiểm soát được các vấn đề rối loạn kinh nguyệt như kinh nguyệt ít, rong kinh rất hiệu quả.
Ngoài ra, phytoestrogen còn có tác dụng chống lại những cơn bốc hỏa, căng thẳng ở phụ nữ tiền mãn kinh và hạn chế mụn trứng cá với các bạn nữ trong độ tuổi dậy thì.
2.7. Dứa
Trong quả dứa có chứa enzym bromelain có tác dụng giúp tế bào ở thành tử cung bong tróc được dễ dàng. Ngoài ra, enzym bromelain có đặc tính chống viêm và giảm đau tốt nên có thể khắc phục được những cơn đau bụng dưới, đau đầu trong những ngày bị kinh nguyệt
Việc ăn dứa thường xuyên còn tăng lượng hồng cầu và bạch cầu trong cơ thể, giúp cơ thể phục hồi nhanh sau mỗi kỳ kinh nguyệt.
2.8. Nghệ tươi
2.9. Cà rốt
Trong củ cà rốt có chứa hàm lượng sắt cao, nên có thể bù đắp lại lượng máu đã mất trong những ngày bạn bị kinh nguyệt. Bên cạnh đó, cà rốt còn chứa nhiều hàm lượng beta carotene, chất này khi được nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng kiểm soát lưu thông máu tốt, xoa dịu được những đau bụng kinh. Bạn có thể, chế biến các món từ cà rốt như: nước ép sinh tố, hầm xương, làm nộm…
2.10. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa bạn có thể dùng như: phô mai, sữa chua, sữa tươi… có chứa hàm lượng vitamin D cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng, việc thiếu hụt vitamin D có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt trên một số người. Chính vì lý do đó, nếu bạn thấy chu kỳ kinh của mình không được đều, bạn có thể tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa trong thực đơn hàng ngày.
2.11. Cam
Quả cam có chứa hàm lượng vitamin C, D và canxi cao nên có tác dụng làm giảm khả năng đau nhức, khó chịu trong những ngày những bạn bị kinh nguyệt. Ngoài ra, quả cam có hàm lượng chất xơ cao nên rất tốt cho đường ruột.
2.12. Trà quế
Theo Đông y, quế có tính ấm rất có lợi trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh trong những ngày đèn đỏ. Ngoài ra, quế còn có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, tăng cường hô hấp, co bóp tử cung để đẩy máu kinh được tống ra ngoài nhanh hơn.
Vì vậy, vào những ngày đang bị, bạn có thể làm một ly trà quế uống sau bữa ăn, để giúp cải thiện tình trạng đau bụng kinh.
2.13. Chocolate đen
Trong những ngày đèn đỏ thì chocolate đen là một lựa chọn hoàn hảo cho chế độ ăn của bạn. Chocolate có tính oxy hóa cao nên có tác dụng giúp tăng lượng serotonin trong cơ thể. Vì vậy, bạn ăn món đó trong ngày bị kinh sẽ khiến bạn có cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn. Ngoài ra, việc ăn chocolate đen trong ngày đèn đỏ còn giảm được cơn đau bụng kinh không mong muốn.
2.14. Rau diếp cá
Rau diếp cá là một trong những thực phẩm điều kinh được nhiều chị em áp dụng. Bởi rau diếp cá có tác dụng làm thông kinh mạch, chống ứ trệ máu kinh, ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, còn làm giảm được hiện tượng đau bụng trong những ngày đèn đỏ.
Bạn có thể ăn rau diếp cá trong bữa ăn hàng ngày hoặc xay rau diếp cá uống mỗi ngày 1 cốc hoặc kết hợp với ngải cứu, sắc làm nước uống để điều hòa kinh nguyệt.
3. Rối loạn kinh nguyệt không nên ăn và uống gì?
Có một số thực phẩm có thể khiến tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bạn trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là một số đồ ăn và nước uống, bạn nên hạn chế dùng:
3.1. Không nên ăn những thực phẩm có tính hàn
Các thực phẩm có tính hàn có thể dẫn đến gây rối loạn tiêu hóa, lạnh bụng. Khiến cho các chị em có cảm giác đau tức bụng dưới khi đến ngày. Do đó, bạn nên cắt giảm các thực phẩm như: dưa hấu, củ cải, các loại trái cây có chứa hàm lượng đường cao…trong thời gian này.
3.2. Những món ăn cay nóng
Những món ăn cay nóng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố của các chị em phụ nữ. Để cải thiện được tình trạng rối loạn kinh nguyệt nhanh chóng, các bạn không nên dùng những món cay nóng trong giai đoạn này.
3.3. Những thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao
Hàm lượng muối nhiều trong thức ăn khiến cơ thể bị tích nước, dẫn đến gây tức bụng dưới nên làm tăng khả năng đau bụng và có cảm giác khó chịu trong những ngày đèn đỏ.
3.4. Không nên uống những sản phẩm có chứa nhiều caffeinee
Nếu bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt thì bạn nên tránh các sản phẩm như: cà phê, chè đặc, nước tăng lực, trà sữa… vì những sản phẩm có chứa hàm lượng caffeinee gây có thắt cổ tử cung, mất nước trong cơ thể khiến cho tình trạng đau bụng hoặc đau đầu trở lên trầm trọng hơn. Thậm chí làm cho chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn mức bình thường.
3.5. Các nước uống có chứa cồn
Trong thời gian bạn bị rối loạn kinh nguyệt, không nên uống rượu, bia hoặc các loại nước uống có cồn. Vì chất cồn khi được dung nạp vào cơ thể sẽ kích hoạt cổ tử cung co bóp mạnh hơn đến đến bạn bị đau bụng hoặc ra nhiều máu hơn.
Ngoài ra, bia rượu còn ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt và mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe của bạn.
Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống, các bạn nên có tâm lý thoải mái, tránh stress và tích cực tập thể dục, thể thao khi có thời gian.
Hi vọng qua bài viết này, cung cấp được phần nào những thông tin hữu ích về rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì, kiêng gì. Chúc các bạn khắc phục được tình trạng rối loạn kinh nguyệt thành công!
Tìm hiểu thêm: Các bài thuốc đông y chữa rối loạn kinh nguyệt hiệu quả